MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Người đàn bà hát” không khuyên người trẻ đi học theo kiểu vỗ ngực dạy đời, mà bằng chính những trải nghiệm, trả giá và sự khiêm nhường (ẩn sau vẻ kiêu hãnh ở chị): “Nếu ngưng học, có khi tôi cũng nghĩ mình là ai đó ghê gớm lắm...”

Thanh Lam và “bài ca đi học”

thủy nguyên LDO | 29/10/2017 08:30
Thêm lần nữa, Thanh Lam lại bị dính “vạ miệng” vì phát ngôn (không phải lần đầu) về chuyện “đi học”, trong một cái nghề mà có không ít người nổi tiếng không bằng cách “cắp cặp”, và vô số những ảo tưởng. Một “tai nạn truyền thông”, nhưng cũng phần nào nói lên cái đau đáu của một nghệ sĩ nhiều năm đứng trên đỉnh vinh quang, trước bức tranh nhạc Việt vàng thau lẫn lộn...

Từ bản năng tới tài năng

Làng báo văn nghệ, nếu ai có dịp tiếp xúc nhiều với Thanh Lam, sẽ thấy điểm đáng quý ở chị, ngoài tài năng và ý chí làm nghề, còn là thái độ kiêu hãnh của chị trước truyền thông. Nếu Lam tin (dù lòng tin có thể có lúc đặt sai), và có hứng, chị có thể sẵn sàng tiếp chuyện cả tiếng đồng hồ trên điện thoại, vào những khung giờ oái oăm. Còn nếu không, có gọi chị cả tỷ cuộc cũng đừng mong lấy được một cái hẹn.

Sự kiêu hãnh của Thanh Lam lắm khi mang vẻ đẹp của sự lơ đễnh. Có những bài viết về Lam to đùng, cả làng đọc hết rồi, có khi mỗi mình chị là lơ đễnh chưa đọc, hoặc có thể là người âm thầm đọc cuối cùng. Phỏng vấn chị, chẳng bao giờ chị đòi xem bài trước, báo ra lúc nào cũng không buồn hỏi.

Trả lời phỏng vấn với chị đơn giản là tin thì hợp tác, xong rồi thì việc ai người nấy làm, không phải là chuyện xưng tụng tung hô nhau, càng không bao giờ có chuyện Lam “chăm sóc báo chí”...

Đáng nói, Lam thừa kiêu hãnh nhưng lại không khinh người, theo như tôi thấy. Vì nể lời giới thiệu của tôi, và cũng là mảnh đất quê ngoại của mình, mà chị đã sẵn sàng dành thời gian tiếp chuyện một tờ báo địa phương, dù bài báo đó không hề giúp ích gì cho danh tiếng của chị.

Năm ngoái, lúc chúng tôi thực hiện cụm bài chân dung Thanh Lam & Lê Cát Trọng Lý - “Số 1 nói về Duy nhất”, lẽ thường ra “sao lớn” như chị sẽ không chịu đứng “cùng vai” với một “sao bé” hơn (nhiều sao sẽ cho rằng đó là “làm sang” cho đàn em quá). Nhưng vì thích concept, và thấy có một vài điều cần nói với Lý (không dễ gì nói trực tiếp), mà chị vui vẻ nhận lời. Dù đó là thời điểm Lam đang rất bận, chị thậm chí còn tranh thủ trả lời chúng tôi trong mười mấy phút giải lao ở phòng thu.

Nhớ là cái cầu thang của cái nhà ống - nơi Lam ngồi trả lời phỏng vấn rất hẹp và tối, mà con mắt của “người đàn bà hát” thì rõ là tinh anh, ý tứ đâu ra đấy, và không một câu hỏi nào có thể gây đụng chạm mà bị chị từ chối. Bản lĩnh làm nghề của Lam thế nào thì bản lĩnh tiếp chuyện truyền thông của Lam cũng vậy.

Và đó là bài phỏng vấn mà tôi thích nhất cho đến nay về cách nghệ sĩ nói về nhau, góp ý cho nhau một cách chân tình, thấu đáo, xây dựng và tha thiết đến thế, sau những hào quang với vô số lời ve vuốt trên sân khấu. Với tôi, đó mới là một cư xử đẹp của một người làm nghề, khi đó là những lời chê mà không phải ai cũng có tầm, có tầm để nói ra, càng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để tiếp nhận.

Trong đó, Lam nhấn mạnh về việc Lý cần đi học thêm, cả khi đã có được những thành công nhất định, như chị cũng vẫn đang phải học, chứ không thể “chỉ đáng yêu mãi được, “chênh vênh” mãi được”.

“Số 1” vừa dành cho “Duy nhất” những lời khích lệ, động viên: “Lý có cái đáng yêu của một người trẻ. Nhìn vào Lý, tôi thấy sự trong trẻo, và những ước mơ”, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn gửi đến đàn em một cái nhìn nghiêm khắc: “Tôi thấy Lý là người tích cực. Nhưng Lý vẫn còn sự rụt rè. Một nghệ sỹ, nếu rụt rè thì chỉ nên lúc bắt đầu thôi, còn một khi đã vào cuộc, phải tìm cách tháo tung được mọi thứ”, “Tôi mới nhìn thấy bản năng ở Lý mà chưa nhìn ra được cái gọi là tài năng trong bạn ấy. Nếu nói về tài năng, thì phải có độ dày về kiến thức, nhân sinh quan, và tư tưởng... Tài năng không phải là sự đáng yêu. Tài năng là thứ phải hớp hồn người ta ngay lập tức”...

Khao khát truyền nghề, truyền lửa

Nữ ca sĩ “con nhà” cũng đồng thời cho biết dù khởi đầu sự nghiệp ca một cách tự nhiên nhờ sinh ra trong một gia đình âm nhạc và sớm có được cái móng vững vàng, nhưng không vì thế mà chị coi nhẹ việc học.

“Ngay từ lúc trẻ, tôi đã xác định nghệ sĩ trước hết cần có trách nhiệm với chính mình, từ đó họ sẽ có khao khát thúc đẩy chính mình, sẽ biết cách trau dồi để thu vào mình những vốn liếng riêng. Tôi chỉ hát tốt một ca khúc, khi tư tưởng của bài hát đó chui được vào trái tim của mình, bộ óc của mình và trở thành tâm hồn của mình. Tôi nghĩ điều đó không còn là ước mơ nữa, nó là lẽ sống...”.

Đó là lý do khiến diva số 1, sau nhiều năm trụ hạng vẫn cắp cặp đến nhà “cựu bố chồng” (NSND Trung Kiên), tuần một lần, để trau dồi thêm kỹ năng thanh nhạc. “Tôi chưa bao giờ thấy việc học là thừa cả. Để giữ được đam mê, ta phải không ngừng trau dồi để trở nên giàu có về kiến thức, về năng lượng sống. Tôi luôn nghĩ, nếu một người coi việc học hành là không cần thiết, thì đến một lúc nào đó sẽ cạn vốn. Khi được đào tạo bài bản, người nghệ sĩ sẽ có sự thôi thúc mãnh liệt hơn...”.

Ít lâu sau thì tôi thấy Lý lẳng lặng xách va ly sang Đan Mạch học. Những lời góp ý chí tình chí lý của Lam dạo ấy, tất nhiên không phải đóng vai trò quyết định với một cá tính như Lý (người từng bỏ ngang Nhạc viện vì thấy không như kỳ vọng), nhưng tôi tin đó là một cú hích đáng kể đối với cô gái nhỏ.

Còn nhớ, ở thời điểm diva số 1 nhận lời ngồi ghế giám khảo Đồ Rê Mí - một game show không lấy gì làm “hot”, trước khi gật đầu với The Voice, nhạc sĩ Quốc Trung từng bảo với tôi: “Lam, bây giờ thế nào mà lại thích đi dạy, thích làm những đầu việc kiểu như truyền nghề, truyền lửa... Đến một lúc nào đấy, thường các nghệ sỹ lớn, họ sẽ có những trăn trở như vậy, về nghề, không chỉ cho mình, vì mình...”.

NSND Lê Khanh, trong một lần trả lời phỏng vấn của tôi, cũng đã tâm đắc chia sẻ về sự cần thiết của việc học, cả khi đã sở hữu đỉnh cao: “Đi học luôn là một cảm hứng nghề nghiệp ở tôi. Trong nghề này, muốn nuôi giữ dài lâu cảm hứng làm nghề, không thể ngừng học được, đôi khi là từ những câu thoại, những mảnh đời trong các vở kịch, những kịch bản hay, hoặc một chuyến đi thực tế, gặp gỡ các bạn nghề, và những điều tai nghe mắt thấy...”.

“Người đàn bà hát” không khuyên người trẻ đi học theo kiểu vỗ ngực dạy đời, mà bằng chính những trải nghiệm, trả giá và sự khiêm nhường (ẩn sau vẻ kiêu hãnh ở chị): “Nếu ngưng học, có khi tôi cũng nghĩ mình là ai đó ghê gớm lắm. Đôi lúc tôi đã tưởng cuộc sống của mình thế là chông gai lắm, nhưng rồi mình đi, mình xem phim, mình học và nhận ra: Mình cũng bọt bèo lắm...”.

Bèo bọt hay không, câu trả lời đó nằm trong thái độ tự trọng của người làm nghề!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn