MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với hoạt động chăm lo, hỗ trợ kịp thời, tổ chức Công đoàn thực sự được công nhân lao động tin tưởng. Ảnh: Kiều Vũ

Thành lập Công đoàn là nhu cầu có thực của công nhân lao động

Linh Nguyên LDO | 19/12/2021 20:59
Dịch chuyển từ khu công nghiệp này sang khu chế xuất khác làm việc để có khoản tiền chuẩn bị cho mình một hậu phương vững chắc là tâm lý chung của rất nhiều công nhân lao động. Không ít người từ quê lên các khu công nghiệp - chế xuất làm việc, rồi nghỉ việc về quê sinh con (hoặc trông con), sau đó trở lại làm việc. Đây là 1 vòng di cư tuần hoàn, mà ở đó, công nhân lao động thực sự mong muốn được Công đoàn bảo vệ.

Công nhân vẫn chưa yên tâm với công việc đang làm

Trao đổi về vấn đề này, TS. Đỗ Tá Khánh - Giám đốc dự án Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân (ECOW) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ - cho biết ở Việt Nam, việc di cư có nhiều nguyên nhân khác nhau như đi học, dịch chuyển công tác, hay thay đổi nơi ở, nhưng lý do chính liên quan tới di cư là việc làm. Di cư lao động vẫn là xu hướng phổ biến nhất. Điều này giải thích tại sao 100% đối tượng công nhân là lao động di cư đều vì lý do liên quan tới tìm kiếm việc làm.

Với việc phỏng vấn trực tiếp trên 3.000 công nhân lao động ngành may và điện tử thuộc 9 khu công nghiệp trên toàn quốc, những người thực hiện ECOW chỉ rõ, với những công nhân đã từng di cư nhiều lần, hầu hết các lựa chọn công việc vẫn xoay quanh 2 ngành may mặc và điện tử. Trong khi các ngành xây dựng, nông nghiệp, tự kinh doanh chiếm tỉ lệ khá thấp. Các lựa chọn công việc khác cũng chiếm tỉ lệ cao trong số các công việc mà lao động di cư từng làm.

Ở Việt Nam, việc chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức rất dễ dàng và ngược lại. Vì vậy, các công việc khác ở đây có thể bao gồm rất nhiều các nhóm công việc khác nhau như bảo vệ, tài xế công nghệ, hay giúp việc nhà. Trong số rất ít các công nhân vừa chuyển việc mới, chỉ chiếm 6,1% tổng số công nhân được phỏng vấn, tỉ lệ chủ động nghỉ việc chiếm đa số, tới 6%, và chỉ có 0,1% bị sa thải. Lý do khiến 6% công nhân chủ động nghỉ việc khá nhiều, nhưng chủ yếu nhất là tìm được công việc mới tốt hơn (điều kiện làm việc hoặc thu nhập tốt hơn), cần thời gian chăm sóc gia đình, trong khi một số trường hợp là do nghỉ để sinh con và sau đó tìm việc làm mới sau sinh.

Trong quá trình khảo sát, có nữ công nhân (hợp đồng lao động ngắn hạn) làm cho một doanh nghiệp điện tử tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) thẳng thắn chia sẻ làm thời vụ thoải mái hơn làm chính, dù lương có thấp hơn. Theo nữ công nhân này, làm chính thức có nhiều chế độ, ưu đãi nhưng khi có việc cần nghỉ rất khó, trong lúc đó thanh niên cuối tuần muốn nghỉ. Làm chính thức không có thời gian dành riêng cho bản thân.

Dù là lao động phổ thông hay lao động có kỹ năng, kinh nghiệm thì khi bước vào doanh nghiệp mới, hầu hết lao động sẽ được đào tạo với những mức độ khác khau. Hình thức đào tạo đa phần là trực tiếp, cầm tay chỉ việc để người lao động làm quen với máy móc, thiết bị và môi trường làm việc, kỷ luật công việc. Cũng cần lưu ý rằng yêu cầu về công nghệ giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam là rất khác nhau dù đều là doanh nghiệp FDI trong cùng một ngành. Do đó, việc doanh nghiệp đào tạo lại công nhân là rất phổ biến. Có 77,9% công nhân được đào tạo trực tiếp tại nhà máy, chủ yếu do các tổ trưởng thực hiện hoặc công nhân tự học lẫn nhau, hay thường được gọi là theo hình thức vừa học, vừa làm. Trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là với các doanh nghiệp điện tử, công nhân cũng phản ánh trường hợp doanh nghiệp thuê giảng viên/chuyên gia bên ngoài về đào tạo cho công nhân.

Do cần kiếm khoản tiền để chuẩn bị cho bản thân và gia đình một hậu phương vững chắc sau này nên công nhân lao động luôn có nhu cầu tìm công việc có thu nhập cao hơn. Thông tin về mức lương, tiền chuyên cần là câu chuyện thường thấy ở các khu nhà trọ xung quanh Khu công nghiệp Thăng Long, nhất là dịp sau Tết  hoặc sau mỗi kỳ nghỉ dài. Các công nhân chia sẻ thông tin về thu nhập, chế độ đãi ngộ để lựa chọn đổi công ty. Nhu cầu kiếm tiền là một trong những lý do khiến không ít công nhân không yên tâm với công việc hiện tại, mà luôn tìm nơi trả lương cao hơn.

Bên cạnh đó, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, khiến công nhân lao động càng không yên tâm với công việc. Số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, có trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Công nhân muốn có tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp

Dù đối tượng công nhân được ECOW khảo sát rất đa dạng, gồm cả nhóm hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng thử việc nhưng hầu hết đều khẳng định trong doanh nghiệp họ đang làm việc có tổ chức Công đoàn (chiếm 92,4%). Đa số công nhân trả lời phỏng vấn trong nghiên cứu này đều tham gia Công đoàn.

Khi gặp các vấn đề trong công việc và cuộc sống, nhiều công nhân cũng tìm đến các tổ chức Công đoàn để nhờ giúp đỡ như liên hệ với chủ tịch Công đoàn (22,1%), liên hệ với cán bộ Công đoàn ở cơ sở (6,5%). Tuy nhiên, người được liên hệ nhiều nhất lại là quản lý của công nhân (56,8%). Các cuộc phỏng vấn sâu với công nhân cho thấy, trong nhiều doanh nghiệp lớn, tổ trưởng sản xuất cũng kiêm nhiệm tổ trưởng công đoàn, do vậy trong một số trường hợp công nhân không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai vị trí này. Xét theo ngành, công nhân ngành điện tử cũng có xu hướng gặp quản lý, trong khi ở nhiều doanh nghiệp may, chủ tịch công đoàn là lựa chọn hàng đầu để công nhân tìm đến khi gặp các vấn đề khó khăn.

Đối với những công nhân liên hệ với tổ chức công đoàn để nhận hỗ trợ khi gặp khó khăn, lựa chọn chính vẫn là gặp trực tiếp, các hình thức còn lại được sử dụng không đáng kể như gọi điện, nhắn tin, viết đơn đề nghị và một số cách khác. Lý do đa số công nhân lựa chọn hình thức gặp trực tiếp là vì đều ở trong cùng một công ty nên việc gặp gỡ sẽ thuận tiện hơn. Hơn nữa, khúc mắc khi trao đổi cần phải là quá trình tương tác hai chiều giữa công nhân và đại diện tổ chức Công đoàn. Vì thế, hình thức gặp trực tiếp là hình thức phổ biến hơn cả để công nhân trình bày, biểu đạt các vấn đề và đề nghị các hỗ trợ từ phía tổ chức Công đoàn.

TS. Đỗ Tá Khánh cho biết nghiên cứu của ECOW cho thấy đối với hầu hết công nhân, bao gồm cả những người đã tham gia Công đoàn và chưa/không tham gia Công đoàn, họ đều cho rằng việc thành lập Công đoàn là mong muốn, nhu cầu của công nhân về một tổ chức có thể đứng ra bảo vệ họ khi gặp các vấn đề khó khăn, xung đột lợi ích với chủ doanh nghiệp. 89,4% công nhân mong muốn việc thành lập các tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy, nhu cầu thành lập tổ chức Công đoàn là nhu cầu có thực của công nhân và nếu các tổ chức Công đoàn có thể phát huy được tối đa vai trò của mình thì chắc chắn đó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn