MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An tác nghiệp tại World Cup 2022. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Săn ảnh ở World Cup

Ý Yên LDO | 11/12/2022 08:05
Tác nghiệp tại World Cup 2022, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An liên tục di chuyển giữa các trận, nếu không nhanh chân, anh có thể bị hủy quyền đăng ký toàn bộ giải đấu.

An ninh thắt chặt

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An, kiêm blogger du lịch có biệt danh Quỷ Cốc Tử, có mặt ở Doha, Qatar từ 18.11. Anh dự kiến tác nghiệp World Cup 2022 trong 35 ngày xuyên suốt giải bóng đá nóng bỏng nhất hành tinh.

Để vào sân tập của các đội tuyển, Hải An phải qua nhiều vòng an ninh khác nhau, từ ngoài cổng cách xa sân tập hàng kilomet đã có an ninh kiểm tra. Đến cửa, các phóng viên phải qua an ninh xét thẻ và máy soi chiếu một lần nữa. Trước khi đội tuyển ra tập, lực lượng an ninh của sân xuất hiện, dàn hàng trước mặt phóng viên và theo dõi sát sao.

Ngôi sao đầu tiên nhiếp ảnh gia Hải An có cơ hội tiếp cận là Messi. Hai ngày liên tục anh đều bỏ qua những sự kiện khác để ưu tiên đến khu tập luyện số 3 của Đại học Qatar - đại bản doanh của tuyển Argentina tại World Cup 2022. Anh cảm nhận rõ sức hút của Messi lớn đến thế nào khi 300 phóng viên quốc tế phải cạnh tranh từng chút để có vị trí chụp ảnh tốt.

"Ngày đầu tiên, sau nhiều tiếng chờ đợi, cánh phóng viên tiu nghỉu ra về. Ngày thứ hai cũng chẳng thấy Messi đâu, cánh phóng viên thở dài thất vọng. Nhưng đến khi sắp hết giờ tác nghiệp, anh ấy mới xuất hiện và lại tập riêng ở phía rất xa chứ không cùng đội tuyển", anh Hải An cho hay.

Mỗi ngày ở vòng bảng có bốn trận đấu, nếu hai trận đấu cách xa nhau thì lịch trình sẽ dễ thở hơn cho phóng viên. Nhưng nếu một trận vào 18h, một trận 22h (giờ địa phương) thì phóng viên phải chạy "xô". 15 phút trước khi kết thúc hiệp 2, các phóng viên phải thu dọn đồ. Từ sân vận động ra bến xe buýt cách đó khoảng 1km, họ phải kéo theo vali đồ nghề nặng, nhanh chóng tìm đúng chuyến tới sân vận động diễn ra trận đấu tiếp theo. 

Xe buýt trung chuyển sẽ khởi hành 20 phút sau khi trận đấu kết thúc. "Trễ chuyến buýt là không được vào sân, phóng viên còn bị đánh dấu bỏ tác nghiệp. Vắng mặt quá hai trận là phóng viên sẽ bị hủy hết quyền đăng ký tất cả trận còn lại", nhiếp ảnh gia nói. Anh cho biết thêm, phóng viên phải tuân thủ chặt chẽ quy định thời gian của ban tổ chức: "Làm việc với FIFA chỉ có đúng hay sai, miễn giải thích".

Di chuyển liên tục, anh Hải An tiếc không thể chứng kiến mọi khoảnh khắc trên sân. Như ngày 2.12, anh phải rời khỏi sân Al-Rayyan ngay trước khi trận đấu Bồ Đào Nha - Hàn Quốc kết thúc để kịp tác nghiệp trận Brazil - Cameroon ngay sau đó. Điều anh nuối tiếc nhất là bỏ lỡ khoảnh khắc Son Heung-min khóc nức nở cùng đồng đội khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, kết thúc 90 phút khó khăn của tuyển Hàn Quốc chế ngự lối chơi khó chịu của Bồ Đào Nha để lách qua khe cửa hẹp vào vòng 1/8.

Neymar và tuyển Brazil chụp ảnh lưu niệm tại World Cup. Ảnh: Ngô Trần Hải An
 
Mbappe vui đùa cùng đồng đội trước giờ bóng lăn. Ảnh: Ngô Trần Hải An
 
Messi ăn mừng chiến thắng khi đội tuyển Argentina đủ điều kiện vào vòng 16. Ảnh: Ngô Trần Hải An
 
CR7 tiếc nuối trước cơ hội bị bỏ lỡ trong trận Bồ Đào Nha - Hàn Quốc ở vòng bảng. Ảnh: Ngô Trần Hải An
 
Son Heung-min rơi lệ trong trận gặp Ghana, khi cánh cửa vào vòng 16 của Hàn Quốc ngày càng hẹp. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Trải nghiệm xứng đáng

"Để có một bức ảnh đẹp là nghìn trùng gian nan phía sau. Cơ hội chẳng phải từ trên trời rớt xuống, mà phải tự xếp hàng mỗi ngày", anh chia sẻ.

Một ngày của nhiếp ảnh gia Hải An bắt đầu từ sáng sớm, chờ đăng ký vào sân chụp những trận đấu hay. Có khi tác nghiệp đến 2h sáng, nhưng 8h anh đã có mặt xếp hàng đăng ký cho những trận đấu trong ngày dù 9h mới mở cổng đăng ký. Bởi phải cạnh tranh gắt gao cơ hội vào sân, anh luôn chủ động để không bỏ lỡ bất kỳ trận đấu nào trong ngày.

Dù có trải qua bao khó khăn hay thách thức mỗi ngày, nhiếp ảnh gia Hải An vẫn cho rằng công sức mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng với những cung bậc cảm xúc anh trải qua trong mỗi trận đấu.

Một trong những trận đấu đáng nhớ với anh là trận Hàn Quốc đối đầu Ghana ở vòng bảng ngày 28.11. "Sân Education City có lúc như muốn nổ tung bởi sự cuồng nhiệt từ cổ động viên 2 đội, nhưng cũng có lúc chao nghiêng bởi một bên câm lặng nghẹn ngào trong khi bên còn lại gào thét dâng trào. Quá nhiều cung bậc cảm xúc thay đổi cho cả Hàn Quốc lẫn Ghana, từ tột cùng hạnh phúc đến vực sâu tuyệt vọng, nụ cười rạng rỡ chưa lâu đã cúi đầu rơi lệ", anh nhớ lại.

Là một phóng viên ảnh, anh Hải An cảm thấy bản thân may mắn khi được sống trong những khoảnh khắc lịch sử và lưu giữ lại bằng những cú bấm máy mang góc nhìn của riêng mình. 

"Tôi chụp không chỉ những khoảnh khắc thi đấu mà còn chân dung nhân vật, cung bậc cảm xúc... Bộ ảnh tôi muốn chia sẻ với mọi người không phải chỉ là những bức ảnh thể thao về một trận bóng, mà còn là những mảnh ghép khác nhau trong một bức tranh đủ mọi gam màu, để khi xem tùy mỗi người, mỗi góc nhìn mà sẽ có những cảm nghiệm khác nhau", nhiếp ảnh gia bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn