MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi cánh trà là sự chắt chiu của người làm trà với bao mồ hôi, nước mắt. Ảnh: Hải An

Tết nhớ chén trà

kiều vũ LDO | 11/02/2024 22:00

Tôi gặp người đàn ông ấy trong một cơ sở sản xuất trà trên đất khách. Ông khoảng trên 70 tuổi, dáng người nhỏ bé, nét khắc khổ hiện lên trên khuôn mặt. Thấy xe của đoàn Việt Nam đến, ông ra tận cửa xe đón, cúi chào từng người.

Ông cũng là người giới thiệu về quy trình trồng, thu hoạch, chế biến trà. Ông nâng niu 3 cọng nhỏ như đầu tăm, có màu trắng mốc, nhẹ nhàng đặt vào chén, đổ nước sôi vào. 3 cọng nhỏ khẽ động đậy rồi từ từ xoè rộng. Hình hài chiếc lá dần rõ nét. Nước trong chén cũng chuyển từ màu trong sang xanh. Mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra.

Ông nói để có được trà thành phẩm người làm trà vất vả lắm. Những luống trà được trồng ở trang trại trên vùng cao. Người làm trà ăn, ở luôn trên đó, gần như không xuống thành phố. Sâu trên cây trà là nỗi ám ảnh. Sâu cuốn lá non, sâu cuốn búp, rệp muội, sâu chùm, bọ nẹt... đủ cả nhưng người làm trà không được phép dùng thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng trà.

Sau phần giới thiệu về các loại trà, trong lúc các thành viên trong đoàn chọn mua trà, tôi tranh thủ hỏi ông sao có thể nói tiếng Việt giỏi thế. Ánh mắt ông thoáng buồn. Ông kể quê ông là đất trà Thái Nguyên ở Việt Nam. Vì hoàn cảnh, ông sang đây làm việc, rồi bén duyên với người phụ nữ địa phương để nên vợ nên chồng. Khi các con lớn, lập gia đình riêng, ông quyết định thuyết phục vợ chuyển về vùng quê này sống để được làm trà - dù chỉ là làm thuê.

Thưởng trà với mía và cốm. Ảnh: Hải An

Ông bảo mỗi sáng tinh mơ, thức dậy, điều ông mong muốn đầu tiên là được hít căng lồng ngực mùi thơm của trà. Mùi thơm ấy làm ông vừa thấy nhớ lại vừa vợi nỗi nhớ quê nhà. Ông bảo nhớ lắm mỗi chiều 30 Tết, bố ông dâng lên ban thờ tổ tiên ấm trà được hãm trước đó mươi phút. Lá trà được chọn lọc, sấy thủ công riêng. Nước pha trà là nước giếng đào. Năm nào trước Tết đôi ba ngày có mưa, bố ông cũng mang chậu ra hứng nước rồi tích lại để đến 30 Tết đun, pha trà.

Bao nhiêu năm ở xứ người, rất ít có điều kiện về quê, nhưng ông vẫn dành những búp trà đẹp nhất, sấy bé xíu bằng đầu tăm để pha nước cúng bố mẹ vào ngày Tết Việt Nam, dù giờ có rất nhiều loại trà được sấy cuốn thành hình tròn. Chỉ khác, trà ông làm bây giờ được sấy bằng máy hiện đại, hương cũng đậm hơn...

Nhìn những chén trà có màu nước khác nhau, tôi nhớ ba. Ba tôi nghiện trà nặng. Lúc tôi còn bé, ba thường xuyên đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ba mang về nhà một bộ ấm chén bé xíu có viền vàng. Chỉ dịp giỗ ông bà và Tết ba mới mang ra pha trà dâng cúng. Sau này đi làm, tôi mua biếu ba bộ ấm chén màu đất, đổ nước nóng đến đâu, hình rồng bay hiện lên bên ngoài chén đến đó...

Thời bao cấp, xếp hàng mua túi hàng Tết về, bao giờ ba cũng lấy phần trà được gói trong gói giấy hình hộp chữ nhật, chia làm hai. Một nửa cho vào hộp thiếc để lên ban thờ để pha nước cúng ba ngày Tết. Nửa còn lại gói kín trong giấy để pha nước tiếp khách. Sau mâm cơm cúng tất niên, bao giờ ba cũng cúng đĩa đồ ngọt gồm mứt gừng, mứt cà rốt và ấm trà. Từ ngày mùng Một Tết đến hết mùng Ba Tết, đều đặn ngày ba cữ ba pha trà dâng lên ban thờ.

Người Việt thưởng trà chú trọng đến hương và vị. Ảnh: Hải An

Đi làm rồi, Tết năm nào tôi cũng nhờ mua bằng được loại trà pha ra nước màu xanh trong, mùi thơm lan theo khói của nước nóng để ba cúng ông bà và pha uống. Còn ngày thường ba uống trà Thái Nguyên. Thời gian đầu chuyển về nhà mới, thợ và nhân viên làm nhiệm vụ khắc phục các vấn đề của tòa nhà mới đưa vào vận hành ngày nào cũng ghé qua căn hộ nhà tôi. Hỏi thì họ bảo: Lần trước, đến chỉnh lại quạt thông gió, ông nhà chị pha cho ấm trà, uống ngon quá nên ngày nào đi làm bọn em cũng ghé qua xin ông chén trà.

Ba nghiện trà nên thỉnh thoảng tôi đưa ba đi thưởng thức trà đạo. Lần đầu tiên đi trà đạo, ba giải thích cho tôi thế nào là chén tống, chén quân và cách dùng hai loại chén. Cách ba nói như kể câu chuyện, lôi cuốn đến mức nhân viên quán trà đạo đứng nghe quên cả rót nước... Ba kết thúc bằng câu nói mà đến giờ tôi vẫn nhớ: Mỗi cánh trà là sự chắt chiu của người làm trà với bao mồ hôi, nước mắt nên uống hay không uống thì vẫn phải trân trọng, đừng bỏ phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn