MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sức khỏe của bạn: Vài điều cần nhớ khi khám chữa bệnh

BS ĐÀO THẾ TÂN LDO | 25/04/2017 23:31
Ai cũng có khi đi khám sức khỏe, khám bệnh chữa bệnh; tùy theo mục đích đi khám, theo loại bệnh nặng nhẹ khác nhau mà có ứng xử khác nhau. Vì vậy, có vài điều cần nhớ và làm đúng để việc đi khám có hiệu quả nhất.

Đối với khám sức khỏe (khám định kỳ, khám để đi học đi làm, khám mở rộng theo chuyên khoa nhằm tầm soát bệnh sớm…) , là cơ may để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, đánh giá sức khỏe mạnh yếu thế nào. Không vì bận rộn hay tâm lý lười đi khám khi tự mình cảm thấy không có chuyện gì mà bỏ qua. Khám sức khỏe không chú mục vào triệu chứng nào nên phải khám toàn diện và làm mọi xét nghiệm có trong gói khám đó. Khi đã có đầy đủ các kết quả, cần nhất là nghe thầy thuốc nhận định các kết quả xét nghiệm, siêu âm chụp X quang, đề nghị được giải thích nếu có các chỉ số cao thấp bất thường, các dấu hiệu hình ảnh khác lạ. Cần hỏi bác sĩ phải làm thêm xét nghiệm gì để xác chẩn. Nếu có kết luận khác bình thường cần hỏi rõ bệnh hay triệu chứng, có nguy cơ thành bệnh không. Nếu là bệnh cần đi khám tiếp đúng chuyên khoa để điều trị kịp thời, nếu là nguy cơ cần xin tư vấn về nguyên nhân sinh bệnh, các chế độ làm việc, ăn uống nghỉ ngơi thích hợp, có cần tập luyện như một liệu pháp chữa bệnh hoặc ngược lại không được chơi môn thể thao nào đó, có thể cần có thuốc để ngăn chặn diễn biến bệnh lý. Các kết quả khám cần được lưu giữ riêng để định kỳ 6 tháng 1 năm khám lại, đánh giá tiên lượng sức khỏe tiến triển thế nào, đánh giá được kết quả tuân thủ các chế độ, tập luyện.

Khi có bệnh hoặc đã điều trị nhiều lần, điều trị lâu dài khi đi khám nhất thiết phải theo đúng chuyên khoa, nếu vượt tuyến hay có điều kiện khám bệnh viện tư cần tham khảo bác sĩ quen thân, bác sĩ gia đình để không bị nhiễu thông tin quảng cáo. Kiên trì theo thầy thuốc theo bệnh viện để được theo dõi liên tục, đừng khám chữa bệnh theo kiểu đi mua hàng khảo giá nhiều nơi sợ hớ, vì sẽ tự mình làm rối các triệu chứng, nhờn thuốc hay xung đột tương tác thuốc. Có người dùng cách giấu hết thông tin đã khám chữa trước đó để xem thử tay nghề thầy thuốc chẩn bệnh chữa bệnh ra sao, rất tai hại vì thông tin đầu vào sai lệch sẽ chỉ cho kết quả nhầm lẫn tai hại. Để chống lại việc phải làm nhiều xét nghiệm, có người từ chối một số xét nghiệm được chỉ định, thái độ đúng là đề nghị bác sĩ giải thích xét nghiệm này có giá trị xác định dấu hiệu triệu chứng gì hay có tác dụng kiểm tra các chức năng của cơ thể trước, trong và sau khi dùng thuốc. Sau khi có đủ các kết quả cận lâm sàng, phải nhớ nằm lòng tên bệnh bác sĩ đã chẩn đoán vì điều này cắt nghĩa các cách thức điều trị, diễn biến, tiên lượng kết quả điều trị; có thể hỏi thêm các lời khuyên, các kiêng cữ khi chữa và cả sau khi khỏi, phòng tái phát. Hồ sơ khám chữa bệnh, nằm viện, giấy mổ… phải lưu giữ cả đời vì đây là lịch sử sức khỏe bệnh tật có giá trị tham khảo quan trọng khi khám chữa bệnh lần sau. Hiện đang có chương trình số hóa hồ sơ sức khỏe của công dân cũng nhằm mục đích này và tất cả chỉ vì sức khỏe của người dân và toàn cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn