MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh của Đặng Mỹ Hạnh.

“Sải cánh hoang dã” Vẻ đẹp, “nhân tính” và sự sinh tồn

HẢI AN LDO | 04/08/2016 18:38
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một triển lãm ảnh động vật hoang dã của hai nhà nhiếp ảnh gốc Việt sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 4.8.2016 tới đây tại Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên, Hà Nội.

Gần 100 bức ảnh được trưng bày là những khoảnh khắc ấn tượng được Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh ghi lại trong hành trình chụp ảnh wildlife của họ, nhằm đem đến cho người xem một cái nhìn gần gũi và sâu sắc hơn về thế giới tự nhiên.

Đó là một thế giới đẹp song cũng tiềm ẩn trong nó đầy những nguy hiểm, bất ngờ. Cảnh - vật hiện hữu bên nhau, nuôi dưỡng nhau để cùng nhau sinh tồn. Mỗi loài vật luôn là một mắt xích trong chuỗi thức ăn, trong đó để có thể tồn tại, nó vừa tiêu thụ loài ở mắt xích phía trước đồng thời cũng bị chính mắt xích sau nó tiêu thụ. Nghệ thuật nhiếp ảnh về động vật hoang dã vừa là sự phản ánh tự nhiên đúng như nó vốn có, đồng thời lại được lọc qua lăng kính “nhân tính” và mang phong cách người bấm máy.

Động vật hoang dã sống đời sống trong tự nhiên luôn mang một vẻ đẹp tự thân với đầy âm thanh và màu sắc. Nhiếp ảnh wildlife lưu lại một phần những vẻ đẹp đó trong khoảnh khắc một cách chuẩn xác, rõ ràng. Nhiếp ảnh về động vật hoang dã đòi hỏi người làm nghề phải có sự hiểu biết, phải quan sát và kiên nhẫn trước khi bấm máy. Khi tiếp cận với các loài vật hoang dã ở một cự ly nhất định, những những yêu cầu về quan sát hay kiên nhẫn ở người chụp ảnh phải cao hơn, cần thêm cả sự cẩn trọng lẫn nhạy bén để tránh những nguy hiểm, đồng thời lại không cho phép bỏ sót những khoảnh khắc quý giá ngắn ngủi - mà đôi khi chỉ đến một lần trong đời nhà nhiếp ảnh, sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Tính chuyên nghiệp của nhiếp ảnh động vật hoang dã phải thực sự cao.

 

Diệc săn cá. Ảnh: ANDY NGUYỄN 

Thông thường, hai thời điểm được giới nhiếp ảnh yêu thích và lựa chọn khi chụp là bình minh và hoàng hôn, bởi độ sâu mà ánh sáng và màu sắc đem lại trên bức ảnh. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp trong nhiếp ảnh động vật hoang dã còn đòi hỏi nhà nhiếp ảnh ở bất cứ thời tiết nào (mưa, tuyết, giông, gió, mây mù…) vẫn xử lý tốt ánh sáng để các chi tiết trong bức ảnh được rõ nét chứ không chỉ trông chờ vào thời tiết thuận lợi. Cũng không phải trông chờ vào sự may mắn khi người chụp cho phép mình thoải mái bấm máy rào rào hàng chục, hàng trăm kiểu để cuối cùng lựa chọn được một vài kiểu ưng ý hoặc thậm chí chẳng có kiểu nào.

Theo chị Đặng Mỹ Hạnh, có lẽ là người phụ nữ gốc Việt duy nhất chụp ảnh động vật hoang dã, tính đến thời điểm hiện tại, thì cảm giác ở giữa hoang mạc Châu Phi ngắm bình minh lên với bầu trời màu đỏ máu, rồi đột nhiên một con hươu cao cổ xuất hiện, hoặc một đàn voi từ xa trong cánh rừng, từ từ nhấp nhô đi ra là những cảm giác không thể nào quên được. Vẻ đẹp của sự choáng ngợp ấy.

Cái nhìn của Mỹ Hạnh trong các bức ảnh nghiêng về vẻ đẹp và “nhân tính”. Ở đó các loài vật đẹp trong sự “nhân tính”, mà có người nhận xét đó là “nữ tính và sự thơ mộng” trong phong cách của chị. Điều này phù hợp với một người “thích cái gì đó sâu lắng, không hẳn là một bức tranh, nhưng có chiều sâu” như Mỹ Hạnh. Nhất là khi chị tận mắt chứng kiến cảnh gia đình nhà vịt, khi còn trong tổ trên một hốc cây cao, đến khi vịt con bé xíu nở ra, với cái cánh cụt ngủn và bắt đầu bay xuống, theo mẹ đi bơi thì từng ngày loài chim săn mồi ở trên trời lao xuống quắp từng con tha đi trong sự bất lực của vịt mẹ. Mỹ Hạnh nói rằng khoảnh khắc đó chị thấy tim mình thắt lại và không muốn chụp.

Khác với Mỹ Hạnh, phong cách ảnh của Andy Nguyễn nam tính hơn. Anh chú trọng đến vẻ đẹp của những hành động, sự dữ dằn: Con diệc săn cá, cá sấu ngoạm mồi, con cú trừng mắt, con vịt mẹ tha cá cho vịt con hay con chim đuôi dài kẹp trong mỏ con bướm dưới mưa... Có lẽ anh coi đó là một phần của đời sống hoang dã, của sự tồn tại và những khoảnh khắc đó không phải tay máy wildlife nào cũng may mắn chộp được. Những hành động săn bắt đó ở chim thú qua cái nhìn của anh không nhằm mục đích tạo cảm giác ghê rợn hay “bạo lực” và cũng chưa đến mức độ đó, dù có thể thực tế trong quá trình hơn 30 năm cầm máy, anh đã chứng kiến không ít những cảnh tượng như vậy.

Trở về Việt Nam sau 30 năm, đây là lần đầu tiên Mỹ Hạnh ra Hà Nội. Chị ghi dấu bằng một triển lãm chung lần đầu tiên với Andy Nguyễn. Hành trình nghệ thuật đó “không phải ngắn, cũng chẳng quá dài”, nhưng đã đến lúc cả hai có thể có mặt ở quê hương mình, trong một triển lãm, mà ở đó, các loài vật trong thế giới tự nhiên được quyền bình đẳng đứng cạnh nhau, bình đẳng trong cái đẹp cũng như trong sinh tồn, bình đẳng tại chính những không gian mà chúng trú ngụ (dù là Châu Á, hay Châu Mỹ, Châu Phi). Và người xem, bất cứ ai, cũng bình đẳng với nhau, trong nhận thức, rằng “vẻ đẹp này có đáng để gìn giữ hay cứ phá hủy, tàn sát”?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn