MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thỏi son môi trên dây chuyền trong nhà máy của Công ty mỹ phẩm Pháp - L'Oreal ở Ormes, miền Trung nước Pháp. Ảnh: AFP

Sắc son kiêu hãnh

Thanh Hà LDO | 19/05/2024 09:21

Từ khi được gái mại dâm thời Hy Lạp cổ đại sử dụng cho đến khi vươn lên vị thế nữ hoàng trong ngành công nghiệp làm đẹp ở Hollywood, son môi gắn liền với sắc đẹp, uy quyền và sự nổi loạn của nữ giới, theo National Geographic.

Lịch sử rực rỡ

Son đỏ cổ điển là món đồ trang điểm không thể thiếu trong bộ làm đẹp của nữ giới. Dù thành phần son môi thay đổi rất nhiều theo thời gian, nhưng có một điều nhất quán: Phụ nữ sẵn sàng bôi hầu hết mọi thứ để có được vẻ quyến rũ của một đôi môi đỏ tươi hoàn hảo, ngay cả khi phải tiếp xúc với các chất độc hại, có nguy cơ bị bắt hoặc bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

Là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất về vẻ đẹp và sự gợi cảm của phụ nữ, son đỏ có lịch sử đầy thăng trầm, khi là biểu tượng của sự quý phái, sang trọng, lúc lại bị coi là dấu hiệu của phép thuật phù thủy.

Với những cái tên đầy sức gợi như “Cô gái rồng” và “Quả anh đào trong tuyết”, được những mỹ nhân cổ đại như Nữ hoàng Cleopatra cho tới những ngôi sao đương đại như Taylor Swift sử dụng, sắc son cuốn hút, kiêu hãnh và quyến rũ này đã tồn tại như một biểu tượng vượt thời gian của sắc đẹp và quyền lực.

Gần đây, các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết của hỗn hợp sáp thực vật và khoáng chất dạng bột - giống với công thức làm son môi hiện đại trong một chiếc lọ 4.000 năm tuổi ở Iran. Bằng chứng khảo cổ này càng làm tăng thêm tính di sản của một món đồ trang điểm không thể thiếu với phái đẹp.

Ngày nay, son đỏ tiếp tục là biểu tượng của sự tự tin với sức cuốn hút khó cưỡng, nhưng mang ý nghĩa rất uyển chuyển và đa dạng. Với nhiều người, son đỏ đại diện cho sự nữ tính và tinh tế cổ điển; đối những người khác, son là sự khẳng định táo bạo về cá tính. Sức hấp dẫn của son môi không chỉ nằm ở màu sắc mà còn ở vô số cách diễn giải và xúc cảm mà sắc son khơi gợi.

Cuốn hút, kiêu hãnh và quyến rũ là những tính từ mà phái đẹp thường dùng để ca tụng sắc son đỏ. Ảnh: AFP

Việc dùng son đỏ có từ năm 3500 trước Công nguyên, khi Nữ hoàng Puabi (hay còn gọi là Shubad) của Lưỡng Hà cổ đại sử dụng hỗn hợp chì trắng và đá đỏ nghiền nát để tô lên môi, dấu hiệu tượng trưng cho địa vị quyền lực của bà.

Xu hướng nhanh chóng lan rộng, các cuộc khai quật khảo cổ phát hiện son môi bảo quản trong vỏ sò được chôn cùng những người Sumer giàu có. Giới quý tộc Ai Cập cổ đại cũng ưa chuộng dùng màu son đỏ trộn với nhựa để có đôi môi đỏ đậm. Nữ hoàng Cleopatra yêu thích carmine - chất màu đỏ đậm được chiết xuất từ ​​rệp son, còn gọi là bọ yên chi.

Ở Hy Lạp cổ đại, môi đỏ gắn với gái mại dâm. Lớp sơn môi của họ làm từ các thành phần khác nhau như dâu tằm, rong biển, mồ hôi cừu và phân cá sấu, theo Sarah E. Schaffer, tác giả một cuốn sách về lịch sử của son môi. Nữ văn sĩ người Mỹ cho biết, nếu không tô son khi xuất hiện ở nơi công cộng, gái mại dâm có nguy cơ bị trừng phạt "vì đóng giả những người phụ nữ bình thường".

Đến thời đế chế La Mã, son môi phổ biến trở lại, với những sắc son rực rỡ thể hiện địa vị cao hơn. Tuy nhiên, như Schaffer viết, những thành phần đắt tiền để tô lên môi mà giới quý tộc thường dùng chứa đầy thủy ngân là chất độc có khả năng gây chết người. Trong khi đó, những người nghèo thường dùng cặn rượu vang đỏ để tô màu môi - cách làm đẹp tốt hơn cho sức khỏe.

Khi vương giả, lúc bên rìa xã hội

Vào thời Trung cổ, những sắc son rực rỡ có sức quyến rũ tội lỗi với công chúng ở châu Âu bởi các nhóm tôn giáo nỗ lực lên án việc trang điểm. Những người theo đạo Cơ đốc coi việc trang điểm là đi ngược với những giáo lý tôn giáo nhấn mạnh sự khiêm tốn và vẻ đẹp nguyên bản như tạo tác của Chúa. Theo các học giả, cuộc Thập tự chinh đã đưa mỹ phẩm trở lại sử dụng rộng rãi khắp Tây Âu như ở Trung Đông.

Ở Vương quốc Anh, son đỏ được cho là có sức mạnh xua đuổi cái ác. Nữ hoàng Elizabeth I nổi tiếng với việc tô môi đỏ bằng hỗn hợp làm từ rệp son, keo thực phẩm gum arabic, lòng trắng trứng và nhựa cây sung. Bà trở thành người tạo xu hướng, giúp son môi đỏ phổ biến trong suốt triều đại bà trị vì từ năm 1558 - 1603.

Tuy nhiên, dưới triều đại của người kế vị bà, Vua James I (1603 - 1625), nỗi sợ hãi về phép thuật phù thủy đã phủ bóng đen lên các hoạt động làm đẹp trong xã hội. Đến năm 1770, một đạo luật đã được nước Anh thông qua quy định bất kỳ người phụ nữ nào sử dụng trang điểm làm phương tiện để lừa đàn ông kết hôn đều có thể bị xét xử như một phù thủy. Tương tự như Anh, một số bang ở Mỹ cũng “bảo vệ” đàn ông khỏi “thủ đoạn” son môi bằng cách cho phép hủy hôn nếu người phụ nữ đã tô son trong thời gian cặp đôi tìm hiểu nhau.

Sắc màu nổi loạn

Vào đầu thế kỷ 20, việc trang điểm cuối cùng đã được xã hội chấp nhận. Sau nhiều thế kỷ nam giới hạn chế phụ nữ sử dụng son môi vì lý do đạo đức và tôn giáo, son đỏ đã trở thành biểu tượng thực sự cho sự nổi loạn của phụ nữ.

Son môi đỏ mang ý nghĩa mới trong phong trào bầu cử những năm 1920, tượng trưng cho cuộc đấu tranh vì nữ quyền. Doanh nhân làm đẹp Elizabeth Arden đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ như: Elizabeth Cady Stanton, Charlotte Perkins Gilman và Emmeline Pankhurst tô son đỏ như một biểu tượng của lòng dũng cảm khi bà phân phát son môi cho cử tri năm 1912.

Taylor Swift là một trong những mỹ nhân chuộng son đỏ. Ảnh: AFP

Năm 1915, nhà phát minh người Mỹ - Maurice Levy đã giới thiệu thỏi son đầu tiên trong ống trượt, từ đó khai sinh ra loại son như chúng ta biết ngày nay.

Những thập kỷ tiếp theo, son đỏ ngày càng phổ biến. Năm 1933, tạp chí thời trang danh tiếng Vogue tuyên bố, “nếu chúng ta trao truyền dáng hình của thế kỷ 20 cho hậu thế thì việc tô son sẽ đứng đầu danh sách”.

Đến Thế chiến thứ hai, son đỏ phát triển từ biểu tượng của sự nổi loạn thành biểu tượng của sự nữ tính và tinh thần yêu nước, với những sắc thái của son môi như “Fighting Red!” và “Victory Red!” rất phổ biến.

Doanh nhân Elizabeth Arden đã tạo ra một màu son phù hợp với sắc đỏ thẫm trang trí trên đồng phục của các nữ binh sĩ thủy quân lục chiến. Các phòng thay đồ trong những nhà máy được trang bị đầy đủ son môi để động viên tinh thần của công nhân.

Son đỏ đậm vẫn là lựa chọn kinh điển sau Thế chiến thứ hai, khi "mỹ nhân của mọi thời đại" Audrey Hepburn và tường thành sắc đẹp nước Mỹ - Marilyn Monroe biến son đỏ thành chuẩn mực thời trang. Di sản của son đỏ tiếp tục ghi dấu ấn ở những người nổi tiếng đương đại như nữ ca sĩ Taylor Swift.

Sức hấp dẫn vượt thời gian của son đỏ tiếp tục thu hút và trao quyền cho các cá nhân, tái khẳng định vị thế như biểu tượng của quyền năng và sự nổi loạn. Năm 2018, chiến dịch biểu tình ở Nicaragua có hình ảnh nam giới và phụ nữ tô son đỏ. Năm 2019, hàng nghìn phụ nữ Chile tô son đỏ để tố cáo bạo lực tình dục, chứng tỏ màu son đỏ đậm chưa bao giờ lỗi mốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn