MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Trăng tan đáy nước", tuyển tập truyện ngắn các chuyện tình đáng chú ý trong lịch sử Việt Nam.

Sứ giả của sách dã sử

Anh Tuấn LDO | 24/03/2024 12:52

Trong khoảng 2 năm qua, thị trường sách chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng tác phẩm văn học lấy đề tài lịch sử được viết bởi các nhà văn trẻ. Có thể kể ra những cái tên như “Ngự tiền quan án - Đại án Quảng Nam” của Lương Hoài Trọng Tính, “Tây Sơn Phụng Thần Ký” của Thành Châu, “Trăng tan đáy nước” của Hoàng Yến, “Như Sơ” của Việt Chi... Sự nở rộ tác giả - tác phẩm cùng với sự đón nhận của độc giả trẻ đối với dòng sách lịch sử là tín hiệu mừng cho thị trường sách Việt.

Bùng nổ tác phẩm dã sử

“Chưa bao giờ dòng sách khai thác đề tài và bối cảnh lịch sử lại được ưa chuộng như hiện nay” - nhà văn Đức Anh, một người viết trẻ đang làm trong lĩnh vực xuất bản cho biết. “Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 10 - 15 năm, sách lịch sử rất khó tìm chỗ đứng trên thị trường. Những người viết khi chuẩn bị đặt bút viết một cuốn sách lịch sử thường ái ngại, bởi sách ra là lập tức bị "soi". Dường như người ta chỉ soi xem sách có chỗ nào sai, thiếu sót ở đâu để tranh cãi, chỉ trích. Hầu như chẳng mấy ai ghi nhận công sức lao động của tác giả”.

Đó là chuyện của những năm 2005 - 2006. Ở thời điểm hiện nay, theo quan sát của nhà văn Đức Anh, mọi chuyện đã khác: “Các sách lấy đề tài lịch sử đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Bản thân Linh Lan Books chúng tôi trong vòng 2 năm qua đã giới thiệu nhiều tác giả trẻ chuyên viết sách khai thác bối cảnh lịch sử như Thục Linh, Thảo Trang, Hoàng Yến; nhiều cuốn đã best-seller. Năm ngoái chúng tôi xuất bản cuốn “Tước gấm giấu đay” của nhiều tác giả. Đầu năm nay, cuốn “Trăng tan đáy nước” của Hoàng Yến mới ra mắt hồi tháng 2 đã cháy hàng và tái bản lần thứ 2 chỉ sau một tháng”.

Một gương mặt nổi bật trong số các tác giả trẻ viết sách lịch sử là Hoàng Yến. Nữ tác giả sinh năm 1993 xuất hiện trên văn đàn 6 năm trước và ngay lập tức gây sốt với tập 1 series tiểu thuyết “Săn mộ” (dự kiến có ba tập). Từ đó đến nay, Hoàng Yến duy trì sức viết rất đều, trung bình một năm rưỡi ra một tác phẩm. Văn phong Hoàng Yến biến hóa đa dạng, từ phiêu lưu kỳ ảo (Săn mộ: Thông thiên La Thành - 2019) tới lãng mạn (Thượng Dương - 2021, Trăng tan đáy nước - 2024) và trinh thám (Dưới cánh đại bàng - 2022).

“Ban đầu mình chỉ định viết tiểu thuyết có bối cảnh lịch sử, lồng ghép thêm một vài yếu tố giả tưởng, giật gân. Nhưng quá trình đọc tài liệu khiến mình ngày càng yêu thích lịch sử và có tham vọng gửi gắm tình yêu vào các tác phẩm” - nhà văn Hoàng Yến nói.

“Điều quan trọng khi viết tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử là cách xưng hô, ăn nói, từng chi tiết trong hành xử... phải đúng với thời đại. Nếu viết không cẩn thận sẽ bị so sánh với dã sử của các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tổng quát hơn là xây dựng một cốt truyện đủ mạnh, có mục tiêu, có rào cản rõ ràng. Mình là dân khối A, nên ngôn từ bay bổng không phải thế mạnh của mình. Thế mạnh của mình lại sự lô-gíc khi xây dựng cốt truyện, kịch bản, tính cách nhân vật một cách đồng nhất. Ở tình huống này, khi nhân vật phải hành xử thế này thì là do tính cách và hoàn cảnh tác động, chứ không phải tác giả muốn thế”.

Nhà văn Đức Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà văn Hoàng Yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khó khăn khi viết sách dã sử

Nhà văn Đức Anh chia sẻ, hiện nay đề tài dã sử được nhiều tác giả lựa chọn đa phần vì các câu chuyện lịch sử gây nhiều cảm hứng. Đặc biệt lịch sử Việt Nam ghi nhận rất nhiều đề tài về các nhân vật nữ anh hùng, thường gây được sự đồng cảm ở đông đảo độc giả thuộc phái nữ. Với kỹ thuật truyền thông qua nội dung ngắn trên các mạng xã hội, tác giả tạo được cộng đồng của riêng mình và sau đó tìm được các độc giả tiềm năng mua sách của họ. Đây là một làn gió mới cho mảng đề tài này.

Đó là cách mà những cây viết không được đào tạo bài bản như Hoàng Yến, Thảo Trang, Thục Linh... xuất bản được cuốn sách đầu tiên của mình.

“Viết về lịch sử là đam mê của mình. Chúng ta, nhất là các độc giả thanh thiếu niên, cần phân biệt giữa dã sử và chính sử. Chính sử là những gì đã được ghi nhận và công nhận. Còn dã sử có bàn tay của sáng tạo văn học, đó là cánh cửa để chúng ta đi vào lịch sử, thêm động lực để tìm hiểu và yêu văn hóa nước nhà hơn” - nhà văn Hoàng Yến chia sẻ.

Nói về những khó khăn khi viết sách dã sử, Hoàng Yến cho biết, khó nhất là việc nghiên cứu sâu sắc về thời kỳ lịch sử mà tác giả muốn tái hiện trong tiểu thuyết. “Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cố gắng để hiểu rõ về văn hóa, xã hội, và nhân vật quan trọng của thời đại đó. Đồng thời, mình cũng phải đảm bảo rằng, tiểu thuyết mình viết ra phản ánh đúng và chính xác các sự kiện và tình huống lịch sử, tránh hiểu nhầm hoặc biến tấu quá mức”.

Chia sẻ về tương lai của sách dã sử, cả nhà văn Đức Anh và nhà văn Hoàng Yến đều lạc quan cho rằng, dòng sách này có tương lai tươi sáng. “Thời gian qua, chúng tôi tự hào đã giới thiệu nhiều nhà văn mới, nhiều tác phẩm ấn tượng không chỉ khai thác đề tài lịch sử, dã sử mà còn mang đậm chất liệu văn hóa Việt Nam” - nhà văn Đức Anh nói. “Điều đáng mừng là không chỉ thị trường trong nước, chúng tôi đã nhận được những đơn hàng từ nước ngoài, như cuốn "Ma quỷ dân gian ký" của Duy Văn có một đơn đặt hàng từ tận Mexico. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng và sức hút của những cuốn sách khai thác văn hóa dân gian bản địa Việt Nam”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn