MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Nùng ở xã Pố Lồ thu hái lúa trên ruộng bậc thang.

Tây Côn Lĩnh mùa gọi lúa về nhà

Bài và ảnh Trịnh Thông Thiện LDO | 18/10/2021 08:32
Di tích quốc gia ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) nằm trọn trên dãy núi Tây Côn Lĩnh vào tháng 9 đến tháng 10 trải dài một màu làng ươm mùa lúa chín. Với người Dao, H’Mông, Tày, La Chí nơi đây, mùa gặt cũng có nghĩa là mùa đi gọi những hạt lúa về nhà, để cuộc sống được ấm no.

Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Ở Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang đã có lịch sử hình thành từ 3 - 4 thế kỷ trước trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì là Di tích Quốc gia.

Cảnh sắc kỳ vĩ cùng từng bậc, từng bậc ruộng bậc thang nối nhau, uốn lượn, trải dài bao bọc khắp lưng núi, sườn đồi đã tạo nên những cung đường mềm mại, hút mắt tại Hoàng Su Phì. Vào mùa lúa chín, màu vàng óng bao phủ khắp núi đồi, cả khoảng không gian rộng lớn như khoác lên mình chiếc áo mới.
 
Sau khi gặt lúa, bà con ở Hoàng Su Phì thường đập, phơi, đóng bao tại ruộng rồi mới chở về nhà.

Công việc khai khẩn ruộng bậc thang và canh tác ở dãy núi Tây Côn Lĩnh được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng “treo” trên các sườn núi.

Những gia đình người Dao ở xã Hồ Thầu sau khi thu hái lúa xong thường cài những bông lúa lên cành tre dựng trước nhà báo hiệu cho dân bản biết sẽ làm lễ cúng hồn lúa.
 
Bắt đầu Nghi lễ cúng hồn lúa là thầy cúng mang bó lúa cho chủ nhà, nói lời chúc tụng, chúc gia đình năm nay được mùa, nhiều thóc gạo...
 
Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ cúng hồn lúa tại nhà ông Triệu Chòi Hín ở xã Hồ Thầu.

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người trên dãy núi Tây Côn Lĩnh. Bà con quan niệm vạn vật hữu linh nên những thửa ruộng bậc thang, công cụ lao động và thóc lúa đều được phong thần như: Thần ruộng, thần lúa, thần sấm, thần mó nước...

Cộng đồng người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì còn tồn tại một lễ hội khá kỳ lạ là Lễ cúng hồn lúa. Người Dao đỏ quan niệm rằng cây lúa trên ruộng bậc thang cũng có phần hồn và phần xác như con người. Thầy mo Triệu Chòi Hín, người chủ tế trong Lễ cúng hồn lúa ở xã Hồ Thầu cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang thì vẫn còn những hạt lúa bị rụng, rơi vãi trong quá trình vận chuyển về nhà. Người Dao mình phải làm lễ để gọi hồn những hạt lúa đó về, để mùa sau không bị mất mùa, thóc lúa theo nhau về nhà nhiều hơn”.

Người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì quan niệm rằng, sau lễ cúng, hồn một hạt lúa đi sẽ gọi 1.000 hạt lúa về để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc... cho con người ăn quanh năm không hết.
 
Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ xen kẽ với bản làng người Dao ở xã Bản Luốc vào mùa lúa chín.

Cùng với nghi lễ gọi hồn lúa thì trên những thửa ruộng bậc thang, từng bó lúa vẫn theo tay những người dân cần cù nơi đây gặt hái theo phương pháp cổ truyền vận chuyển về nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn