MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kaki dần trở nên phổ biến trong công chúng và được yêu thích cho tới ngày nay. Trong ảnh là các diễn viên đang tạo dáng tại sự kiện Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 ở Cannes, miền nam nước Pháp, tháng 5.2024. Ảnh: Xinhua

Sự ra đời chiếc quần “màu bụi” được cả thế giới ưa chuộng

phương linh LDO | 16/06/2024 12:00

Ra đời kể từ thời kỳ Anh xâm chiếm Ấn Độ, những trang phục ngụy trang màu “bụi” bằng chất liệu vải kaki dần được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Vào đầu thế kỷ 19 ở Ấn Độ, trước điều kiện địa lý vùng bản địa khô cằn và đầy sỏi đá, cùng những thảm thực vật thưa thớt bám chặt trên những sườn đồi hiểm trở, sắc phục màu đỏ mang tính biểu tượng của Quân đội Anh khiến họ càng nổi bật và dễ bị phát hiện. Lần đầu tiên, quân đội Anh phải cân nhắc việc làm thế nào để bớt lộ liễu hơn để tránh thu hút sự chú ý.

Jane Tynan, nhà lịch sử văn hóa đồng thời là tác giả của cuốn sách "Sắc phục quân đội An" và Chiến tranh thế giới thứ nhất": Những người đàn ông mặc kaki, cho biết: “Thế kỷ 19 là thời kỳ xảy ra các cuộc chiến tranh thuộc địa nhỏ và quân đội Anh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bên lề cuộc chiến. Họ biết rõ về quân phục và cách biến chiến lược trở nên hiệu quả hơn, đó là sử dụng quân phục như một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến đấu trên chiến trường”.

Giải pháp nằm ở chất liệu kaki, một màu nâu nhạt gợi lên khung cảnh buồn tẻ xung quanh những người lính Anh chiếm đóng đất nước Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa. Trên thực tế, “kaki” là một từ tiếng Urdu - một trong 22 ngôn ngữ chính được pháp luật công nhận ở Ấn Độ - chỉ có nghĩa đơn giản là “màu bụi”.

Kaki là công nghệ ngụy trang đầu tiên được áp dụng quy mô lớn làm quân phục. Tim Newark, tác giả cuốn "Sách về quân phục" của Brassey, đã gọi kaki là “sự thay đổi lớn nhất cho tương lai của các bộ quân phục”.

Trong lịch sử 176 năm của mình, kaki tiếp tục là trang phục thông dụng trong quân đội, đồng thời cũng trở thành thời trang yêu thích của giới trẻ, doanh nhân, theo National Geographic.

Từ quân nhân đến sinh viên đại học

Người đầu tiên sử dụng vải kaki để may quân phục là ông Harry Lumsden, nhà sáng lập đội quân trinh sát và cấp phó của ông là William Hodson. Đội quân trinh sát được thành lập vào năm 1846 trong thời kỳ độc quyền của công ty Đông Ấn Anh quốc, gồm các binh sĩ Ấn Độ đóng vai trò trinh sát và tham gia chiến đấu cho quân đội Ấn Độ thuộc Anh. Năm 1848, William Hodson tuyên bố ông sẽ khiến cho đội quân của mình trở nên tàng hình ở vùng đất Ấn Độ đầy cát bụi khi đó.

Vải kaki ban đầu được tạo ra bằng cách nhuộm vải bông trắng với bùn đất bản địa. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, quân đội bắt đầu sử dụng vải nhuộm từ Anh. Trong thời kỳ này, Anh chủ yếu nhập khẩu bông từ Mỹ và các thuộc địa Ấn Độ và Ai Cập.

Đồng phục quân đội bằng chất liệu kaki là loại quân phục ngụy trang chiến thuật đầu tiên được sử dụng rộng rãi. Chất liệu vải sợi này mỏng, nhẹ hơn len nên phù hợp để sử dụng ở nơi có điều kiện thời tiết nóng bức. Năm 1897, kaki trở thành quân phục chính thức của toàn bộ quân đội Anh ở nước ngoài. Quân đội các nước khác cũng nhanh chóng sử dụng vải kaki làm quân phục, trong đó có Đội kỵ binh Mỹ chiến đấu trong cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha và binh lính Nam Phi trong Chiến tranh Boer.

Vải kaki có một loạt các tông màu cơ bản từ kem, nâu vàng, nâu nhạt và xanh xám và được sử dụng phổ biến trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.

Không chỉ quân đội, thời kỳ này người dân cũng bắt đầu biết đến và sử dụng vải kaki, phổ biến nhất là những bộ quần áo kaki cho nông dân và dân lao động làm nghề khai thác mỏ cũng như các hoạt động giải trí: Quần vợt, chơi gôn, đi bộ đường dài và cắm trại. Đầu thế kỷ 20 nổi lên hình tượng những nhà thám hiểm mặc trang phục kaki khám phá những vùng đất chưa được khai phá, nghiên cứu những nền văn hóa mới và chinh phục thiên nhiên hoang dã.

Hình ảnh ấn tượng của bộ trang phục từ vải kaki này đã thu hút sự chú ý của công chúng, họ bắt đầu tìm cách bắt chước trang phục của các nhà thám hiểm. Ở Mỹ, chất liệu kaki ngày càng phổ biến trong tầng lớp lao động và những người thích khám phá các hoạt động ngoài trời như cựu Tổng thống Teddy Roosevelt.

Theo nhà sử học Tracey Panek, giám đốc lưu trữ của hãng đồ Jean lâu đời nhất thế giới Levi Strauss, công ty bắt đầu giới thiệu các bộ quần áo chất liệu kaki phù hợp cho các hoạt động ngoài trời vào những năm 1910. Levi Strauss tiếp tục tạo ra các sản phẩm kaki hút khách là cựu binh Mỹ và sinh viên đại học và sau đó, ra mắt thương hiệu quần kaki mang tên Dockers - khởi động một cuộc cách mạng kinh doanh mảng thời trang thông dụng trong những năm 1990.

Thời trang kaki bình dân tràn ngập trong thế kỷ 20 và được những người lao động chân tay, doanh nhân và sinh viên ưa chuộng, tuy nhiên kaki vẫn luôn giữ được ý nghĩa đặc trưng mang tính biểu tượng về quân đội.

Một người mẫu trình diễn trong Tuần lễ thời trang ở London, Anh, tháng 9.2023. Ảnh: Xinhua

Di sản thời trang của những người lính mặc kaki đầu tiên

Ngày nay, các nhà sử học đang hồi tưởng về biểu tượng một thời của trang phục kaki.

Nhà sử học Tynan cho biết bộ trang phục kaki của các nhà thám hiểm vào giữa thế kỷ này là một sự gợi nhớ đến trang phục của quân đội và cảnh sát thời kỳ thuộc địa.

“Khi tôi nhìn thấy những nhân vật đó, những nhà nhân chủng học và nhà thám hiểm đầu thế kỷ 20 mặc quần áo kaki, tôi nghĩ nó gợi nhớ về một thời trong quá khứ” - Tynan nói.

Nhà hoạt động xã hội về thời trang và khí hậu Céline Semaan đã quan sát thấy rằng, mức độ phổ biến của quần áo kaki liên quan đến quân đội, cô lý giải rằng: “Có ý kiến ​​cho rằng đồ kaki, giày boot quân đội, áo khoác bomber, quần rằn ri và tất cả những trang phục là biểu tượng cho tự do và quyền lực. Thực sự, nó trở thành một khát vọng đối với công chúng khi thấy quân đội rất ngầu và thời trang, và họ muốn được giống như vậy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn