MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam

KHÁNH MINH trích dịch LDO | 06/08/2016 13:28
Nguyên bản tác phẩm có tên "Vietnam's New Middle Classes - Gender, Career, City", chúng tôi tạm dịch là "Tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam".

Tác giả cuốn sách là nhà nghiên cứu người Úc, Catherin Earl, vừa được Nipas press xuất bản năm 2014 in tại Đan Mạch (Tổ chức này có tên Nordic Institut of Asian Studies). Cuốn sách gồm 8 chương, với tư liệu tham khảo khá phong phú.

Nữ tiến sĩ Catherin Earl đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội của Việt Nam đương đại. Hiện C.Earl đang giảng dạy tại trường Đại học Victoria và trường Đại học Monash (Úc)... Đây là tác phẩm đầu tay của C.Earl, trước đó chỉ có những bài nghiên cứu in trong các tập sách, các kỷ yếu khoa học.

Như C.Earl viết: "... Các phiên bản trước đó của một số phần trong chương 1, 2, 4, 5 và 7 đã xuất hiện ở "Chủ nghĩa thế giới hay sự bất nhất về văn hóa? Sự va chạm với những tầng lớp khác của giới trung lưu" - Marika Vicziany và Robert Cribb, Kỷ yếu Hội nghị lần thứ 17 của Hiệp hội nghiên cứu Châu Á của Australia: Đây có phải là thế kỷ Châu Á? Melbourne: Viện Châu Á Monash, ĐH Monash, 2008, trang 1 - 15; "Sự chuyển động thời hậu chiến: Giới tính, Đói nghèo và Cơ hội trong làn sóng di dân đô thị ồ ạt thứ 3 của Việt Nam", "Trẻ em trong chiến tranh: Tạp chí quốc tế nghiên cứu trẻ tản cư và thời chiến, tập 1, quyển 10, tháng 5.2013, trang 71-76; và "Các không gian công cộng không chính thống: Khoảng cách xã hội và sự gần gũi ở TPHCM thời hậu cải cách, Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, số 1, tháng 2.2010, trang 86 - 124".

Trong cuốn sách này, bà còn tham chiếu tầng lớp trung lưu mới ở một số nước Châu Á. Và dù C. Earl chủ yếu nghiên cứu là Việt Nam nhưng có thể do điều kiện, C.Earl đặt trọng tâm của mình vào TPHCM. Điều đó cũng có phần thông cảm được, vì C.Earl ở đây là chính, và vì TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. C.Earl viết trong lời cảm ơn ở đầu cuốn sách: "Nghiên cứu này bắt đầu như dự án tiến sĩ tại Đại học Victoria, Australia. Nghiên cứu thực địa được tài trợ bởi Khoa Nghiên cứu Châu Á - Quốc tế, Quỹ Du lịch Secomb, Đại học Victoria, và Đại học Phụ nữ E.M.Hinder Bursary nghiên cứu Đông Nam Á của Liên bang Australia. Ở TPHCM, nghiên cứu của tôi ban đầu được bảo trợ bởi Khoa nghiên cứu phương Đông và sau này là Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Việt Nam. Viện Nghiên cứu Châu Á Bắc Âu đã giúp tôi trong quá trình chuẩn bị bản thảo".

LĐCT xin lược dịch một vài trang trong chương 3 của cuốn sách này. Hy vọng cuốn sách của C.Earl sẽ sớm được dịch sang tiếng Việt, để bạn đọc người Việ hiểu thêm một cách nhìn khác của người nước ngoài về Việt Nam.

“...Tầng lớp trung lưu mới của Việt Nam đã dựa vào sự phát triển do nhà nước lãnh đạo và nền giáo dục công để theo đuổi khát vọng tiến đến sự linh hoạt của xã hội. Họ vẫn duy trì sự ủng hộ với nhà nước miễn là lợi ích của họ được đảm bảo. Ở những thành phố lớn của Việt Nam, ngày càng có dấu hiệu cho thấy các tầng lớp trung lưu đang không ngừng phát triển, vượt qua sự kiểm soát của nhà nước (King, Nguyen và Nguyen 2008, trang 794). Sự từ chối làm việc trong các khu vực nhà nước và thụ hưởng giáo dục công có thể được xem như một thách thức với nhà nước trong hình thức cấu trúc chống lại đảm bảo sự lệ thuộc. Trong khi điều này không dẫn đến một sự thay đổi chính trị với Nhà nước Việt Nam trong ngắn hạn, vì sự tham gia vào các thể chế dân chủ và chính trị thấp hơn đáng kể so với các nước ASEAN khác (Douglas, 2008, trang 314-17), nhưng nó có thể thiết lập tiêu chuẩn để những người khác noi theo.

Tầng lớp trung lưu có thể trở thành xu hướng để người khác noi theo và bắt chước, như David Goodman (1996) đã chỉ ra những điểm liên quan đến phong cách sống, và Michael Waibel (2009) gợi ý những điều liên quan đến thực tiễn cuộc sống bền vững ở TPHCM.

...Một điểm mà nhà nước Việt Nam nhấn mạnh là giáo dục có thể là một bước đi hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Giáo dục là yếu tố dự báo quan trọng nhất về sự thành công của những người di cư từ nông thôn ra thành thị ở những khu siêu đô thị của thế giới đang phát triển (Koo 1978, trang 297). Các tầng lớp trung lưu mới thế hệ thứ nhất xuất thân từ nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau, nhưng đều được hưởng một nền giáo dục đồng nhất (Hattori, Funatsu và Torii 2003, trang 138). Giáo dục cho phép các cá nhân thuộc mọi thành phần của xã hội tiến lên. Ở Trung Quốc, việc mở rộng giáo dục đại học cho phép tầng lớp trung lưu đến từ mọi gia đình hoặc cộng đồng (Lin và Sun 2010, trang 217). Ở Manila, Kuala Lumpur, Jakarta và Bangkok, sự tích lũy vốn văn hóa được hình thành từ giáo dục...

Cũng ở Việt Nam, giáo dục là con đường quan trọng để có được cuộc sống tốt hơn (Bélanger và Pendakis 2009, trang 280). Chỉ giáo dục không sẽ không đủ để đạt được một vị trí trong tầng lớp mới. Trong khi giáo dục tạo khả năng thoát nghèo, thì kết quả thực sự của giáo dục lại không giống nhau đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân khác nhau vào học với những điểm khởi đầu khác nhau, và bằng cấp của các trường khác nhau cũng có giá trị khác nhau. Hơn nữa, việc được tiếp cận rộng hơn với giáo dục làm giảm giá trị của bằng cấp và làm tăng yêu cầu đầu vào tối thiểu.

Chẳng hạn, ở đô thị Trung Quốc, cao học trở thành điều kiện tối thiểu với người lao động, bởi gần như hầu hết quan chức chính phủ và các chuyên gia đều tốt nghiệp đại học (Lin và Sun 2010, trang 219). Alvin So (2006, trang 30 - 31) dự đoán rằng các tầng lớp trung lưu thế hệ thứ hai ở Đông Nam Á sẽ tương đối khó khăn ở thị trường lao động vì các giá trị xói mòn của bằng cấp, khiến tình trạng của họ càng trở nên “bấp bênh” và “không an toàn” so với cha mẹ họ....”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn