MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sức khỏe của bạn: Sơ cứu bệnh nội khoa

BS ĐÀO THẾ TÂN LDO | 28/10/2016 12:36
- Lần trước đã được biết những cách cần kíp nhất sơ cứu tai nạn, rất có ích vì thường gặp tình huống bất ngờ hàng ngày các tai nạn gây chấn thương ngoại khoa... Trong khi trên thực tế, còn gặp những ca đột nhiên bị ngã gục xuống, choáng ngất bất tỉnh, lên cơn co giật, có cơn khó thở, đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, bài tiết không tự chủ... rất khó để cứu giúp bệnh nhân nếu không biết họ bị làm sao.

- Đó là những cơn cấp tính nội khoa, có thể là những triệu chứng đã gặp nhiều lần, có thể là tai biến, biến chứng nguy hiểm của những bệnh có sẵn, cũng có khi lần đầu tiên khởi phát bệnh đã bị ngay tai biến do nguyên nhân rất kín đáo không có triệu chứng lâm sàng báo trước. Việc sơ cứu, cấp cứu phải rất thận trọng, không được mắc sai lầm vì nếu sai làm biến chứng nặng hơn có thể nguy cấp đến tính mạng.

- Như thế chẳng lẽ đứng nhìn người ta nằm bất tỉnh hay đau đớn quằn quại. Cứu chữa thì sợ làm sai cách, làm họ bị nặng thêm.

- Cần phân biệt rõ, đây chỉ nói đến những ca bệnh tim mạch, tai biến thần kinh sọ não nguy cơ đến tính mạng gặp ở nơi gần như không có phương tiện gì trợ giúp trừ thông tin nhờ điện thoại. Hoàn cảnh như vậy đòi hỏi xử lý đúng, biết đưa ra các khả năng cứu giúp khác nhau và lựa chọn khả năng nào ít nguy hại đến bệnh nhân nhất.

Thông thường có thể gặp: Choáng ngất xỉu thoáng qua, không bị hôn mê trong hạ đường huyết, say nắng, đói khát do mệt nặng; lúc này chỉ cần đỡ nằm xuống, xem mạch nghe nhịp thở ổn định, ít phút có thể tỉnh lại, trợ giúp đúng là cho uống nước, uống sữa, nước giải khát có đường, nới lỏng quần áo chật, quạt thoáng khí bằng mũ nón. Khi đã đỡ hẳn mới giúp chuyển về bệnh viện hay về nhà. Trường hợp gục ngã rồi hôn mê mất dần các phản xạ thần kinh, gọi hỏi không biết, cấu véo không cựa quậy thường do tai biến liên quan đến thần kinh sọ não. Chỉ có thể giúp bệnh nhân sửa lại tư thế nằm đầu thấp không kê gối, nghiêng đầu mặt sang một bên đề phòng nôn sặc trào ngược vào đường thở. Theo dõi mạch, nhịp thở để tiên lượng bệnh tiến triển thế nào. Không được vội di chuyển vì nguy cơ làm chảy máu trong nội sọ. Có thể vành mí mắt 2 bên xem có còn phản xạ co đồng tử không, nếu có bên co bên giãn là có thêm cả liệt thần kinh. Tốt nhất là gọi xe cấp cứu, nếu không có xe cấp cứu buộc phải dùng xe khác cần sửa chỗ nằm ổn định, êm, ít bị xê dịch ít bị xóc, tự mình đi theo xe để theo dõi mạch và nhịp thở.

Trường hợp bệnh nhân đau thắt ngực, nét mặt hoảng hốt, khó thở, tím tái... có thể là bị bệnh tim. Cần đỡ bệnh nhân ngồi dựa tư thế nửa nằm nửa ngồi, bảo nhắm mắt tự nhiên, há miệng thở sâu thở đều, hạn chế tối đa cử động nói năng. Không được cho ăn uống gì, không để đông người xúm quanh. Gọi điện cấp cứu nói rõ tình trạng tim mạch triệu chứng để đội cấp cứu chuẩn bị thuốc men phương tiện hồi sức ngay khi đến. Nhiều khi phải qua cơn cấp tính như co thắt mạch vành, nhồi máu cơ tim, đặt được phương tiện hồi sức như thở oxy, truyền dịch... mới chuyển đi viện để tiếp tục hồi sức cấp cứu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn