MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Răng khôn mọc lệch thường gây ra nhiều phiền toái. Ảnh: Từ điển bệnh học

Răng khôn và những rắc rối

Bs Trần Kiên LDO | 27/09/2020 09:30
Ngày 7.7, bệnh nhân nam N.Đ.A (24 tuổi, ở Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) vào viện Răng Hàm Mặt Trung ương (T.Ư) với tình trạng mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, góc hàm sưng nề, máu chảy thành dòng từ huyệt răng khôn (RK) đã nhổ. Ngày 2.7, bệnh nhân nhổ răng ở một phòng khám tư, 5 ngày sau thấy ổ răng chảy máu nhiều hơn nên trở lại phòng khám, được xử trí cầm máu nhưng không đỡ...

Kíp trực cầm máu tạm thời ổ răng, xét nghiệm máu và chụp film CT.Scanner để xác định nguyên nhân, phát hiện bệnh nhân rối loạn đông máu nhẹ và ở ổ RK đã nhổ có vài mảnh xương (chân răng) rất nhỏ. Gia đình cho biết, năm 4 tuổi, bệnh nhân đã phải cấp cứu vì rối loạn đông máu. BS phải gây mê nội khí quản để gắp các mảnh chân răng và cầm máu bằng dao điện lưỡng cực (thực chất là kẹp hai cực chống dính - do mô bị đốt gây dính) Bipolar, sau phẫu thuật, bệnh nhân hết chảy máu.

Không phải răng khôn nào cũng nhổ

RK (số 8) thường “mọc” từ 17 - 25 tuổi, đôi khi 16 tuổi và sau 30 tuổi. Có người mọc đủ 4 RK, có người chỉ mọc 2 và nhiều người không mọc RK nào. Nếu RK mọc thẳng, đủ chỗ đứng trên hàm, kích thước tương đương răng số 7 và mọc đối xứng (cả hai hàm trên, dưới cùng bên) thì không nhổ làm gì cho phiền phức. Tuy nhiên, rất nhiều người có RK mọc lệch (do hàm không đủ chỗ) đâm xiên vào răng số 7, tạo ra khe hở với răng số 7, giắt thức ăn, gây nhiễm trùng viêm lợi, sinh mủ vùng răng 7 - 8, có thể lan sang mang tai, má, cổ hoặc viêm xương hàm, xa hơn là viêm màng trong tim, nhiễm trùng máu... RK đâm xiên vào răng số 7 - răng hàm lớn thứ hai rất quan trọng cho nhai - với áp lực tăng dần khi mọc làm tiêu thân và chân răng số 7. Bất thường này gây đau nhưng nhiều khi không đau và tổn thương âm thầm kéo dài nhiều năm đến khi lan rộng mới phát hiện được thì răng số 7 đã hỏng. Do vùng mặt dày đặc dây, nhánh các thần kinh (TK) T.Ư phối hợp chi phối nên RK mọc lệch dễ chèn ép TK, gây mất, giảm cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm bên mọc RK. Lâu dài, mô túi răng sót lại do quá trình mọc không hoàn chỉnh của RK là nguyên nhân hình thành u nang thân răng, nguy hiểm hơn là ung thư xương hàm... RK mọc thẳng nhưng nhỏ, dị dạng cũng làm giắt thức ăn, thường gây viêm quanh cuống răng (nha chu viêm) hoặc sâu răng. Không mọc RK đối xứng, răng mọc sẽ chồi dài về phía hàm đối diện, ngoài giắt thức ăn còn gây viêm, loét lợi (nướu) hàm đối diện. RK không chồi lên được (mọc ngầm) do xương hàm và lợi cản trở. RK mọc được nhưng hay viêm quanh cuống, sâu răng. Những bất thường trên là chỉ định nhổ RK. Ngoài ra, RK còn phải nhổ khi cần chỉnh hình hàm, làm răng giả... Không nhất thiết phải nhổ RK khi chân răng gần với các nhánh của TK T.Ư số V; xoang (khoảng rỗng trong xương) hàm trên; người tiểu đường hoặc rối loạn đông máu. Nhổ RK tốt nhất khi 18 - 25 tuổi, lúc chân răng hình thành khoảng 2/3. Trên 35 tuổi, nhổ sẽ khó khăn hơn do xương cứng và đặc hơn. Theo thống kê, nếu cùng mọc lệch, RK hàm dưới nguy hiểm hơn RK hàm trên.

Vì nhiều tai biến

Tuy là tiểu phẫu nhưng nhổ RK có khá nhiều biến chứng nguy hiểm: Dị ứng, ngộ độc thuốc tê; chảy máu huyệt răng kéo dài do bệnh nhân sẵn có rối loạn đông máu; nhiễm trùng vùng răng nhổ không hoặc sinh mủ và các nhiễm trùng xa; tổn thương các nhánh của TK T.Ư số V: Nhánh lưỡi, ổ răng dưới, miệng và hàm - móng (xương hình móng ngựa ở ngay trên hầu) mà nhiều nhất là nhánh xương ổ dưới và nhánh lưỡi, gây tê, nóng rát hoặc mất cảm giác môi - lưỡi tạm thời hoặc vĩnh viễn; thủng hoặc viêm xoang hàm (xương hàm trên có hai xoang phải và trái, nếu xoang rộng thì chóp chân các răng 4, 5, 6, 7, 8 hàm trên hai bên chạm thành phía đáy xoang, có khi chóp chân răng xuyên thành vào hẳn trong xoang) do chân răng gãy rơi vào xoang hoặc gãy xương hàm trên chảy máu vào xoang; sót chân răng; không há được miệng (vài ngày); viêm xương hàm; tổn thương răng số VII hoặc vỡ xương hàm; ngoài ra còn sưng đau, bầm tím da mặt vùng răng nhổ; khô nẻ môi; khó nuốt; trật khớp nhai, cắn. Có thể gây hậu quả loạn dưỡng TK giao cảm (gây) phản ứng (Reflex Sympathetic Dystrophy - RSD), biểu hiện là những cơn đau bỏng rát ở mặt, mắt và cổ, không lan theo đường đi của dây, nhánh TK.

Tháng 5, Vương Kiệt (28 tuổi, ở TP.Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - TQ) đến phòng răng nhổ RK vì đau. Sáng hôm sau thức dậy thấy chóng mặt, nhìn mờ dần, anh đến ngay BV địa phương. BS không phát hiện thấy bất thường, nên cho về. Sau đó 12 ngày, Vương Kiệt lại thêm đau đầu dữ dội. Vợ anh mô tả: “Phía sau đầu xuống đến cổ đều đau, miệng không ngừng co giật và anh ấy biểu hiện mất dần nhận biết”. Khi Vương Kiệt được đưa đến BV thì đã tăng nặng, hôn mê, khó thở, co giật chân tay, đồng tử giãn. BS khoa Ngoại thần kinh chẩn đoán: Áp - xe (abces) màng cứng não, thoát vị mô não và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Khi bộc lộ não thấy màng cứng não (dính chặt vào mặt trong hộp sọ) giãn căng, qua vết rạch màng cứng thấy nhiều mủ trắng chảy ra. Phải cắt bỏ mảng màng cứng khá rộng do đã áp xe hóa, làm sạch mủ ở mô não dưới vùng áp xe... Khoang miệng là nơi cư ngụ của nhiều loại vi khuẩn (VK) và khoang miệng cùng vùng mặt có kết nối, lưu thông máu rất phong phú với nội sọ. Nhổ răng, nếu không tiệt trùng chuẩn trước và sau nhổ, tổn thương mô mềm ở ổ răng sẽ là “cửa mở” để VK xâm nhập máu gây áp xe não hoặc viêm màng não mủ.

Benjamin Edward LaMontagne, khi đang học ở trường trung học Cheverus, TP.Portland, bang Maine, Mỹ là một trong hai học sinh trung học Mỹ được nhận học bổng cao cấp về âm nhạc và được coi như một thiên tài âm nhạc khi chơi tốt saxophone, trumpet, bass... qua đời chỉ sau hai ngày nhổ RK, mới 18 tuổi. Một ngày sau khi nhổ răng, cậu có biểu hiện khó chịu và họng tấy đỏ. Sáng hôm sau, mọi chuyện trở nên tồi tệ khi Benjamin không thở được và đã ra đi khi chờ xe cấp cứu. Ở Mỹ, hàng năm có đến 10 triệu RK được nhổ, tiêu tốn trên 3 tỉ USD. Nhiều người Mỹ lo ngại việc nhổ RK để ngăn chặn biến chứng đang bị lạm dụng quá mức.

Ngày 25.5, sau khi nhổ RK, L.Q.P (26 tuổi, ở tỉnh Hồ Nam, TQ) sốt cao, rất mệt mỏi, khoang miệng vẫn rỉ máu và mỗi sáng dậy đều có cục máu đông nhỏ trong miệng. 5 ngày sau, tình trạng càng xấu đi, anh không thể ăn cơm và nôn ra máu đến mức choáng váng. Anh trao đổi tin nhắn với BS họ Tả - người nhổ răng cho anh - ở BV Changsha Stomatological Hospital. Vị BS này nói rằng không đáng ngại và khuyên anh đo huyết áp, nếu huyết áp cao anh sẽ có biểu hiện như thế. Ông BS này còn cam đoan vài ngày sau anh sẽ khỏi. Cho đến ngày 4.6, P suy sụp nên được đưa vào BV Changsha Central Hospital. BS họ Ngô cho biết: Bệnh nhân sưng đau chi dưới, sốt 40,50C, nhịp tim 123 lần/phút, hô hấp 22 lần/phút, bạch cầu tăng gấp 50 lần, hôn mê... BS chẩn đoán nhiễm trùng máu sau nhổ RK, “mạch máu toàn thân của bệnh nhân đầy VK” - như lời BS họ Ngô. Không chống chọi được, anh P qua đời ngày 9.6. Trên nền rối loạn đông máu, anh P lại thêm nhiễm khuẩn huyết.

Ông Ngô (ở Bắc Kinh, TQ) sau nhổ RK bị viêm màng trong tim và van tim cấp - một bệnh tỉ lệ tử vong cao - do VK Streptococcus viridans - loại VK luôn có ở khoang miệng.

Anh M.K.H (38 tuổi, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhổ RK ở một phòng răng trong TP.Vũng Tàu. Khi nhổ, anh cảm thấy đau đớn như bị bóp cổ, sau đó cổ và mặt phồng to. Ở BV Chợ Rẫy, TPHCM, các BS phát hiện ngoài tràn khí dưới da vùng cổ, mặt, anh còn bị tràn khí dưới da vùng ngực và cả trong trung thất (ở giữa khoang ngực, có mô liên kết lỏng lẻo bao quanh, chứa tim; một đoạn thực quản, khí quản, dây TK T.Ư số X, ống ngực (mạch bạch huyết), tuyến ức và các hạch bạch huyết). Nguyên nhân của tai biến này là do tổn thương lợi ổ răng, làm khí của máy sấy khô miệng qua “cửa mở” tổn thương len lỏi vào mô liên kết ở mặt cổ, ngực, trung thất và đến dưới da (sờ thấy cảm giác lép bép), nếu nhẹ sẽ gây đau và khó thở, nặng có thể gây sốc.

Đừng xem thường RK nhưng chỉ nhổ khi có bất thường. Những người đang viêm răng, lợi; mới khỏi ốm, đang mang thai và có kinh tuyệt đối không được nhổ RK. Sau nhổ 48h nếu còn rỉ máu phải đến BS ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn