MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoàng hôn rực rỡ màu “đan thanh”. Ảnh: Hương Chi

Sống chậm nơi núi rừng Ngọc Linh

Hương Chi LDO | 19/11/2023 14:29

Ẩn mình giữa thung lũng xanh thẳm dưới chân núi Ngọc Linh là một ngôi nhà nơi chúng tôi học được cách sống chậm, cân bằng với thiên nhiên và trân trọng từng hơi thở mỗi sớm mai thức dậy.

Lần đầu tiên đến Kon Tum nhưng không lên một lịch trình khám phá dày đặc các địa điểm du lịch hoặc nghỉ đêm ở các homestay xinh xắn như nhiều chuyến đi trước đây, chúng tôi dành nửa tháng để trải nghiệm cuộc sống ở núi rừng Ngọc Linh. Đây là nơi có INDIgo Home, dự án của những bạn trẻ làm kiến trúc đồng thời có niềm đam mê lớn với nông nghiệp tự nhiên và văn hóa bản địa của người Giẻ Triêng khu vực núi Ngọc Linh. Giấc mơ của nhóm bạn trẻ không phải là "trốn phố". Họ mở thêm dự án trang trại thực nghiệm ở thung lũng Têu-y-pot nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng đồng thời duy trì lối sống gắn với rừng.

Chuyến xe Bắc - Nam đưa tôi qua con đèo Lò Xo dài 20km hiểm trở nối liền Quảng Nam với Kon Tum để tới huyện miền núi Đắk Glei vào một buổi chiều cuối tháng 10. Sau ngày vừa mưa vừa phải di chuyển từ sáng tới chiều muộn, chào đón tôi trong căn bếp dựng bằng gỗ đơn sơ là những câu chuyện hồn nhiên, giản dị và ấm cúng của các bạn trẻ chọn về rừng.

Học cách “sống thiếu để thấy đủ”

Nếu những năm tháng sống ở phố thị làm con người cỗi cằn nhiều thì đến khi về với núi rừng Ngọc Linh, Kon Tum, cả tâm hồn lẫn thể xác chúng tôi như được gột rửa và tưới tắm mát lành kỳ lạ. Bỏ lại dư âm nóng nực của mùa hè miền Bắc, đến Ngọc Linh chỉ hai tuần cuối tháng 10 mà chúng tôi được trải nghiệm cả ngày nắng ấm áp xen lẫn ngày mưa dầm với không khí luôn luôn mát mẻ dễ chịu.

Bên cạnh một trang trại, các bạn trẻ có khu vườn rộng với ao cá nhỏ, vài rặng chuối cao gấp đôi người lớn, rất nhiều loài rau, cỏ và dược liệu mà nếu ở thành phố bạn sẽ không bao giờ trông thấy cũng như chẳng nghĩ được rằng, chúng có thể làm thành các món ăn ngon. Những bài học đầu tiên mà núi rừng Ngọc Linh dạy chúng tôi chính từ bữa ăn hàng ngày. Nếu thường lệ chỉ cần cầm điện thoại là đặt được món ưa thích hoặc chạy ra quán quen thì ở đây mọi thứ bạn phải tự chuẩn bị từ khâu thu hái, sơ chế cho đến chế biến, nấu chín. Nhờ đó mà mỗi bữa cơm dọn ra là thành quả của sự tìm tòi, học hỏi và nhiều thử nghiệm thay vì một cú click chuột hoặc cuộc gọi.

Ngắm cảnh núi rừng Ngọc Linh từ một ngọn đồi gần nhà. Ảnh: Hoài Thảo

Những ngày mưa gió, cuộc sống ở Ngọc Linh trôi qua có phần “lười biếng” khi người đọc sách, nghe nhạc, người tìm hiểu cách chế biến các món ăn mới từ chính thực phẩm thu hoạch trong vườn nhà, người lại say mê học thêm các kỹ thuật làm đồ nghệ thuật từ vật liệu tái chế. Từ tấm vải, túi nilon, chai thủy tinh cũ hay chỉ là một cành cây khô, một bó hoa lau hái bên đường, qua bàn tay và óc sáng tạo của nhóm bạn trẻ ở đây đã trở thành bao món đồ hữu ích lại mang đầy tính nghệ thuật.

Cùng ở với tôi có Thảo, một cô gái sinh ra ở Đà Lạt nhưng đã sống tại Sài Gòn gần chục năm qua chia sẻ: “Một chuyến về núi làm mình nhớ nhà, nhớ tuổi thơ quay quắt. Nỗi nhớ nhà hiện hữu như xâm chiếm nhiều phần trong tâm trí. Nỗi nhớ nhắc rằng cuộc sống của mình, ở một khía cạnh nào đó, mình có niềm vui khi bạn bè đồng hành, có nhiều sự tự do và lựa chọn hơn mình nghĩ. Nỗi nhớ đó cũng nhắc đi nhắc lại, điều mình cần và muốn cho đời sống là những tán lá xanh mát, bầu không khí trong lành, nguồn nước mát, sự vừa vặn và hài hoà với nơi chốn hiện diện”.

Trở về nhà với một góc nhìn mới như Thảo, chúng tôi nhận ra, ở giữa núi rừng Ngọc Linh thoạt nhìn tưởng là thiếu thốn nhưng thực ra cuộc sống nơi này lại “đủ đầy” hơn rất nhiều.

Tận hưởng từng khoảnh khắc với thiên nhiên
Có những ngày nắng đẹp, tôi và nhóm bạn trẻ mang bánh mì tự làm, trà, cà phê tự pha từ hoa quả vườn nhà để đi suối, ngắm rừng hoặc dắt túi giấy bút, máy ảnh để ký họa, quay chụp lại một nếp nhà người Giẻ Triêng gặp trên đường đi.

Từ căn nhà giữa bao la cây cối, theo con đường trước nhà băng qua một ngọn đồi và thả dốc khoảng 1 - 2km, chúng tôi tới cây cầu treo sơn xanh, bắc qua dòng suối Y Vắng rì rào chảy quanh co bên những tảng đá lớn. Leo bộ tới đỉnh dốc, chúng tôi phóng tầm mắt ngắm nhìn màu xanh của những cánh rừng ôm ấp lấy các thửa ruộng bậc thang vừa qua mùa gặt, trơ lại gốc rạ.

Kẻ ở phố về rừng ai mà không thèm muốn nhúng chân, ngâm mình vào dòng suối mát rượi, nhấp chén trà nóng và nhâm nhi bánh trái quê mùa. Dòng Y Vắng khúc qua đá lớn thì ầm ào như thác, khúc lại nhỏ nhẹ uốn mình trong vắt nhìn tận đáy. Chúng tôi ngồi bên suối ngay dưới cây cầu treo, chốc chốc thấy người dắt trâu, người đi làm đồng, đi rẫy cà phê qua lại.

Bên suối Y Vắng. Ảnh: Hoài Thảo

Đây từng là rừng đặc dụng, giờ là nơi canh tác và bà con Giẻ Triêng thi thoảng vẫn chăn thả trâu bò. Nếu đến đây, khách phương xa xin đừng gọi “làng nguyên thủy” hoặc một cái tên nào khác đại loại thế. Hãy để yên đó là núi rừng đại ngàn với những thân gỗ mục, với các bãi cỏ, đồng ruộng và biết bao lối mòn đi mỏi chân chưa hết.

Ở Ngọc Linh không chỉ có suối thác, núi rừng hoang vu mà còn có những bình minh mây trắng phủ kín thung sâu, hoàng hôn rực rỡ màu “đan thanh”. Đan là một loại màu đỏ hơi ngả vàng, tương đối dịu còn “thanh” là màu xanh lam. Và biết bao đêm trăng tròn sáng tỏ cả trời sao.

Đặc biệt hơn, khi kết thúc chuyến đi, nơi đó nuôi dưỡng lại cho những người ở phố như tôi, như Thảo sống một đời sống trong lành, tận dụng mọi thứ nhỏ nhất và trân trọng điều mình đang có thay vì hoài kiếm những giá trị xa xôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn