MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sức khỏe của bạn: Chăm sóc mũi cho trẻ nhỏ

BS ĐÀO THẾ TÂN LDO | 02/09/2016 09:45
- Đến khổ với thằng cháu nội nhà em vì cái mũi quanh năm bị hết tật nọ đến bệnh kia. Lúc thì ngạt mũi không thở được, lúc chảy nước mũi, lúc ngứa mũi, lúc đổ máu cam. Động trái gió giở giời là có chuyện, đi khám khắp nơi, thuốc men các kiểu, ai mách cho cách gì cũng thử chữa mà mãi cũng chả khỏi.

- Ngành y có câu “lai rai như tai mũi họng” để nói về bệnh và cách chữa bệnh này khó dứt hẳn. Phương tiện, thuốc men, kinh nghiệm tay nghề thầy thuốc đã tiến bộ nhiều nhưng chỉ khỏi được lúc cấp tính, khó dứt hẳn khi bệnh chuyển mạn tính. Nguyên nhân có nhiều nhưng cái chính là phòng bệnh và thói quen vệ sinh không đúng cách. Nguyên nhân bất khả kháng là tình trạng biến đổi khí hậu thời tiết và môi trường. Nguyên nhân tự thân do trẻ nhỏ không tự mình phòng bệnh mà người lớn lại ít lo đến cái mũi của trẻ đúng mức, chỉ lo chữa nhanh nhanh cho qua lúc viêm nhiễm nên dễ sai lầm khi chữa và phòng bệnh.

- Chuyện ấy thì đều đúng cả khỏi phải bàn nhưng để phòng chữa bệnh thì bệnh nào chả phải theo cách ấy, đây là muốn nói riêng cái chuyện mũi của trẻ, cần có cách gì cụ thể cho đặc điểm của bệnh mũi họng trẻ em.

- Đúng ra là liên quan cả tai - mũi - họng, nhưng hẵng nói đến cái mũi trước. Khi trẻ vừa khóc tiếng chào đời, dù đẻ thường hay đẻ mổ, việc đầu tiên của cô đỡ là phải hút mũi cho trẻ, một động tác tưởng rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng vì nếu làm ẩu, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường thở ngay từ lúc lọt lòng do nước ối, các chất dịch khi sinh lọt vào đường thở , thậm chí vào phổi. Tháng đầu tiên của trẻ, các cụ bắt kiêng cữ, y học hiện đại thì để trẻ yếu nằm lồng ấp đều nhằm giữ cho đường hô hấp không bị viêm nhiễm đột ngột khi đang yên lành nằm trong bụng mẹ bị hít thở ngay không khí bụi trần. Khi có bất cứ cái gì bất lợi về không khí và nhiệt độ, mũi trẻ lập tức có phản ứng, chăm trẻ là biết lắng nghe từng hơi thở của trẻ theo đúng cả nghĩ bóng nghĩa đen. Thay đổi nhịp thở, xuất tiết nhiều dịch hơn ở đường mũi, thở có tiếng lạ (khò khè), mũi đỏ, sưng nề ở cửa mũi và các vách ngăn mũi là những tín hiệu sớm nhất báo động cho người lớn phải kiểm tra lại về thông khí, độ ẩm và nhiệt độ. Lúc này, khi chưa có chẩn đoán của thầy thuốc chuyên khoa nên tuyệt đối không được xịt thuốc, nhỏ mũi, xông thuốc, uống thuốc vì nguy cơ biến chứng ngay lúc đó và dễ thành triệu chứng mạn tính về sau khó chữa. Khi trẻ qua tuổi sơ sinh, cứng cáp hơn nhưng lại tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nên cần dần dần cho trẻ ra ngoài trời với điều kiện thời tiết tốt và không khí trong lành. Vệ sinh thân thể hàng ngày không được quên xúc rửa mũi bằng nước thường (không lạm dụng nước mũi sinh lý vì bị khô niêm mạc mũi), dùng ống hút nhỏ một vài giọt tạo phản xạ hắt hơi để trẻ tống chất bẩn ra. Không quên vệ sinh cả họng và tai cùng lúc để tránh bị lây lan theo các đường tự nhiên thông giữa tai mũi và họng. Khi có sốt, khó thở phải đi viện ngay không được tự chữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn