MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của họa sĩ họa sĩ Đỗ Dũng.

Sự trung thực

TRUYỆN NGẮN CỦA MAXIM ANATOLEVITS SHAPIRO (NGA) LDO | 14/08/2016 13:12

“Con người ta luôn phải sống trung thực và có nguyên tắc”. Mikhail Alekxandrovich tuyên bố một cách chí lý. Anh ta nâng cốc bia lên tu một ngụm lớn rồi chán chường cắn vào miếng xúc xích. “Thế mà bây giờ thì người ta cười nhạo cái thời xưa cũ”. “Thật vô lý. Hãy cứ lấy ví dụ từ cha tôi đấy, ông là người đã được tôi luyện theo kiểu cũ, những người như thế bây giờ không có đâu. Sau chiến tranh Thế giới II ông làm chủ tịch nông trang, mà thời đó thì biết rồi đấy, ai cũng cố mà đánh thó từ ngoài ruộng về thứ gì đó. Nhiều người nhắm mắt làm ngơ nhưng cha tôi thì không cho qua chuyện này, suốt thời gian ông làm chủ tịch, không ai mang được thứ gì về hết. Tôi thấy nể người Đức vì đức tính trung thực đấy, trong chúng ta không ai được như thế đâu”. Mikhail say sưa uống cạn ba lít bia loại Bavari ngon tuyệt vời, quan sát số khách hàng ít ỏi trong quán nhỏ Munkhen ấm cúng này.

Trong lúc anh ta độc thoại, tôi chỉ làm cái việc máy móc là gật đầu đồng ý giống như một viên chức trước phát ngôn của thủ trưởng vậy. Sự chú ý của tôi lại hướng vào một cụ già bé nhỏ ăn vận chỉnh tề ngồi bên chiếc bàn nhỏ bên cạnh được cả tiếng đồng hồ rồi, có vẻ như ông đang lắng nghe chuyện của chúng tôi. Bắt gặp cái nhìn của tôi, ông già mỉm cười và khó nhọc đứng lên, tay tựa vào chiếc can đi tới chỗ chúng tôi.

- Xin thứ lỗi cho tôi, các bạn trẻ - ông nói tiếng Nga với chất giọng Đức đặc sệt - Chuyện của các anh tôi thấy là rất thú vị và tôi xin đánh bạo được cùng góp chuyện.

Nhận thấy Mikhail muốn hỏi điều gì đó, ông liền quay về phía anh ta :

- Chắc là anh muốn biết vì sao tôi lại biết tiếng Nga. Chuyện này rất đơn giản - tôi tên là Lev Vaizman, thời chiến tranh tôi đã bị đưa từ Bavari đến trại tập trung ở Ba-lan. Tại đây có nhiều người Nga gốc Do thái và tôi đã học tiếng Nga từ họ cũng như học được một số điều khác nữa. Nhưng đó không phải là điều chính yếu, mà như tôi thấy, các anh là những người nhiệt tình ủng hộ sự trung thực và tính nguyên tắc. Vì thế tôi muốn kể cho các anh nghe một câu chuyện trong đời tôi:

“Khi hiểm họa xảy ra, trong thành phố của tôi còn khá nhiều người Do thái. Cũng như tất cả mọi người, họ hy vọng là tình hình sẽ khá hơn nên không chịu rời đi ngay. Khi mà các cuộc bắt bớ còn thưa thớt thì chưa cần phải vội. Cai quản quận của chúng tôi là một tên Gestapo, hắn chẳng hề có lấy một chút tính trung thực và nguyên tắc gì hết. Hắn là kẻ vô lại và tham lam vô độ, nhưng chính vì thế mà chúng tôi đã cứu được nhiều người Do thái. Nhận những món tiền hối lộ lớn do những người Do thái giàu có hơn quyên góp, hắn đã làm thủ tục cấp hộ chiếu giả cho nhiều người và họ có thể cùng với gia đình chạy sang Thuỵ Sĩ. Chúng tôi đều nhất trí dùng cách bốc thăm để lần lượt nhận được hộ chiếu giả, bởi chẳng người nào muốn nhận cái trách nhiệm là chỉ định cho ai được sống và ai phải chết. Khi vận may đến với gia đình tôi thì người ta đã thay thế một tên Gestapo khác rồi. Lần này là một tên có tính trung thực tuyệt đối và nguyên tắc đến một trăm phần trăm. Khi tôi đưa tiền cho hắn, cầu xin hắn thả nổi cho gia đình tôi thì hắn đã tỏ ra trung thực một cách đáng nể và không nhận riêng một chút gì cả, tất cả số tiền đưa hối lộ hắn ta ghi giấy biên nhận cho tôi và gọi người đưa thư gửi ngay tiền vào trại tập trung. Tất cả chúng tôi đã bị đưa vào trại, cả gia đình tôi đều bị chết hết: Vợ tôi, bà mẹ vợ già yếu cùng hai đứa con trai của chúng tôi và một con gái mới vừa tròn 4 tuổi. Tôi là người duy nhất còn sống trong cái địa ngục đó. Tôi trở về thành phố của mình, sống lay lắt với những gì còn lại, khó có thể gọi được đó là cuộc sống. Hàng đêm tôi đều nằm mơ thấy bộ mặt của cái kẻ có tính trung thực vào bậc nhất ấy. Thế rồi, bỗng nhiên gần mười năm sau tình cờ tôi gặp hắn trên phố. Hắn không nhận ra tôi, thì đã có biết bao người Do thái phải qua tay hắn rồi, làm sao mà hắn nhớ nổi một ai đó. Nhưng tôi thì nhận ra hắn ngay và một cảm giác nói thẳng ra là vui sướng đã choán lấy tôi - cuộc sống của tôi đã có một mục đích. Sau một thời gian ngắn quyết định, tôi đã sẵn sàng. Thế là vào một buổi chiều đẹp trời, tôi thủ sẵn trong túi áo khoác một khẩu súng mua được ở chợ đen và tiến về phía ngôi nhà của kẻ rất đỗi trung thực đó. Khi hắn mở cửa, tôi gí khẩu súng vào sườn hắn và buộc hắn để tôi vào nhà. Sau đó tôi trói hắn vào chiếc ghế tựa. Cần phải trả lại cho hắn món nợ đời và hoá ra, hắn không chỉ là một người trung thực mà còn có dũng khí nữa kia. Hắn không mở miệng cầu xin sự thương hại mà chỉ nhìn tôi một cách căm hờn. Vì sự cứng cỏi đáng phục ấy mà tôi quyết định phủ đầu bằng một cuộc nói chuyện trong những giờ phút cuối cùng của hắn.

- Thậm chí tôi cũng không biết nên nói điều gì với ông đây, ông Mayer - tôi mở đầu - tất nhiên là vẫn có thể nói chuyện về gia đình tôi, nhưng tiếc rằng, nhờ vào sự nỗ lực của ông mà tôi không còn lại một ai thân thích cả. Vậy tốt hơn hết chúng ta sẽ nói về những người thân của ông vậy. Hẳn ông vẫn còn nhớ đến người em trai của mình đang làm thợ cả tại một nhà máy cơ khí. Phải có một tai nạn nào đó chứ nhỉ, hôm nay tại nhà máy đó xảy ra một sự cố và em trai ông đã chết sau khi bị văng vào máy nén khí. Đúng là một cái chết khủng khiếp mà tôi thông báo với ông đấy. Sau đó tôi đã tới Birkenstrass và ở đây cũng cần phải có một sự rủi ro chứ! Ngôi nhà số 16 đã cháy trụi. Chắc là ông bắt đầu thấy lo sợ rồi chứ?! Phải rồi! Mà tôi cũng đâu có thể quên được! Trong ngôi nhà đó là con gái của ông sống cùng với chồng và một đứa con trai 6 tuổi. Tất cả bọn họ đều đã chết hết rồi. Rất tiếc là tôi không thể báo cho ông một tia hy vọng nào cả. Cánh cửa ra vào và cửa sổ không hiểu sao đã bị chèn lại và họ không thể nào ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy đó.

Hắn ta không nói gì cả nhưng tôi nhìn thấy những giọt lệ từ khoé mắt hắn chảy ra và mỗi giọt nước mắt của hắn như một liều thuốc bổ làm vợi nhẹ lòng tôi.

- Thôi nào, ông cũng đáng tội chết đấy - tôi nói tiếp - Tất nhiên đó là một sự trả giá lớn, nhưng ông đâu phải là người đầu tiên phải chịu cảnh này. Thì ngay chính tôi đây, tôi đã phải sống với sự đau đớn gần mười năm rồi, còn ông thì chỉ còn lại vài phút để nếm trải nó thôi. Nhân tiện hỏi thêm, con chó nhỏ ở ngoài sân có phải của ông không? Thấy rõ là ông cũng yêu chó đấy chứ. Những môn đệ nuôi trong nhà phần nào cũng là nguồn an ủi lớn ở tuổi già, còn hơn cả những đứa con đấy. Tất nhiên là tôi có thể đưa nó về nhà để chăm nuôi, nhưng khi đi qua sân nhà ông thì tôi thấy là con cún đã chết rồi. Chắc là con vật tội nghiệp này đã bị đánh bả - tôi liếc nhìn đồng hồ - vả lại, tôi không dám giữ ông lâu hơn nữa. Đến lúc tôi phải đi rồi.

Tôi bắn vào đầu hắn ta rồi vứt khẩu súng xuống sàn và ra khỏi ngôi nhà. Kể từ đó đến nay, ơn Chúa, tôi không còn nằm mơ thấy bộ mặt của tên Gestapo đó nữa”.

- Thực ra thì ông chỉ là một con quỷ dữ! - không kìm được, Mikhail Aleksandrovich đã hét lên - Làm sao mà ông có thể giết chết từng ấy con người vô tội để trả thù cơ chứ? Vì sao ông lại có thể giết cả trẻ con nữa hả?

- Điều thứ nhất mà tôi muốn nhắc tới là, những người thân của tôi cũng vô tội như vậy. Còn điều thứ hai, vì cớ gì mà anh khẳng định là tôi đã giết chết những người vô tội?

- Thì ông chẳng đã…

- Tôi lừa hắn ta đấy. Khác với anh, anh bạn trẻ ạ, và khác với cả hắn nữa, tôi không cho rằng sự trung thực lúc nào cũng là một giải pháp tốt nhất.

Ông già bé nhỏ mỉm cười tạm biệt chúng tôi rồi tựa vào chiếc can nhỏ chậm rãi đi ra phía cửa. Chúng tôi im lặng nhìn theo bóng dáng của ông.

NGỌC BÍCH (Dịch từ tiếng Nga)


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn