MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh, học sinh Hà Nội hoang mang, lo lắng vì sự cố lọt đề thi. Ảnh: Hải Nguyễn

Sự cố “lọt, lộ” đề thi: Thí sinh cần sự công bằng

Đặng Chung LDO | 18/06/2018 13:15
Còn một tuần nữa kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra, với sự tham dự của hàng triệu thí sinh trên cả nước. Sự cố “lọt” đề thi vừa xảy ra ở Hà Nội sẽ là bài học lớn cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, trong công tác bảo mật đề thi và công tác coi thi. Bởi kỳ thi này sẽ tác động tới hàng triệu người, hàng triệu gia đình trên cả nước, nên tuyệt đối không cho phép xảy ra sai sót.

Một giám thị làm lọt đề, cả hệ thống tê liệt?

Đây là câu hỏi được dư luận đặt ra khi chứng kiến sự cố hiếm có vừa xảy ra trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Phụ huynh và thí sinh vốn đang “căng như dây đàn” vì áp lực thi cử, lại thêm lo lắng, khi cùng một ngày, một giám thị coi thi làm “lọt”cả đề thi Ngữ văn và Toán. Thay vì câu hỏi thường lệ “Con làm bài tốt không?”, nhiều ông bố bà mẹ khi thấy con bước ra từ phòng thi liền hỏi: “Đề thi có giống bản trên mạng này không con?”.

Bởi chỉ sau khi thí sinh bắt đầu làm bài ít phút, trên mạng xã hội đã lan truyền các bản đề thi, khiến phụ huynh tụm năm, tụm ba bàn tán. Điều họ lo lắng nhất là có tiêu cực xảy ra không, có chuyện tuồn đề thi ra ngoài ai dám chắc không có chuyện tuồn đáp án vào trong? Liệu con cái họ vất vả học tập bao tháng ngày, có được cạnh tranh công bằng với những thí sinh khác để giành được một suất vào học lớp 10 trường công lập?

Hai lần trong một ngày, Sở GDĐT Hà Nội phải họp báo đột xuất liên quan đến việc này. Khi buổi sáng xảy ra sự cố lộ đề Văn, Sở khẳng định sẽ làm nghiêm, sẽ kiểm soát, nhưng buổi chiều vẫn xảy ra sự cố. Một giám thị cố tình mang điện thoại vào phòng thi và thực hiện hành vi y như lúc sáng mình đã làm.

Một thầy giáo làm 95.000 thí sinh, 95.000 gia đình lo lắng, “như ngồi trên lửa”. Cả hệ thống, với vòng trong vòng ngoài an ninh, kiểm soát, nhưng tiếc là sự cố vẫn xảy ra. Đặc biệt, đã một tuần sau khi việc lộ đề thi xảy ra, đến nay dư luận, phụ huynh vẫn chưa biết động cơ giám thị tuồn đề thi ra ngoài là gì, những ai phải chịu trách nhiệm?

Bày tỏ quan điểm về sự cố để lọt đề thi của Hà Nội, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng, dù “lộ đề thi hay lọt đề thi đều là hành vi vi phạm trong thi cử” và cần phải bị xử lý nghiêm.

“Sở GDĐT Hà Nội đã công bố danh tính người làm lọt đề thi, đó là một giáo viên và cũng là cán bộ làm công tác coi thi trong kỳ thi. Người này đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi, truyền ra ngoài điểm thi.

Rất may là đề thi truyền ra ngoài khi thí sinh đã làm bài được khoảng 1 giờ đồng hồ. Nhưng không có nghĩa là những người liên quan không phải chịu trách nhiệm. Sự cố này ít nhiều làm xáo trộn tâm lý thí sinh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, xã hội”- PGS-TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Ông cho rằng, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là giáo viên đã làm lọt đề thi. Vì đề thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố đều thuộc danh mục bí mật Nhà nước và tối mật trong ngành giáo dục đào tạo. Trong trường hợp này, giáo viên đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi.

Ông cũng khẳng định rằng, trong sự cố này, Sở GDĐT Hà Nội cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, công tác phổ biến quy chế thi phải làm tốt hơn. Trưởng điểm thi - nơi để xảy ra sự việc - cũng phải bị xử lý nghiêm vì đã thiếu sát sao trong công việc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh.

Thí sinh cần sự công bằng

Trước sự cố lọt đề thi ở Hà Nội, đã có nhiều vụ việc cũng liên quan đến khâu bảo mật đề thi xảy ra ở nhiều địa phương khác. Tại Đồng Tháp, khi học sinh khối 11 của tỉnh chuẩn bị bước vào thi học kỳ 2 môn Toán và môn Sử, đề thi chính thức hai môn này đã lan truyền trên mạng xã hội. Xác nhận thông tin lộ đề, Sở GDĐT Đồng Tháp nhanh chóng chỉ đạo dừng thi hai môn này. Sau đó, thầy giáo làm lộ đề thi đã bị đuổi việc.

Tại Khánh Hòa cũng đã từng xảy ra việc lộ đề kiểm tra học kỳ 1 lớp 12. Cụ thể, vào trưa 29.12.2017, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin cho rằng đề Toán sắp thi bị lộ trước buổi kiểm tra. Do đó, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa đã cho dừng kiểm tra môn Toán và các môn còn lại. Một giáo viên đã làm việc này, khiến tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn phải thi lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của thí sinh. Không chỉ học sinh lo lắng, mà phụ huynh cũng nghi ngờ về sự công bằng của kỳ thi.

Điều đáng buồn là dù biết việc làm lọt hay lộ đề thi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, quyết định thành bại của kỳ thi, cũng như lấy được niềm tin của xã hội về một kỳ thi công bằng, nhưng sự cố lột đề chưa có dấu hiệu giảm. Nó cho thấy khâu bảo mật đề thi - được quy định là tài liệu mật, cần bảo vệ - đang có vấn đề. Nhất là trong thời điểm chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tác động của kỳ thi này là vô cùng lớn, tới hàng triệu người, hàng triệu gia đình trên cả nước. Chỉ cần một người lơi lỏng, một nơi không nghiêm, một mắt xích trong hệ thống tổ chức kỳ thi này “có vấn đề”... thì công sức của người khác sẽ “đổ sông đổ biển” và tác động của nó đến xã hội là vô cùng lớn.

Sẽ siết chặt an ninh, bảo mật tuyệt đối

Những sự cố rò rỉ đề thi đã xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương, là sự cảnh báo các điểm thi, hội đồng thi không được chủ quan bất kỳ khâu nào, để bảo đảm đề thi đến tận tay thí sinh là tuyệt đối bảo mật.

Liên quan đến công tác bảo mật đề thi, coi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) - khẳng định, hiện Bộ GDĐT đã có nhiều biện pháp để đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia diễn ra công bằng và nghiêm túc. Tất cả các thành viên tham gia làm đề đều phải cách ly triệt để với bên ngoài tới khi kết thúc môn thi cuối cùng.

Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch hội đồng ra đề thi hoặc Trưởng ban in sao đề thi, các thành viên mới được phép liên hệ với bên ngoài. Cách liên hệ bằng điện thoại cố định, có loa ngoài, có ghi âm, dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ, công an. Danh sách những người làm đề thi được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi.

Ngoài ra, theo quy chế, việc in sao đề thi được thực hiện cách ly 3 vòng độc lập với những quy trình chặt chẽ. Máy móc và thiết bị tại nơi làm đề thi, dù hư hỏng hay không dùng đến, chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly sau thời gian thi môn cuối cùng. Đề thi in sao xong sẽ được niêm phong đóng gói theo phòng thi.

Quá trình vận chuyển, bàn giao, đề thi được bảo quản trong hòm, tủ hay két sắt được khóa, niêm phong, với sự giám sát của lực lượng công an. Đề được bảo vệ 24/24h trong suốt thời gian vận chuyển cho đến hết quá trình bảo quản và sử dụng tại điểm thi.

Đại diện Bộ GDĐT cảnh báo: “Ngoài các biện pháp kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường mật độ cán bộ giám sát các phòng thi lên, nhưng cao nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ tham gia kỳ thi quan trọng này. Không chỉ thực hiện nghiêm quy chế, mà mỗi cán bộ phải giữ mình, chỉ cần vi phạm quy chế thi, sẽ bị xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Đặng Văn Cường: Dù vô ý hay cố ý lọt đề thi đều vi phạm pháp luật!

Tại Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg ngày 31.12.2016 của Thủ tướng chính phủ cũng quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau:

“...Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố...”.

Vì vậy, người nào cố ý hoặc vô ý làm lộ bí mật quốc gia thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý theo khoản 2, điều 337 Bộ luật hình sự với mức hình phạt là từ 5 năm đến 10 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn