MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quấy rối tình dục nơi công sở đã trở thành vấn nạn.

Quấy rối tình dục nơi công sở: Đừng nghĩ đó “chỉ là đùa giỡn”

Thiên Bình LDO | 01/07/2018 07:49
Cho đến khi, chúng ta vẫn coi những cái “sờ nhẹ”, những cái vỗ mông, những ánh nhìn khiếm nhã, những lời nói gây khó chịu chỉ là sự đùa giỡn cho vui thì vấn nạn quấy rối tình dục nơi công sở sẽ chẳng bao giờ được giải quyết.

Khi nơi làm việc không còn an toàn

Mới đây, dư luận vô cùng bức xúc trước chuyện một nữ chuyên viên tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính, tại Quảng Trị.

Theo đó, chị L.A (SN 1988, chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong) tố vào khoảng 10h sáng 21.6, trong lúc chị đang ở phòng làm việc một mình (tầng 2, trụ sở Phòng Tài chính Kế hoạch) thì ông N.B.Tr (chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, làm việc ở cùng tầng 2, khác phòng) đi vào rồi khép cửa lại. Tiếp đó, ông Tr. ép sát chị L.A, dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần chị. Khi chị L.A tìm cách vùng chạy thì ông Tr. chốt cửa lại rồi tiếp tục cưỡng bức chị, mặc cho chị này chống trả quyết liệt. Cũng theo lời chị L.A, trước đó, ông Tr. đã nhiều lần có hành vi đụng chạm cơ thể khiến chị này bức xúc.

Sự việc trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về quấy rối tình dục nơi công sở mà chúng ta nói đến trong thời gian qua. Chia sẻ với PV báo Lao Động, bà Phạm Thị Minh Hằng, Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) cho biết, theo một nghiên cứu về quấy rối tình dục nơi công cộng trong đó có quấy rối tình dục nơi công sở do CGFED phối hợp với các tổ chức khác thực hiện, qua từng năm, tỉ lệ quấy rối không hề giảm. Trong nghiên cứu gần đây nhất, tỉ lệ đó vẫn là trên 80%. Những người trả lời phỏng vấn đều nói rằng họ từng ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nơi công cộng.

Công sở không biết từ khi nào đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi mối đe dọa từ việc bị tấn công tình dục.

Nạn nhân phải gánh chịu những hậu quả nặng nề

Đã từ lâu người ta nói đến cụm từ “quấy rối tình dục nơi công sở”, câu chuyện chẳng mới nhưng vẫn chẳng có lời giải sau hàng loạt các vụ tấn công tình dục diễn ra ở nơi làm việc. Nhiều nạn nhân chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi họ nghĩ rằng có lên tiếng thì cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết, nạn nhân của những vụ tấn công tình dục không chỉ đơn thuần là thiệt hại về thể chất mà còn là những thiệt hại về tinh thần không gì có thể bù đắp được và có ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới nạn nhân và cả gia đình họ.

Hầu hết các nạn nhân đều phải đối mặt với mặc cảm xấu hổ, sợ người khác biết; một số phụ nữ bị sang chấn tinh thần, phải mất một thời gian dài mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và phần lớn trong số này thường xuyên ở trạng thái lo âu, mất ngủ. Thậm chí, có tới gần ½ số phụ nữ bị tấn công tình dục từng có ý định tự sát vì không chịu nổi khủng hoảng tâm lý sau khi trở thành nạn nhân bị tấn công tình dục.

Những hậu quả tâm lý mà nạn nhân của tội hiếp dâm và xâm hại tình dục phải gánh chịu vô cùng nặng nề trong khi nạn nhân của đa số các tội phạm khác không phải hoặc ít khi rơi vào tình trạng tương tự.

Làm gì để có “công sở an toàn”?

Trở lại câu chuyện của nữ chuyên viên Quảng Trị, mặc dù hành động này đã khiến cho cô hoảng loạn, sợ hãi song trả lời báo chí, ông Lê Minh Tiến - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong lại cho rằng, đây chỉ là “anh em đùa giỡn nhau tí thôi chứ có vấn đề gì đâu”. Dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra thì câu trả lời này của vị lãnh đạo đã khiến cho không ít người bức xúc.

Bà Minh Hằng (CGFED) bày tỏ quan điểm không đồng tình với câu trả lời của vị lãnh đạo phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong. Ông này nói đây chỉ là “anh em trêu đùa” thế nhưng rõ ràng nữ chuyên viên đã tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí là kháng cực quyết liệt với hành động của nam đồng nghiệp kia, điều đó có nghĩa nam đồng nghiệp đã vi phạm quyền cá nhân của người khác.

“Đó là hành vi quấy rối tình dục. Bất cứ hành động nào khiến cho người khác không thoải mái đều được xem là hành vi quấy rối. Ngay cả một ánh nhìn, một lời nói khiến cho người khác cảm thấy không thoải mái cũng được xem quấy rối tình dục”, bà Hằng khẳng định.

Điều đáng nói là những người thực hiện hành vi quấy rối thường nói rằng họ không nhận thức được hành vi của mình là quấy rối tình dục. Thậm chí, khi đưa vụ việc được trình báo thì cơ quan chức năng cũng tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý. Bởi lẽ, chúng ta chưa có một khung pháp lý rõ ràng cho việc này và làm như nào để chứng minh đó là hành vi quấy rối tình dục cũng không hề dễ dàng.

Những cái xua tay, cười nhạt cho rằng “chỉ là trêu đùa” và sự thiếu chặt chẽ trong hệ thống pháp luật đang đẩy những nạn nhân bị quấy rối tình dục vào sự im lặng và bất lực. Đã lên lúc chúng ta cần phải lên tiếng để hướng tới một môi trường công sở an toàn cho tất cả mọi người. Bên cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này thì việc xây dựng được khung pháp lý chặt chẽ là chìa khóa để bảo vệ mọi người khỏi vấn nạn “quấy rối tình dục nơi công sở”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn