MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tìm hiểu về văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội, tháng 10.2022. Ảnh: Thuý Huyền

Thành quả của giáo dục sẽ kết tinh văn hoá

Thiều Trang LDO | 10/07/2023 00:16

Muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi phải có con người tiên tiến, hiện đại. Ở đó, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách mỗi cá nhân.

Con đường đất đỏ trơn trượt, những chiều băng rừng trong mưa, vượt đoạn đường hơn 200 km từ nhà ngược lên vùng biên giới, đến nơi 3 không - “không điện, không sóng điện thoại và không nước sinh hoạt” để công tác là ký ức khó lòng quên lãng của thầy Nguyễn Nam - giáo viên Trường PTDTNT THCS Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

“2013 năm ấy, xã Ch’Ơm đúng tiêu chí "3 không", ở đó có ngôi trường THCS nhỏ, thuộc khu 7 của huyện miền núi Tây Giang - tôi chưa bao giờ hình dung đó là nơi mình làm việc khi rời giảng đường đại học. Nhưng có lẽ tôi phải lòng nơi đây, muốn gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số”, thầy Nam bày tỏ.

Khơi dậy niềm tự hào văn hóa

Với thầy Nam, nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt khó trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. “Trên cung đường "gieo chữ" miền biên giới Việt - Lào, tôi luôn ý thức vai trò của chính mình là phải bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề” - thầy Nam nói.

Vì lí tưởng đó, thầy giáo sinh năm 1992 luôn nỗ lực đưa văn hoá, bản sắc dân tộc Cơ-tu là gam màu đặc biệt vào mỗi hoạt động giáo dục, để tinh thần dân tộc bản địa thấm nhuần trong mỗi học trò, nuôi dưỡng ước mơ của các em. Đó cũng chính là động lực để các em học tập, nỗ lực thoát nghèo, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.

Thầy Nam cho rằng, không chỉ khơi dậy hứng thú và niềm vui trong hoạt động học tập, kích thích học sinh tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, giáo viên còn dạy văn hóa - dạy học trò thành người, dạy những điều hay lẽ phải, rèn luyện kỹ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện.

Để học sinh biết, yêu thích và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống và nâng cao kỹ năng sống, nhiều trường học cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa tìm hiểu về lễ hội truyền thống, văn hóa các tộc người thiểu số.

Những hoạt động này thu hút học sinh, phụ huynh và giáo viên tạo nên một phong trào giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa của các dân tộc bản địa, khắc sâu ý thức, trách nhiệm về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Ba chân kiềng trong chấn hưng văn hóa

Khẳng định chấn hưng văn hoá phải bắt đầu từ giáo dục, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho rằng, chấn hưng văn hóa cần ba chân kiềng - giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình, xã hội.

“Những học sinh chăm ngoan, đứng đắn trong xã hội đều được hưởng nền giáo dục chu đáo từ gia đình. Ở đó, bố mẹ, anh chị là tấm gương cho con em. Ở nhà trường, giáo dục nhân cách thông qua dạy chữ để dạy người, giáo dục đạo đức chính là khâu then chốt để giáo dục nhân cách con người”, GS. Thuyết phân tích.

“Thầy cô phải nêu gương, có biện pháp phù hợp với các em học sinh. Giáo dục không thể bằng sự đe nẹt mà phải bằng tình thương và kỷ luật. Giáo dục xã hội là điểm khó nhất vì còn nhiều mặt tiêu cực và hạn chế cần phải chấn chỉnh kỷ cương”.

Chương trình GDPT 2018 hướng đến xây dựng con người Việt Nam mới có cá tính, năng lực, phẩm chất. 5 phẩm chất của học sinh gồm: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm - khái quát hết yêu cầu chính đối với một học sinh.

Bên cạnh những phẩm chất chung, chương trình đưa ra 3 năng lực chung mà học sinh phải được rèn luyện: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để. 7 năng lực đặc thù hay còn gọi là năng lực chuyên môn gồm: Ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mĩ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khẳng định - chấn hưng văn hoá phải bắt đầu từ giáo dục. Bởi vì chủ thể của văn hoá là con người.

Theo bà Việt Nga, đầu tiên là hình thành mọi phẩm chất tốt đẹp nhất của mỗi cá nhân làm nền móng cho những ý thức văn hoá, ứng xử văn hoá trong cả đời sống hàng ngày và trong công việc. Những phẩm chất đó phải được hình thành qua giáo dục. Giáo dục có vai trò tối quan trọng đối với việc chấn hưng văn hoá. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, thái độ sống cho mỗi cá nhân phải được thực hiện từ rất sớm, không phải chờ đến lúc các em đến trường học chữ.

"Tôi thấy còn tồn tại quan niệm sai lầm rằng giáo dục học sinh là việc của nhà trường, của ngành Giáo dục. Nếu nghĩ như thế, chúng ta đã quá coi nhẹ giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Gia đình, nhà trường và xã hội như ba chân kiềng trong giáo dục đạo đức, lối sống của con người. Thành quả của giáo dục sẽ kết tinh thành văn hoá. Những con người sống đẹp và nghĩ đẹp chắc chắn sẽ tạo dựng được một hệ giá trị, hệ sinh thái văn hoá đẹp đẽ cho quốc gia, dân tộc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn