MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những tờ báo gắn với giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tháng Tám lần giở từng trang sử vàng son

thúy huyền LDO | 19/08/2023 07:42

Giữa những ngày Hà Nội chớm vào thu, một căn phòng nép trong tòa nhà hơn 100 tuổi trên đường Trần Quang Khải (Hà Nội) lại trở thành một điểm hẹn của người yêu sử, khách du lịch từ thập phương tìm về để tìm hiểu những câu chuyện hào hùng của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bảo tàng mang tên Cách mạng

Không phải ai cũng biết tòa nhà số 216 đường Trần Quang Khải, nay là một phần của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từng mang tên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tòa nhà xây dựng năm 1917 vốn là trụ sở của Sở Thương chính Đông Dương, đến năm 1959 được cải tạo trở thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và mở cửa đón khách.

Đây là nơi du khách có thể ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật quý về lịch sử Việt Nam theo tiến trình từ giữa thế kỷ 19 đến nay. Từ quầy bán vé, du khách bước lên chiếc cầu thang gỗ nâu trầm hằn dấu thời gian dẫn đến tầng hai để bắt đầu chuyến ngược dòng lịch sử xuyên suốt cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Đề án Nghị quyết của Đại hội Quốc dân về Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước ngày 17.8.1945.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ bộ sưu tập hơn 1.800 hiện vật phong phú, phản ánh đa dạng góc nhìn về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó tuyển chọn trưng bày khoảng 270 hiện vật và 61 hình ảnh. Hàng trăm hiện vật gồm từ truyền đơn, báo chí cho đến văn bản tài liệu phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, vũ khí và các phương tiện nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền, hay hiện vật nhân dân nuôi giấu, bảo vệ cách mạng...

Nghe hiện vật kể chuyện

Bước vào phòng trưng bày, du khách lần lượt quan sát những góc hiện vật, thông tin, hình ảnh để từng trang sử, câu chuyện về những mốc son trong lịch sử cứ thế dần dần được gợi mở. Phòng trưng bày hàng chục đầu báo Cờ Giải Phóng, Sự thật, Tiên phong, Cởi Ách, Cứu Quốc, Việt Nam Độc Lập, Giải phóng, Búa liềm, Hồn Việt Nam, Chiến Đấu, Tiếng Súng Khởi Nghĩa, Bắc Sơn... Trong đó, đầy đủ nhất có đến 127 số báo Việt Nam Độc Lập được lưu trữ.

Hầu hết những tờ báo được xuất bản bí mật trong giai đoạn 1925 - 1945 bằng những công cụ in ấn thô sơ như phiến đá in báo Việt Nam Độc Lập ở Cao Bằng, lư đựng mực in báo, con dấu gỗ dùng đóng trên Báo Việt Nam Độc Lập từ 1941 đến 1945...

Truyền đơn của Đội tuyên truyền, Việt Nam Giải phóng quân kêu gọi binh sĩ quay súng chống phát xít Nhật năm 1945.

Những tờ báo nhuốm màu thời gian vẫn vẹn nguyên nét mực in, khí thế hào hùng của báo chí cách mạng tiêu biểu mà du khách có thể đọc bản gốc như Báo Le Travail, tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ 4 hàng tuần bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 6, ngày 21.10.1936; Báo Lao Động, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, số 20, ra ngày 14.7.1939...

Một trong những góc trưng bày ấn tượng nhất là những tờ truyền đơn cách mạng. Từng câu ngắn gọn, súc tích như mệnh lệnh, khẩu hiệu mà ngôn từ giản dị, chỉ cần đọc thầm vẫn trào lên sức mạnh truyền cảm lớn lao trong lòng thế hệ sau. Từng câu như khắc họa khí thế đấu tranh, lòng yêu nước cháy bỏng của ông cha ta trong những năm tháng gian khổ cực cùng.

“Hỡi đồng bào! Giặc Nhật lại thu thóc, rút gạo bông. Chúng muốn dân ta chết đói hết.
Bảo nhau giữ lấy thóc ăn, đừng nộp cho giặc.
Biểu tình đòi bán gạo bông như cũ.
Kéo nhau lên phủ, huyện, tỉnh đòi phát gạo.
Đánh chẹn xe lương, phá kho thóc gạo của giặc Nhật mà ăn.
Tiến lên! Tống cổ giặc Nhật mới hòng sống no đủ”.

Trích truyền đơn Việt Minh kêu gọi đồng bào không nộp thóc, đánh chặn xe l­ương, phá kho thóc của Nhật năm 1945.

Đặc biệt, công chúng còn có thể xem những hiện vật quý, văn bản gốc gắn với Cách mạng tháng Tám chỉ có tại bảo tàng như Nghị quyết Ðại hội Quốc dân Tân Trào, tháng 8.1945, Quân lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc hay con dấu của Tổng Bộ Việt Minh năm 1944 - 1945.

Hiện vật gắn với Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ở một góc khác là những vũ khí thô sơ tự chế tạo, hay những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày biến thành vũ khí đồng hành cùng nhân dân Việt Nam khi tham gia giành chính quyền năm 1945, từ gậy tầm vông của người dân ấp Mỹ Tho, xã Mỹ Đức, Châu Đốc, An Giang, dao trường của nhân dân xã Xuân Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định dùng tham gia giành chính quyền ở huyện Giao Thủy và đánh chiếm đồn Lạc Quần; cho đến súng kíp của lực lượng Việt Minh ở xã Nhữ Hán, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ sử dụng khi tham gia giành chính quyền năm 1945...

Chiếc túi bà Lương Thị Khánh dùng mang cơm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếc ấm bà Hoàng Thị Dậu dùng để sắc thuốc khi Người bị ốm ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang năm 1945.

Mỗi hiện vật ấy dường như im lìm phía sau ô tủ kính không hề bị đóng khung ở một khoảng thời gian nào, một không gian nào mà vẫn tiếp tục sống một cuộc đời mới. Trong cuộc đời ấy, mỗi hiện vật còn kể tiếp câu chuyện cho bao thế hệ mai sau về những ngày vàng son của cuộc Cách mạng mùa thu năm 1945.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn