MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn phòng đại diện tại ĐBSCL Báo Lao Động trong ngày tiếp đón thí sinh (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19). Ảnh: Phấn Đấu

Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động làm “dậy sóng” đất Tây Đô

Nguyễn Phấn Đấu LDO | 15/10/2021 15:07
Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động (Quỹ TLVLĐ) với tính nhân văn cao cả đã sớm đơm hoa, kết quả trên vùng đất Tây Nam bộ hào phóng và nghĩa tình. Theo những cán bộ Công đoàn lâu năm nơi đây, trong 25 năm từ khi ra đời đến nay, Quỹ TLVLĐ đã để lại 2 dấu ấn đậm nét trên đất Tây Nam bộ, đó là Chương trình Hỗ trợ người lao động và đồng bào nghèo vùng lũ (cuối thập niên 1990 - đầu thập niên 2000) và Chương trình Chỗ trọ miễn phí giúp học sinh nghèo trong toàn vùng về Cần Thơ thi đại học (từ 1998 đến 2014).

Tấm lòng vàng trong đêm mưa mùa thi

Chuẩn bị vào mùa World Cup - France 1998, đích thân Tổng Biên tập Báo Lao Động - ông Phạm Huy Hoàn đã vào Cần Thơ triển khai kế hoạch in và phát hành Tin nhanh France 98 (World Cup 1998) tại Cần Thơ cùng lúc với việc  giao cho anh Lê Thanh Nguyên nhiệm vụ Phụ trách Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là lần đầu tiên Báo Lao Động thực hiện tờ tin nhanh hàng ngày được in tại Cần Thơ và phát hành rộng rãi toàn vùng ĐBSCL. Văn phòng Đại diện tại ĐBSCL lúc ấy ở số 1 đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều - TP.Cần Thơ luôn nhộn nhịp, sôi động trong những ngày diễn ra World Cup trên đất Pháp (từ 10.6 đến 12.7.1998). Các trận đấu muộn diễn ra lúc 21 giờ, kết thúc khoảng 23 giờ. Mọi công việc cho tờ tin nhanh thường kết thúc vào nửa đêm để đưa đi nhà in. Những người làm tờ tin thường đi ngủ sau nửa đêm.

Đêm 8.7.1998, những người làm tờ tin nhanh Lao Động ở Cần Thơ kết thúc công việc muộn hơn bình thường sau 1 trận đấu hay, đầy kịch tính. Đó là trận bán kết giữa đội chủ nhà Pháp và “chú ngựa ô” của giải - đội tuyển Croatia (diễn ra lúc 21 giờ), với tỉ số 2-1 nghiêng về đội Pháp. Theo dõi trận đấu đầy kịch tính, rồi viết bài, dàn trang..., đưa tờ tin nhanh Lao Động đi in, trở về văn phòng lúc 1 giờ sáng, nhà báo Lê Thanh Nguyên tắt đèn đi ngủ... Bất ngờ trời đổ mưa nặng hạt kèm theo giông gió mạnh, anh Thanh Nguyên trở dậy, đi đóng cửa sổ. Tình cờ nhìn xuống đường, anh thấy có mấy thanh niên có vẻ là học sinh đang ngồi co ro dưới mái hiên nhà đối diện bên kia đường, bị nước mưa tạt ướt. Cảm thương, anh Thanh Nguyên mở cửa văn phòng, mời họ vô tránh mưa. Bấy giờ chủ nhà mới được biết, đó là các thí sinh đến từ huyện nghèo Năm Căn của tỉnh Cà Mau, lần đầu về “Tây Đô” để thi vào Trường Đại học Cần Thơ. Nhà nghèo, chỉ đủ tiền đi xe và ăn uống tạm bợ, không có tiền mướn nhà trọ, các em phải ngủ tạm dưới mái hiên bên đường trong mấy ngày thi. Đêm ấy bị mưa tạt ướt, các “hàn sĩ” ngồi co ro tránh mưa, đợi trời sáng đi thi đại học...

Từ câu chuyện cảm động “đêm mưa mùa thi” ấy, bằng sự đồng cảm của một người từng là “học sinh nghèo”, sau khi kết thúc kỳ World Cup, nhà báo Thanh Nguyên đã đề xuất Ban Biên tập Báo Lao Động tổ chức Chương trình Chỗ trọ miễn phí (CTMP) do Quỹ TLVLĐ bảo trợ để giúp học sinh nghèo toàn vùng ĐBSCL về Cần Thơ thi đại học hằng năm.

Đoàn xe chất lượng cao đưa thí sinh về Cần Thơ thi đại học theo Chương trình CTMP (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19). Ảnh: Phấn Đấu

Gần 50 nghìn thí sinh đi qua “chuyến đò” Tấm lòng Vàng

Chương trình CTMP đã nhận được sự hưởng ứng của 13 LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và được tổ chức lần đầu vào mùa thi năm 1999 với 300 suất. Các thí sinh là con em của người lao động nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa trong toàn vùng ĐBSCL được đưa đón đến Cần Thơ thi đại học, được lo chỗ ở, hoàn toàn miễn phí. Với tính thiết thực, giá trị nhân văn của mình, Chương trình CTMP đã nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành, đồng cảm, hưởng ứng của hệ thống Công đoàn, ngành giáo dục, các nhà hảo tâm, thầy và trò ở khắp đồng bằng. Vào những năm cao điểm (từ 2008 đến 2012), mỗi năm có 4.500 thí sinh đi qua “chiếc đò” Chương trình CTMP để đến các trường thi. Về sau, với sự phát triển của đất nước, diện “học sinh nghèo” cũng giảm dần. Chương trình được “sắc” lại với quy mô 2.000 - 2.500 chỗ, để tập trung nâng cao chất lượng. Ngoài chỗ ở miễn phí, các thí sinh còn được trao suất ăn, nước uống, chiếu, nhang muỗi, các loại thuốc thông dụng... Cùng với đó là đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn chu đáo, tận tình, giúp các thí sinh an tâm, tự tin trong những ngày thi.

Thuở ấy, cứ mỗi lần mùa thi đại học đến, không chỉ khu vực “làng báo” trên đường Trần Văn Hoài (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), mà cả “Tây Đô” luôn nhộn nhịp khác thường với những tấm băng rôn về Chương trình CTMP treo dọc các trục đường chính và hàng nghìn thí sinh nghèo và người thân ở khắp vùng đồng bằng tập trung về Cần Thơ để được chăm lo theo chương trình CTMP. Buổi lễ khai mạc Chương trình CTMP luôn là sự kiện lớn thu hút hàng ngàn người tham dự. Chính quyền địa phương luôn ưu ái chặn hẳn một khúc đường Trần Văn Hoài, có CSGT phân luồng hẳn hoi, để buổi lễ đón tiếp thí sinh được diễn ra an toàn, thuận lợi. Có năm khi đang làm lễ (ngoài trời), trời bỗng đỗ mưa xối xả. Cả người tổ chức chương trình CTMP và các thí sinh đều dầm mưa để buổi lễ được diễn ra trọn vẹn. 

Qua 16 lần tổ chức, Chương trình CTMP đã đón gần 50 nghìn lượt thí sinh nghèo trong vùng về thi đại học ở TP.Cần Thơ. Nhiều người trong họ sau đó đã thành đạt, quay lại hưởng ứng Chương trình CTMP hằng năm để lo cho thí sinh nghèo thế hệ đi sau. Chương trình CTMP chỉ thực sự khép lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, khi các thí sinh không còn tập trung về Cần Thơ thi đại học nữa từ năm 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn