MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn chiếc rễ gừa bám chặt vào lòng đất tạo nên thành lũy kiên cố vững chắc trải trên diện tích khoảng 4.000 m2. Ảnh: Diệu Mi

Thăm cây di sản hàng nghìn rễ ở Cần Thơ

DIỆU MI LDO | 30/04/2023 06:18
Di tích lịch sử Giàn Gừa ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ là điểm đến hấp dẫn trong dịp lễ 30.4. Đến đây, du khách có thể hoà mình vào không gian xanh mát, tìm hiểu lịch sử dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông.

Trăm năm huyền thoại

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 12 km, Giàn Gừa là một trong những điểm đến ấn tượng của du khách trong và ngoài nước. Không ai rõ Giàn Gừa có từ khi nào, người địa phương chỉ biết khi lớn lên đã thấy cây mọc chằng chịt trên khoảng đất rộng hàng nghìn mét vuông.

Lần đầu đến đây, du khách không khỏi choáng ngợp bởi không gian như một mê cung. Hàng nghìn chiếc rễ gừa to nhỏ đan xen, chồng chéo, bện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ từ mặt đất đến giữa không trung. Trên bầu trời, vòm lá gừa xanh mướt chi chít, loáng thoáng tiếng ríu rít của chim chóc. Ngoài trời nắng nóng, đặt chân vào bóng mát của Giàn Gừa, du khách nhận thấy ngay không khí trong lành của thiên nhiên, bỗng chốc quên đi mệt nhọc, chỉ còn cảm giác yên bình. 

Giàn Gừa hình thành cách nay hơn 150 năm, gắn bó với người dân ấp Nhơn Khánh qua nhiều thế hệ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, do địa hình hiểm yếu, vị trí giáp nhiều kênh rạch chằng chịt, xung quanh toàn lau sậy, Giàn Gừa là địa điểm hoạt động cách mạng an toàn của cán bộ địa phương.

Đường vào Khu di tích lịch sử Giàn Gừa rợp bóng cây xanh. Ảnh: Diệu Mi

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, lực lượng Thành đội Cần Thơ chọn nơi này là căn cứ cất giấu vũ khí, đạn dược. Theo con rạch Bà Thợ, bộ đội chuyển vũ khí từ Giàn Gừa ra vàm Rạch Sung, vàm Bà Hiệp đến sông Cần Thơ để tấn công vào cơ quan đầu não của địch. 

Đây còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp quan trọng góp phần làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Với những giá trị lịch sử đó, UBND TP Cần Thơ xếp hạng Giàn Gừa là Di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2013. Đây cũng là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận.

Một di tích ấn tượng

Một ngày cuối tháng 3, Lương Anh Thư (phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cùng bạn bè tổ chức hành trình về nguồn tại các điểm di tích văn hoá, lịch sử trên địa bàn thành phố. Anh Thư cho biết, cùng với Bảo tàng Quân khu 9, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa vẫn còn nguyên giá trị với không gian lịch sử sống động, thực tế, được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận. 

Nữ du khách khâm phục thế hệ trước vì sự anh dũng, không ngại gian khó cho độc lập dân tộc: “Mình rất bất ngờ vì ở Cần Thơ có một địa điểm độc đáo đến như vậy. Thông qua chuyến đi, chúng mình được giao lưu, học hỏi, bổ sung thêm kiến thức mới về quá trình hình thành và dựng xây đất nước, bồi đắp tinh thần uống nước nhớ nguồn với các bậc tiền nhân”.

Lương Anh Thư cùng bạn chụp ảnh trong hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử Giàn Gừa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn với Duy Ân, (25 tuổi, Hậu Giang) xem đây là một di tích ấn tượng nhất từng ghé thăm: “Điểm thú vị là cây gừa ở đây mọc thành giàn, rễ của nó kéo dài thành một khu vực rộng lớn. Mọi góc trong khuôn viên di tích lên hình như một bộ phim vậy”.

Ân cho biết thêm, đến đây vào thời gian nào trong ngày du khách cũng sẽ cảm nhận được không khí thoải mái. Nơi này không quá rộng nhưng đủ làm một điểm dừng chân lí tưởng, tạm tránh cái nóng oi bức của mùa hè. 

Để đến Khu di tích lịch sử Giàn Gừa, du khách có thể di chuyển theo hướng quốc lộ 61C, từ Cần Thơ về Hậu Giang, đến cầu Ba Láng chạy thêm 2 km nữa sẽ thấy cổng vào khu di tích ở phía tay trái. Nơi này không thu phí tham quan, đường đi rộng rãi, thuận tiện di chuyển bằng xe ôtô và xe nhỏ.

Bên trong khuôn viên di tích còn có miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ, một điểm đến tâm linh của người địa phương. Hàng năm vào ngày 28 tháng 2 Âm lịch, hàng nghìn người Cần Thơ và người từ những địa phương lân cận tụ hội về đây vía bà, cầu bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn