MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển lãm không gian sưu tầm và sáng tạo đồ chơi nghệ thuật. Ảnh: N.H

Sự chơi, trò chơi và đồ chơi

Như Huy LDO | 25/09/2022 14:00
Từ ngày 15 đến 22.9 tại 159 Đồng Khởi (TPHCM), trụ sở của Aria Collectives, một trạm giám tuyển đa ngành chuyên về tổ chức nghệ thuật và sự kiện, đã diễn ra một triển lãm có tên là "Đối ngẫu - Trạm nối thời", với giám tuyển khách mời là nghệ sĩ Graffiti Liar Ben, nhà sáng lập nhóm Cơm Hộp, một không gian sưu tầm và sáng tạo đồ chơi nghệ thuật tại TPHCM. Ý niệm chính của triển lãm này là việc đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa đồ chơi nghệ thuật và trò chơi đèn Trung thu cổ xưa của Việt Nam.

“Đèn đêm Thu” của Nguyễn Tuân

Không gian mà Nguyễn Tuân dựng lên trong truyện ngắn “Đèn đêm Thu”, thật ra rộng lớn hơn nhiều câu chuyện gia đình nhà ông cử nọ cùng nhau làm ra một chiếc đèn kéo quân để thắp vào đêm rằm Trung thu. Nói cách khác, việc làm ra chiếc đèn kéo quân của cái gia đình tam đại đồng đường nọ chỉ là bề mặt cho cả một lối sống sử tính của một vùng văn hoá, trước khi có sự xuất hiện của người Pháp.

Bất kể lịch sử nguồn gốc ý nghĩa của Tết Trung thu là thế nào, hoặc theo Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, nó xuất hiện từ văn hóa Đông Sơn trên trống đồng Ngọc Lũ cách đây khoảng 2.500 năm, hoặc theo soạn giả Phan Kế Bính, xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, về bản chất, Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa vụ, và đó chính là thời điểm nghỉ ngơi, tế lễ để tỏ lòng biết ơn trời đất.

Đồ chơi nghệ thuật

Vào năm 1999, Michel Lau đã trưng bày bộ sưu tập đồ chơi nghệ thuật đầu tiên trên thế giới, “Những tay làm vườn” (Gardeners). Trái với các dạng đồ chơi bán ở siêu thị được sản xuất hàng loạt, các “nhân vật” đồ chơi này của Michael Lau được làm từ nhựa Vinyl và là các phiên bản có giới hạn. Có thể nói, đây chính là bước ngoặt của một trào lưu mới nhất của nghệ thuật thế giới - Art Toys.

Art Toys, đồ chơi nghệ thuật, về bản chất sở hữu tính chất hàng loạt của các dạng đồ chơi sẵn tay, song nó lại cũng có tính chất giới hạn của các tác phẩm nghệ thuật; nó vừa có tính chất thẩm mỹ đại chúng công nghiệp, song thế giới quan của kẻ nghệ sĩ độc bản cũng được đưa vào nó. Chính tính lai ghép giữa nghệ thuật và đồ chơi đã tạo cho đồ chơi nghệ thuật một sự bùng nổ trong những năm gần đây.

Đồ chơi nghệ thuật và đồ chơi Trung thu

Cùng là đồ chơi và cùng có các yếu tố nghệ thuật, nhưng đèn đêm Thu là một dạng đồ chơi buộc phải đi kèm với trò chơi và sự chơi. Có nghĩa là khi để riêng ra, nó tuyệt đối là một vật vô dụng, bỏ đi. Trong khi đó, mọi món đồ chơi nghệ thuật đều không kèm theo trò chơi và sự chơi. Nói cách khác, cái gọi là sự chơi hay trò chơi với đồ chơi nghệ thuật hoàn toàn giống với cách mà một sưu tập gia nghệ thuật ứng xử với tác phẩm nghệ thuật mà họ sưu tầm: đặt vào một phòng kín, hay một tủ kính.

Đèn đêm Thu là một yếu tố nhỏ nằm trong cả một hệ sinh thái về tế lễ và một quan niệm gắn kết giữa người chơi, trò chơi, sự chơi, không gian chơi, thời điểm chơi, để tạo ra tính thiêng liêng. Có nghĩa là ở đây, toàn bộ hệ sinh thái của đèn đêm Thu là hệ sinh thái mà có lẽ Immanuel Kant sẽ quy về khái niệm “cái cao cả”, tức một trạng thái cảm giác vượt lên khỏi lãnh vực kinh nghiệm đời thường. Trong khi đó, đồ chơi nghệ thuật, dẫu có được các nghệ sĩ cá nhân hoá, thì vẫn là các dạng đồ vật có thể mua bán sưu tầm và trải nghiệm theo cách thế của các tác phẩm nghệ thuật thuộc đời thường, do đó nó thuộc về khu vực cảm giác mà Immanuel Kant sẽ gọi là kinh nghiệm về “cái đẹp”. 

Về mặt sử dụng, linh hồn của các chiếc đèn thêm Thu là lễ rước đèn trong đêm. Ở đây, chính cái ánh sáng nến từ bên trong của chiếc đèn đã tạo nên linh hồn của toàn bộ khung cảnh, khi những chiếc đèn được rước trong đêm tối giữa đồng quê với trên cao là ánh trăng rằm dìu dịu, để tạo nên một hình ảnh phi thường về thẩm mỹ và màu nhiệm về tôn giáo.

Trái lại, là con đẻ của xã hội truyền thông đại chúng với các dạng đèn chiếu (Spotlight) sản phẩm, các đồ chơi nghệ thuật luôn xuất hiện dưới dáng vẻ của các sản phẩm hàng hoá (dù là hàng hoá nghệ thuật), có nghĩa là, chúng luôn cần đến các dạng ánh sáng tập trung chiếu vào từ bên ngoài.

"Đối ngẫu: Trạm Nối Thời" của Aria Collectives

Ý niệm chính của triển lãm Đối ngẫu - Trạm nối thời là việc đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa đồ chơi nghệ thuật và trò chơi đèn đêm Thu. Không gian triển lãm được chia làm 3 phần. Sảnh vào được một bức tranh Graffiti do nhóm vẽ ALT vẽ ngẫu hứng chiếm giữ. Sự đặc biệt của bức tranh này là việc nó được vẽ trên nền một chiếc kén khổng lồ gắn trên trần nhà. Điểm cần lưu ý là, toàn bộ các chi tiết và yếu tố hình ảnh được vẽ bằng bình sơn xịt trên chiếc kén, dẫu có tính thẩm mỹ rất cao, lại chỉ là yếu tố phụ trợ cho bản thân cuộc vẽ ngẫu hứng trong vòng 3 ngày của 6 thành viên nhóm ALT.

Chính quá trình vẽ ngẫu hứng, tương tác giữa toàn nhóm với hình thể chiếc kén, và rồi giữa mỗi thành viên nhóm với nhau đã biến việc vẽ trở nên một sự chơi thú vị, để rồi quá trình chơi này đã biến không gian sảnh ngoài thành một không gian của sự chơi, qua đó, chuyển hoá về mặt ý niệm không gian đệm bên trong của ngôi nhà 159 Đồng Khởi thành không gian của Trò chơi (Game).

Vào ngày khai mạc, cái không gian đệm này thực sự theo nghĩa đen đã hoá thành không gian để người xem có thể chơi ngẫu hứng với các nghệ nhân nặn tò he và gấp lá dừa được mời tới để tương tác với người xem. Đồng thời, trong không gian này cũng xuất hiện một chiếc bảng ký ức, mà trên đó, người xem có thể tự mình ghi lại các ký ức của họ về những món đồ chơi mà họ nhớ mãi từ tuổi thơ

Không gian cuối cùng, tức trái tim của triển lãm chính là không gian nơi 2 dạng đồ chơi đối lập, các đồ chơi nghệ thuật, và những chiếc đèn lồng đêm Thu được trưng bày bên nhau. Trong không gian thứ ba, nằm bên trong cùng căn nhà 159 Đồng Khởi, các đồ chơi nghệ thuật đến từ 3 bộ sưu tập của Liar Ben, của Trần Thanh Phong và của Mike Phạm, và những chiếc đèn lồng cổ do nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình thực hiện dựa trên các nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách - đã được sắp xếp bên nhau.

Điểm cần lưu ý chính là việc giám tuyển Liar Ben đã chọn cách kể chuyện thâm thuý và có chiều sâu qua chiến thuật dàn dựng không gian trưng bày, mà ở đó, những chiếc đèn lồng cổ của Việt Nam được đặt trong khu vực tạo hình theo lối đình làng. Chính những chiếc đèn lồng cá chép, con cua được phục dựng theo mẫu xưa này, với ánh sáng được xử lý để toả ra từ bên trong, nằm trong một chiếc đình làng ẩn dụ, đã trở nên một dạng luận cứ về hình ảnh phản biện lại 3 bộ sưu tập đồ chơi nghệ thuật, được bày trong 3 tủ kính theo lối bày hàng với ánh sáng đèn chiếu rọi thẳng từ trên xuống. 

Có lẽ tính căng thẳng tạo nên từ chiến thuật trưng bày của giám tuyển giúp làm nổi bật lên các khía cạnh đối lập về mặt ý niệm giữa hai dạng đồ chơi là đồ chơi nghệ thuật và đồ chơi đèn đêm Thu, đã làm nên sự thành công của không gian tiếp nhận này. Đi theo đường dây ý niệm trưng bày, từ sảnh ngoài, với bức tranh Graffiti tương tác ngẫu hứng, tạo nên không gian của sự chơi, tới gian kết nối ở giữa, là không gian của trò chơi, thì căn phòng sau cùng này chính là một lời kết luận: Không gian của trò chơi.

Ở nơi không gian trò chơi này, người xem có lẽ sẽ thấy rõ ra hai cách chơi khác nhau giữa Đông và Tây, giữa Cũ và Mới, giữa hậu công nghiệp và nông nghiệp, giữa dạng thời gian tuyến tính và dạng thời gian tuần hoàn. Chính sự đối lập, hay có thể nói, sự đối thoại phản biện chưa bao giờ ngưng nghỉ này, từ lịch sử cho tới hiện tại, đã làm nên bản sắc của chúng ta trong hiện tại. Một bản sắc mà sự nhất quán luôn mang tính thời điểm của nó, luôn nằm trong tiến trình va chạm giữa hai đối cực được làm rõ phần nào trong triển lãm Đối ngẫu - Trạm nối thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn