MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phục dựng lại khung cảnh Tết xưa (ảnh chụp được sự đồng ý của gia đình). Ảnh: Hải Nguyễn

Tết Nguyên đán và bản sắc văn hóa của người Việt

TS. Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 28/01/2024 15:00

Theo phong tục truyền thống, Tết Nguyên đán là Tết mở đầu năm mới, là một lễ hội cổ truyền mang tính trọng thể của người Việt Nam trên dải đất hình chữ S. Do đó, Tết Nguyên đán biểu thị tập trung nhất những gì được coi là bản sắc văn hóa của người Việt.

Gắn với xã hội nông nghiệp

“Nguyên” là bắt đầu, “đán” là buổi sớm mai. Nguyên Đán là khởi đầu một năm mới, "thời kỳ rạng đông bắt đầu", là ngày bắt đầu của năm vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Theo nghĩa ấy, Tết Nguyên đán là một lễ quan trọng và là dịp con người kỷ niệm thời điểm lập lại chu kỳ thời tiết của cả một năm: hết một vòng bốn mùa, bắt đầu của vòng mới, tức là năm mới.

Đối với người Việt làm nghề nông, vũ trụ vận hành qua sự luân chuyển của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, có ý nghĩa quan trọng trong cả đời sống của cá nhân cũng như của cộng đồng. Sự vận hành ấy theo một chu trình khép kín tạo thành một năm Âm lịch. Vì vậy hàng năm, người Việt có rất nhiều lễ tiết, tức những nghi lễ tiến hành vào những điểm mốc đánh dấu sự luân chuyển của thời tiết trong năm.

Sau này, người Việt thường đọc lễ tiết thành lễ Tết (Tết là biến âm của từ tiết): Tết Thượng nguyên vào ngày 15 tháng 1; Tết Trung nguyên vào ngày 15 tháng 7; Tết Hạ nguyên vào ngày 15 tháng 10; Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8; Tết Thanh minh vào đầu tháng ba; Tết Hàn thực vào ngày 3 tháng 3; Tết Đoan ngọ vào ngày 5 tháng 5... Quan trọng nhất trong các lễ Tết ấy là Tết Nguyên đán, Tết mở đầu năm mới, nên còn gọi là Tết Cả, cũng mang nghĩa Tết đứng đầu các Tết trong năm.

Tuy nhiên, hai từ này lại không đồng nhất, bởi vì từ "Tết” bao hàm ý nghĩa văn hóa - xã hội rộng lớn hơn: Nói đến những khuôn mẫu ứng xử của con người với một đối tượng tự nhiên đặc biệt là thời tiết, khí hậu. Nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Văn Chúc nhận định rằng: Tết vừa là một lễ, qua đó con người bày tỏ lòng thành kính của mình với tự nhiên, cũng là dịp kỷ niệm để loan báo, đánh dấu sự chuyển dịch mang tính chu kỳ của thời tiết, khí hậu trong năm.

Tết Năm mới mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của từng cá nhân và cả cộng đồng dân tộc. Nó diễn ra chỉ một lần trong năm vào đúng thời điểm trọng đại nhất, tiêu biểu nhất của một chu trình vũ trụ xoay vần là một năm, vừa là điểm kết thúc năm cũ, vừa là điểm mở đầu năm mới và kéo dài trong vòng 12 tháng với 365 ngày.

Ý nghĩa biểu tượng của Tết Nguyên đán

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là Tết quan trọng nhất. Điều này thể hiện ở chỗ: Một mặt, bất kể người giàu hay người nghèo, mọi tầng lớp của xã hội tương ứng với hoàn cảnh kinh tế của mình đều phải đón Tết sao cho long trọng nhất. Ca dao tục ngữ của người Việt có nhiều câu khắc họa vai trò quan trọng của Tết: “Đói muốn chết, ba ngày Tết cũng no”. Mặt khác, Tết Nguyên đán mang đến cho tất cả mọi người một sức mạnh tinh thần không gì có thể thay thế được: đó là sự háo hức đón chờ, sự hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn ở năm mới. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán quan trọng đến nỗi trong ngôn ngữ thông thường, Tết đồng nghĩa với Tết Nguyên đán, ví dụ: "Sắp đến Tết rồi", "Tết này anh có về quê không?", "Đón tết sang năm nhé"...

Sở dĩ Tết Nguyên đán có ý nghĩa quan trọng như vậy là vì: Bên cạnh cái linh thiêng, thần bí thể hiện ở các nghi thức cúng lễ, cầu xin, các điều kiêng kỵ cũng như những niềm tin trong mỗi con người, Tết Nguyên đán còn có tính cứu cánh trần tục của nó. Tết là dịp để mọi người củng cố, phát triển quan hệ xã hội của mình kể cả việc “hàn gắn những rạn nứt" do những va chạm trong đời sống thường ngày. Thậm chí, cả những hận thù cũng được lắng dịu, có khi còn được xóa bỏ: “Giận gần chết, ngày Tết cũng thôi”. Như thế, Tết có tác dụng cùng cố, gia tăng tính thân thiện của con người trong gia đình, họ hàng, trong cộng đồng, trong cơ quan, xí nghiệp... với nhau. Điều này các nhà nghiên cứu gọi là "lực cố kết xã hội".

Tết còn là dịp để con người tái xác lập quan hệ của mình với tổ tiên, với thần linh. Người Việt xưa và nay vẫn tin rằng: Ngoài thế giới trần tục này, còn có một thế giới khác của linh hồn, thần linh. Người Việt thường nói: "Dương sao, âm vậy". Vì thế, người Việt ứng xử với tổ tiên, thần linh... theo chính những quy tắc ứng xử của xã hội.

Mặt khác, việc cúng lễ tổ tiên, thần linh trong dịp Tết không chỉ là sự cảm ơn tổ tiên, thần linh về những gì đã đạt được trong năm cũ, hay cầu xin sự phù hộ trong năm mới, mà còn là dịp để nhắc nhở con cháu một nguyên tắc sống, một truyền thống hiếu đạo của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn".

Tết Nguyên đán là ngày hội ở gia đình. Dù đi đâu, ở đâu, thì đến Tết mọi người Việt Nam đều muốn quay trở về ngồi nhà ở quê hương mình, nơi có bố mẹ và bàn thờ tổ tiên để đón Tết. Hơn ai hết, những người vì điều kiện không thể nào về quê đón Tết được sẽ cảm nhận được nỗi buồn của kẻ tha hương. Đối với họ, Tết là hình ảnh cụ thể, sinh động về gia đình, về quê hương, dòng họ: “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”.

Trong vòng một năm, con người Việt Nam luôn luôn phải ứng xử với tự nhiên và xã hội theo nhiều phương diện khác nhau. Có thể nói Tết Năm mới là sự tổng hòa của mọi mối quan hệ ứng xử của con người Việt Nam với tổ tiên và thế giới tâm linh. Vì vậy, Tết Năm mới đã tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng từ gia đình, dòng họ, phe giáp đến làng - nước. Đó chính là một đặc trưng cơ bản nhất của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền ở nước ta từ ngàn xưa đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn