MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Suy ngẫm về thông báo rút quân Mỹ khỏi Afghanistan

Trần Bách LDO | 01/05/2021 21:08
Ngày 14 tháng 4 năm 2021, Tổng thống John Biden đã thông báo quân Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan ngày 1 tháng 5 và rút hết vào ngày 11 tháng 9 năm 2021. Quyết định này kết thúc 20 năm quân Mỹ có mặt ở Afghanistan với mục đích ban đầu là ngăn chặn khủng bố sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001. Đây là quyết định ngoại giao quan trọng nhất của Mỹ kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền ngày 20 tháng 1 vừa qua.

Quyết định này làm người ta nhớ lại việc rút quân của Mỹ tại cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan, 2.488 lính Mỹ đã chết, 20.772 lính Mỹ bị thương và đất nước này đã tiêu tốn 1.000 tỉ đô la. Trong khi đó theo tính toán của người Mỹ thì cũng trong 20 năm từ năm 1955 đến 1975, 58.318 lính Mỹ đã chết và 153.372 lính bị thương và Mỹ đã tiêu tốn 1.000 tỉ đô la (tính theo giá đô la hiện thời). Mỹ đã phải trả giá cao trong cả hai cuộc chiến tranh.

1. Người Pháp có câu “mọi so sánh đều khập khiễng”. Tuy nhiên, tôi không thể không so sánh hai lần Mỹ dính líu vào chiến tranh ở Viêt Nam và ở Afghanistan. Nhìn vào hai cuộc chiến tranh chúng ta không thể không thấy những điều giống nhau. Thứ nhất là cả hai cuộc chiến tranh đều kéo dài 20 năm (Mỹ thường tính chiến tranh Việt Nam từ 1955 đến 1975).

Thứ hai là sau Mỹ đều nhận thấy điều mà một nhà chiến lược phương Tây đã nói: “Quân đội thông thường sẽ thua nếu không thắng. Quân du kích sẽ thắng nếu không thua”. Quân đội thông thường đến một thời điểm nào đó là phải giảm dần và rút quân. Năm 1964, khi Quốc hội Mỹ bắt đầu cho phép Mỹ dính líu quân sự vào Việt Nam, số lính Mỹ ở Việt Nam là 23.300 trong khi số lính Mỹ khi Mỹ quyết định đưa quân đến Afghanistan là 2.500. Mỹ càng dính líu vào cuộc chiến, số lính Mỹ lại càng tăng, ở Việt Nam con số này là 184.300 năm 1966 rồi lên đến đỉnh cao là 536.100 năm 1968, trong khi số lính Mỹ ở Afghanistan lên đến đỉnh điểm là 100.000 quân vào năm 2010 và giảm dần. Rõ ràng dù có cho rằng quân Mỹ có mặt có sứ mệnh gì thì sớm muộn Mỹ cũng phải nhận ra rằng không thể tiếp tục dùng vũ lực và xuống thang.

Thứ ba là Mỹ cũng nhận thấy rằng một khi đạt mục đích ban đầu, quân Mỹ nên phải rút lui. Điều này rõ ràng trong phát biểu của Tổng thống Biden là: “Lý do chúng ta tiếp tục ở lại (Afghanistan) trở nên ngày càng không rõ ràng”, vì Mỹ đã đánh bật Taliban ra khỏi chính quyền hai tháng sau hành động can thiệp và giết Osama bin Laden cách đây 10 năm. Tổng thống Biden nói thêm: “Chúng ta không thể tiếp tục chu trình kéo dài và mở rộng sự có mặt quân sự của chúng ta ở Afghanistan, hy vọng có thể tạo ra điều kiện lý tưởng để rút quân và hy vọng có một kết quả khác”. Ông còn nói thêm: “Nhiều khả năng là Taliban sẽ thắng thế ở chiến trường và chính phủ Afghanistan sẽ cố giữ Taliban ở xa nếu chính phủ liên hiệp ngừng ủng hộ”. Câu nói này làm chúng ta nhớ lại phát biểu ngày 25 tháng 7 năm 1969 khi tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Việt Nam là “nước Mỹ có quyền kỳ vọng rằng (cố gắng quốc phòng) sẽ được các nước Châu Á xử lý và nhận trách nhiệm” và ông đã tham khảo ý kiến một số lãnh đạo các nước Châu Á và “họ đã sẵn sàng nhận trách nhiệm” trong khi trước đó các tổng thống Mỹ đều cho rằng lính Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn chặn “thuyết đô-mi-no”?

Thứ tư là ngôn từ dùng giống nhau. Cuối năm 2019, tờ Bưu điện Washington đã đăng tải một loạt bài phỏng vấn các quan chức Mỹ. Phần lớn các quan chức này đều công nhận rằng cuộc chiến tranh ở Afghanistan là “không thể thắng được”. Thuật ngữ “không thể thắng được” cũng là thuật ngữ Walter Cronkite, người dẫn chương trình tin tức cho VTTH CBS, dùng trong phóng sự đưa tin về Việt Nam ngày 27 tháng 2 năm 1968, sau khi ông thăm Việt Nam về. Ông đã nói: “Nói rằng chúng ta đang tiến gần đến thắng lợi là đi ngược lại những bằng chứng cho thấy những người lạc quan cũng đã từng sai. Cho rằng chúng ta đang sát kề thất bại là thái độ bi quan vô lối. Nói rằng chúng ta đang kẹt trong tình thế không phân thắng bại có lẽ là kết luận duy nhất thực tiễn nhưng thoả đáng”.

2. Những điều giống nhau đó đều có vẻ chưa đi vào bản chất của hai cuộc chiến và có thể dừng tại đây và chúng ta sẽ nói đến những điều khác nhau.

Ở Afghanistan, quân Mỹ “đơn phương” tuyên bố rút quân khi thấy không nên tiếp tục cuộc “chiến tranh vĩnh viễn” và như Tổng thống Biden đã nói là ông không muốn chuyển giao cuộc chiến tranh cho tổng thống kế nhiệm. Tuy nhiên, ở Việt Nam các bên đã ký kết Hiệp định Pa-ri về Chấm dứt Chiến tranh và Lập lại Hoà bình ở Nam Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973, tạo khả năng gìn giữ những gì đã tồn tại trước khi lính Mỹ rút. Trên thực tế, Mỹ và Taliban đã cố gắng trong tuyệt vọng trong 2 năm qua để có được một thảo thuận nào đó tạo điều kiện cho việc rút quân và gìn giữ thành quả đã đạt được ở Afghanistan. Mỹ rút quân “đơn phương” trong khi Taliban giành được quyền kiểm soát 80% lãnh thổ đất nước và đang ở thế mạnh hơn bao giờ hết kể từ năm 2001. Nếu Taliban trở lại nắm quyền thì những tiến bộ trong giáo dục, y tế, đặc biệt là trong việc trao quyền cho phụ nữ chắc chắn sẽ có nguy cơ bị đảo ngược. Ở những vùng do Taliban kiểm soát, phụ nữ không được phép đi học hay có vai trò chính trị nào.

Một điểm khác nhau nữa là Biden luôn hoài nghi về sự có mặt của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Ông đã từng là người duy nhất trong chính quyền khuyên Obama hạn chế vai trò của lính Mỹ vào hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan trong khi giới quân sự luôn thúc giục phải tăng quân để chống lại Taliban. Chính vì thế khi lên vị trí quyết định, ông đã sớm tuyên bố rút quân để có thể tập trung đối phó với các thách thức khác như COVID-19, khôi phục kinh tế Mỹ, nạn phân biệt chủng tộc và thúc đẩy hợp tác với các nước đồng minh.

Điểm khác nhau thứ ba là vai trò của nước Mỹ trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Vào những năm 1960-1970, Mỹ, nói nhẹ nhàng, đóng vai trò lãnh đạo thế giới hay, nói nặng, là sen đầm quốc tế trong khi ở thời điểm hiện tại Mỹ đang đứng trước nhiều thách thức trên nhiều lĩnh vực do đối thủ của mình hay do đồng minh của mình gây ra. Vai trò của Mỹ trên trường quốc tế đã giảm đến mức chưa từng thấy do sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành động của chính Mỹ dưới thời Trump.

3. Mười năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã viết cuốn “Nhìn lại - Bi kịch và bài học Việt Nam”, nêu lên những bài học Việt Nam cho nước Mỹ. Có rất nhiều bài học, nhưng có hai bài học nên được nhắc lại ở đây trong khuôn khổ bài báo này.

Bài học đầu tiên là “lực lượng quân sự chỉ có khả năng hạn chế trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng quốc gia”. “Lực lượng quân sự tự nó không thể hồi phục được “quốc gia thất bại”. Cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã có mục tiêu rõ ràng là chống khủng bố, nhưng mục tiêu này không còn rõ ràng vào những năm gần đây. Sau đó, lính Mỹ đã không còn được hoan nghênh nữa ở Afghanistan.

Bài học nữa là nước Mỹ “cần phải tránh cuộc chiến quân sự trên quy mô lớn, chỉ trừ khi an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa công khai và trực tiếp”. Trong suốt 46 năm qua, Mỹ đã không chú ý đến hai bài học này. Nhiều người cho rằng Mỹ vẫn tin rằng: “Lẽ phải nằm ở sức mạnh”. Đáng tiếc là điều này không đúng ở Việt Nam cách đây 46 năm và cũng không đúng trong cuộc chiến tranh Afghanistan và nhiều cuộc chiến khác Mỹ đang tham dự.

Vì lẽ đó, nhiều nhà quan sát và giới học giả cho rằng bài học lớn hơn cả có thể rút ra từ chiến tranh Việt Nam và nhiều cuộc chiến tranh sau đó là hành động xâm lược, vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ nhất định sẽ thất bại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn