MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, ngài Nursultan Nazarbayev chúc mừng các đảng viên đảng cầm quyền Nur Otan giành được chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử vào Hạ viện Quốc hội. Ảnh: ĐSQ Kazakhstan cung cấp

Tại Kazakhstan, Đảng cầm quyền “Ánh sáng Tổ quốc - Nur Otan” lại thắng cử

Huy Minh LDO | 17/01/2021 16:32

Tin từ ĐSQ Kazakhstan tại Việt Nam cho hay, chủ nhật tuần trước, cuộc bầu cử Quốc hội đã được tổ chức tại Kazakhstan. Năm đảng chính trị đã đấu tranh để giành các ghế tại hạ viện Quốc hội Kazakhstan.

Theo kết quả bầu cử vừa được công bố, Đảng cầm quyền Nur Otan (Ánh sáng Tổ quốc) đạt tỉ lệ cao nhất, với hơn 70% tổng số phiếu.

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội sẽ được công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến (khảo sát các ưu tiên của cử tri) cho thấy, Đảng cầm quyền Nur Otan nhận được số lượng lớn nhất các phiếu. Theo thông tin của Ủy ban bầu cử Trung ương Kazakhstan, Đảng cầm quyền Nur Otan đã giành được 76 ghế tại Hạ viện Quốc hội, Đảng Dân chủ Kazakhstan "Con đường sáng" và Đảng Nhân dân Kazakhstan (Những người Cộng sản) lần lượt được 12 và 10 ghế.

Hạ viện Kazakhstan bao gồm 107 ghế đại biểu, trong đó có 98 đại biểu được bầu trực tiếp qua danh sách chính đảng tranh cử và 9 đại biểu được Đại hội đồng các dân tộc Kazakhstan bổ nhiệm, đây là cơ quan tham mưu tư vấn trực thuộc Tổng thống Kazakhstan, có nhiệm vụ chính là thực hiện chính sách dân tộc của đất nước, tăng hiệu quả của hoạt động phối hợp của các cơ cấu, tổ chức nhà nước và dân sự trong quan hệ giữa các dân tộc.

Đảng Dân chủ Kazakhstan "Con đường sáng" và Đảng Nhân dân Kazakhstan (những người cộng sản) đã khẳng định được uy tín của mình, lần lượt nhận được khoảng 10 và 9% số phiếu bầu. Còn hai Đảng "Nông thôn" và "Công lý", một lần nữa đã không thể vượt qua rào cản 7% cần thiết để vào quốc hội. Điều đó có nghĩa là sẽ không có những thay đổi đáng kể trong việc phân bổ các ghế đại biểu. Cần kết luận rằng, tình hình chính trị ở Kazakhstan là ổn định.

Đây là một tin vui, vì Kazakhstan là quốc gia thân thiện với Việt Nam. Ở hai nước chúng ta có quan hệ tuyệt vời giữa các đảng cầm quyền, cũng như ở cấp quốc hội. Giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nur Otan” đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Và cuộc bỏ phiếu một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín cao của Đảng “Nur Otan” trong xã hội Kazakhstan. Đây chủ yếu là do người đứng đầu Đảng là Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, cái tên gắn liền với những thành tựu và kết quả của đất nước trong 30 năm độc lập. Nhân dân Kazakhstan tiếp tục tin tưởng ông và người học trò của ông Kassym - Zhomart Tokayev, người mà năm 2019 đã trở thành Tổng thống thứ hai của Kazakhstan. Cả hai nhà lãnh đạo này xứng đáng được coi không chỉ là những nhà cải cách nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn về cơ bản là những người theo chủ nghĩa xã hội, xây dựng kế hoạch đầu tiên nâng cao phúc lợi của người dân, phát triển lĩnh vực xã hội và đấu tranh với nạn thất nghiệp.

Ngày 15.1.2021, Tổng thống Kassym - Jomart Tokayev sẽ có bài phát biểu quan trọng trước quốc hội mới, trong đó ông sẽ đề xuất chương trình cải cách hơn nữa ở Kazakhstan.

Theo bảng xếp hạng thế giới, Kazakhstan là một trong số những nước có mức phát triển con người cao (HDI), năm 2019 Kazakhstan đứng thứ 50 trên thế giới. Trong không gian hậu Xô Viết, Kazakhstan được coi là một ví dụ thành công nhất của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang cơ chế thị trường. Đất nước đã có thể bắt đầu đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Sự phát triển năng động nền kinh tế được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực - với số tiền khoảng 330 tỉ USD. Nếu chúng ta lưu ý đến dân số của Kazakhstan là 18 triệu rưỡi người, thì đây là chỉ số đầu tư rất cao tính trên đầu người.

Kể từ khi giành được độc lập, Kazakhstan đã theo đuổi đường lối đối ngoại hòa bình và đa phương hóa, trước hết là phục vụ lợi ích phát triển nội bộ và nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này Kazakhstan giống Việt Nam. Trong chính sách đối ngoại của Kazakhstan năm 2020-2030 đã nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của nền ngoại giao khu vực và đa phương là tăng cường các mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và mở rộng quan hệ với ASEAN.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có thể thiết lập với quốc gia hàng đầu Trung Á quan hệ đối thoại chính trị mang tính xây dựng và hữu ích, quan hệ tương tác hiệu quả trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam hợp tác cùng có lợi với Kazakhstan trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Ngày nay, quan hệ Kazakhstan - Việt Nam có thể được gọi là thực sự hữu nghị và thậm chí mang tình huynh đệ. Xét cho cùng, các mối quan hệ này đã được thiết lập ngay cả trong những năm tồn tại của Liên Xô, đã từng giúp đỡ nhân dân Việt Nam trên tinh thần anh em.

Theo ĐSQ Kazakhstan tại Việt Nam, có tất cả các cơ sở để tin rằng, hai quốc gia hữu nghị chúng ta có nhiều điều để chia sẻ với nhau về tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển hơn nữa và có khả năng mở ra các phương thức hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Kazakhstan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn