MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở vòng 8 V.League 2023. Ảnh: Trung Trần

Sông Lam Nghệ An - mùa vắng tiếng hò reo

SONG AN LDO | 27/05/2023 07:08
Tôi trở lại sân Vinh sau chừng 20 năm với hi vọng cảm nhận được nơi từng được coi là “chảo lửa” của bóng đá Việt.

20 năm cảnh vật dường như không thay đổi nhiều, cổng thành rêu phong án ngữ trên đường Đào Tấn - lối vào sân Vinh như chứng minh điều đó. Điều thay đổi rõ nhất đó là chính con đường này, nơi vẫn được cho là phố thể thao của TP Vinh nay đã biến thành phố... ẩm thực. Anh bạn người Vinh đi cùng nói: “Phố này giờ là phố ăn đêm nổi tiếng của Vinh, tối nào cũng nhộn nhịp, nhất là cuối tuần, vui lắm”.

Tôi chợt bật cười với suy nghĩ của mình, ừ thì sân Vinh là "chảo lửa" thì xung quanh nào là miến lươn, cháo lươn, nem lụi, lẩu nướng... thì đúng rồi còn gì.

"Chảo lửa" thành Vinh là một địa danh quen thuộc của lứa phóng viên mới vào nghề chúng tôi hơn 20 năm trước. Tôi cũng đã có lần hỏi ông Nguyễn Hồng Thanh, khi đó còn là trưởng đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An rằng, sao lại gọi là “chảo lửa”, ông Thanh chỉ cười cười và nói rằng: “Thì đá bóng ở cái nhiệt độ 38-40 độ lúc 3-4 giờ chiều thì không gọi là "chảo lửa" thì là gọi là cái chi”. Nhưng ý nghĩa cái tên này lại khác, sức nóng ở sân Vinh từ mặt sân lên tới khán đài mỗi khi đội nhà Sông Lam Nghệ An thi đấu, đặc biệt là sau giai đoạn đội bóng này đoạt chức vô địch mùa giải 2001.

Lối đá của thế hệ những Hữu Thắng, Phi Hùng, Quang Trường, Văn Sỹ Hùng... là cực kì máu lửa. Lối đá ấy như một thứ đặc sản, thậm chí có xu hướng bạo lực kiểu đá rát, chém đinh chặt sắt không e ngại bất cứ đối thủ nào.

Tính cách người Nghệ ăn to nói lớn, thẳng thắn, quyết liệt hoá ra rất phù hợp với kiểu chơi này. Tới mức “máu lửa” được cho là một yếu tố bắt buộc phải có trong máu mỗi cầu thủ Nghệ An.

Chất lửa ấy, lan đến khán đài, mỗi khi Sông Lam Nghệ An thi đấu sân Vinh thì đông chật khán giả. Có vé đến chậm cũng chưa chắc được vào sân. Xe đạp, xe máy gửi kín phố Đào Tấn, có người phải mang gửi tận Phan Chu Trinh hay Quang Trung cách đó trên 1 km. Sức nóng thành Vinh một thời còn sinh ra một loại dịch vụ: “dịch vụ mượn thang”, để khán giả trèo qua bức tường cao gần 5 m để vào sân.

Nhưng những kí ức ấy đã lùi xa, thay đổi. Tôi nghĩ mình may mắn khi trở lại sân Vinh đúng trận đấu mà người ta vẫn gọi là “derby xứ Nghệ” - Sông Lam Nghệ An đấu với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Một giờ đồng hồ trước khi bóng lăn, chỉ thấy bóng áo đỏ rực của Hội cổ động viên... Hà Tĩnh.

Hình ảnh sân Vinh trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ảnh: Song An

Người Nghệ bây giờ cũng ít quan tâm đến đội bóng lắm - anh bạn người Vinh nói - chắc do mấy chuyện tiêu cực trước kia và thành tích đội bóng thì phập phù.

Câu nói ấy được chứng minh ngay khi bước vào sân. Chỉ khoảng hơn ngàn khán giả đến sân xem trận "derby xứ Nghệ". Khán đài B từng là nơi bóng áo vàng cổ động viên rực rỡ, không còn chỗ trống thì nay thưa thớt. Nổi bật, hoá ra lại là nhóm cổ động viên áo đỏ của Hà Tĩnh góc khán đài C.

Sân Vinh đã không còn là "chảo lửa", mọi thứ thực tế đã thay đổi nhiều. Tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc trong băng ghế huấn luyện - cậu bé vàng một thời Phạm Văn Quyến. Quyến từng là tự hào của bóng đá xứ Nghệ. “Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện” là câu nói để so sánh hai cầu thủ nổi tiếng bậc nhất thành Vinh. 30 năm trước, hình ảnh Quyến cầm lá cờ chạy quanh sân Mỹ Đình sau trận bán kết môn bóng đá là một biểu tượng và hình ảnh truyền cảm hứng cho hầu hết trẻ em nơi này.

Quyến bây giờ đã là một người đàn ông trung niên thấp lùn, tóc đã rất nhiều sợi bạc và vẫn... béo. Nhưng có lẽ, dù đã chạm tuổi 40 cái nét hồn nhiên, tinh nghịch và khá trẻ con vẫn còn trong Quyến. Có lẽ vì thế “Ngôi sao lầm lạc” - tên một cuốn sách về Phạm Văn Quyến - vẫn được xứ Nghệ chở che, bao bọc sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời.

Quyến là trợ lí, còn huấn luyện viên trưởng Sông Lam Nghệ An bây giờ là Huy Hoàng - từng là biểu tượng của sự máu lửa của bóng đá một thời.

“Người Nghệ An cũng hi vọng Huy Hoàng sẽ mang lại sự máu lửa cho bóng đá  xứ này nhưng chắc là khó" - Phan Thành Nam, một khán giả của Sông Lam Nghệ An ngồi cạnh tôi trên khán đài nói - "Không hẳn là người Nghệ An không còn yêu bóng đá nhưng mà có lẽ đội bóng chưa đủ để kéo người hâm mộ trở lại. Chưa đủ niềm tin anh ạ”.

Thách thức với Huy Hoàng, Văn Quyến là quá lớn. Sông Lam Nghệ An bây giờ vẫn có những cầu thủ nổi tiếng như Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng hay thế hệ U22 Việt Nam vừa dự SEA Games như Hồ Văn Cường, Mai Xuân Tiến nhưng câu chuyện thành tích lại là vấn đề khác.

8 vòng đấu, Sông Lam Nghệ An chỉ có 9 điểm với 6 trận chỉ hoà. Đây là mùa giải mà sự khởi đầu được cho là “tệ nhất lịch sử đội bóng”.

Trận derby với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng lại là một trận hoà của Sông Lam Nghệ An sau khi bị dẫn tới 2 bàn. Đá như vậy để thuyết phục khán giả đến sân thật khó. Vấn đề của đội bóng là phải thắng, như HLV Nguyễn Huy Hoàng thừa nhận: “Sông Lam Nghệ An cần giành chiến thắng để kéo cổ động viên trở lại”.

Sau hơn hai năm trên cương vị huấn luyện viên trưởng Sông Lam Nghệ An, năng lực của huấn luyện viên Nguyễn Huy Hoàng vẫn là dấu hỏi lớn. Giới chuyên môn cho rằng, nhà cầm quân 41 tuổi này còn non kinh nghiệm, chưa đủ bản lĩnh và cái uy dẫn dắt đội nhà giống như những người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng hay Nguyễn Thành Vinh.

Nguyễn Huy Hoàng được kì vọng sẽ giúp bóng đá xứ Nghệ khởi sắc khi hội tụ nhiều yếu tố: Am hiểu nội tình đội bóng, được Hội đồng huấn luyện viên, cầu thủ Sông Lam Nghệ An tín nhiệm, đủ bằng cấp của Liên đoàn Bóng đá châu Á theo quy định, là người gốc Nghệ và tư duy hiện đại phù hợp với công cuộc chuyển giao thế hệ tại Sông Lam Nghệ An. Thế nhưng, thực tế nghiệt ngã khiến huấn luyện viên Nguyễn Huy Hoàng đang chịu quá nhiều áp lực.

Đó là vấn đề của Hoàng, của Quyến, của ban huấn luyện đội bóng. Trên khán đài sân Vinh ở trận "derby xứ Nghệ" có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An - Hoàng Nghĩa Hiếu và Chủ tịch Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An - ông Trương Sỹ Bá. Đây là lần đầu tiên ông Bá trực tiếp đến theo dõi, cổ vũ cho đổi bóng mùa này.

Rõ ràng rồi, đội bóng phải nỗ lực nhưng cũng cần đồng hành của lãnh đạo chính quyền, các nhà tài trợ. 

Tôi rời sân Vinh sau trận đấu trong sự ngổn ngang và đi qua những những quán nhậu xung quanh sân Vinh và thấy một nghịch cảnh rất đỗi... bình thường: Sân bóng vắng tanh, quán ăn thì nhộn nhịp. Đâu đó vang lên tiếng “dzô, dzô” vọng lại, cũng là tiếng hò reo nhưng mà nó lạ lắm.

Phải tìm cách để khán giả trở lại, phải tìm lại quá khứ mang tên “chảo lửa thành Vinh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn