MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Arne-Kjetil Lian. Ảnh: Tạ Quang.

Thay đổi tư duy hướng đến ngành công nghiệp nuôi biển

Thanh Hà LDO | 20/12/2020 09:31
Chia sẻ với Lao Động, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Arne-Kjetil Lian cho rằng, để hướng đến phát triển bền vững, tạo ra đột phá cho ngành nuôi trồng hải sản trên biển hay nuôi biển, Việt Nam cần từng bước chuyển dịch sang nuôi biển công nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó tập trung vào một vài đối tượng chủ lực phù hợp cho xuất khẩu với giá thành cao.

Định hướng trọng tâm, chọn đối tượng chủ lực

Ông Arne-Kjetil Lian cho rằng, thiên nhiên đã rất ưu đãi cho cả Việt Nam và Na Uy khi cùng có đường bờ biển dài, những vùng biển đầy ắp cá và hai nước đều có truyền thống đánh bắt cũng như nuôi trồng, khai thác thủy hải sản lâu năm.

Nhà ngoại giao đảm nhận trọng trách cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy cho biết, nuôi biển là một trong 3 lĩnh vực được ông dồn sức thúc đẩy kể từ khi bổ nhiệm cương vị từ tháng 8.2019.

Nhận định về lý do khiến ngành nuôi biển Việt Nam chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, có nhiều nguyên nhân, trong đó theo ông, “Việt Nam cần quá trình cải tổ lâu dài do hiện có quá nhiều các trang trại nhỏ lẻ, phân tán rải rác".

"Mấu chốt ở đây là thị trường cần được tập trung, cần có kế hoạch hợp nhất các trang trại và mở rộng, hiện đại hóa để phát triển bền vững hơn, duy trì sản lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng” - ông nói.

“Ngoài ra, tôi cho rằng, một vài nơi ở Châu Á vẫn giữ lối tư duy lựa chọn sản phẩm chất lượng thấp để hạ giá bán thay vì theo đuổi mặt hàng chất lượng cao nhưng giá thành cũng cao. Đây là điều tôi nghĩ nên thay đổi, rồi dần dà, chúng ta sẽ nhận ra tầm quan trọng của định hướng lâu dài và có mức đầu tư cần thiết để khiến doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, phát triển vững bền” - ông Arne-Kjetil Lian nói thêm.

Về kinh nghiệm của Na Uy trong lĩnh vực nuôi biển, ông Arne-Kjetil Lian chia sẻ: “Chúng tôi cũng chỉ là một quốc gia nhỏ bé, lĩnh vực này cũng còn khiêm tốn, tuy nhiên chúng tôi vẫn rất lấy làm tự hào về mô hình hiện tại - “mô hình Na Uy”, được xây dựng nhờ ba trụ cột chính: Thứ nhất, nhà nước có vai trò hết sức chủ động trong việc xây dựng các chính sách thuận lợi để doanh nghiệp trong ngành phát triển và hoạt động. Thứ hai, bản thân thành phần trong ngành công nghiệp cũng phải chủ động phối hợp với nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cũng phải hợp tác với nhau, không phải để làm giá, mà để cải thiện tình hình. Trụ cột thứ ba chính là các cơ sở nghiên cứu khoa học".

Theo Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, trong khoảng hơn 3 thập kỷ trước, ngành nuôi biển của Na Uy cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, như việc lạm dụng kháng sinh và các loại thuốc khác.

"Nhưng hiện tại, qua thời gian, nhờ sự hỗ trợ của các cơ sở nghiên cứu, ngành công nghiệp của Na Uy được trang bị những kiến thức khoa học mới, chủ động hơn trong khi đó với sự hỗ trợ của nhà nước nên hoạt động của ngành đã được cải thiện, phát triển theo hướng bền vững. Ngành công nghiệp đứng lên nhận phần trách nhiệm của mình, chính quyền vô cùng chủ động trong hoạt động. Đây là một cơ chế hợp tác hết sức thành công. Chúng tôi rất muốn giới thiệu mô hình này đến với Việt Nam” - ông nói.

Tham tán Thương mại Arne-Kjetil Lian chia sẻ bài học từ kinh nghiệm xuất khẩu thủy hải sản hiệu quả cao gần 2 thập nhiên qua của Na Uy là tập trung cho một trong những mặt hàng được quan tâm nhất: Cá hồi Đại Tây Dương. Được biết, trong cơ cấu nuôi trồng thủy hải sản tại Na Uy, cá hồi Đại Tây Dương chiếm tới 94%, được Na Uy chú trọng đầu tư, chuyên dành cho xuất khẩu và là sản phẩm chất lượng tốt, có giá thành rất cao.

"Không cần quá đa dạng giống cá, mà có khi chỉ cần tập trung vào một vài loại phù hợp cho xuất khẩu và bán được giá cao” - ông nhấn mạnh. Chuyên gia người Na Uy nêu ví dụ về Australis, một công ty ở Việt Nam đang tập trung vào nuôi cá chẽm xuất khẩu đang phát huy hiệu quả, phát triển tốt dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điều này cho thấy các doanh nghiệp địa phương có thể áp dụng và thành công nếu chọn cho mình sản phẩm nuôi phù hợp. “Tôi cho rằng Việt Nam cần có những nhà đầu tư sáng suốt tham gia và thúc đẩy thị trường đạt tới tiêu chuẩn cao nhất” - ông nói.

Xây dựng chuỗi giá trị

Nuôi trồng thủy sản Na Uy, nhất là nuôi biển, được hình thành khá sớm. Trong quá trình đó, hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện qua các luật và văn bản quy định. Bà Anne Brønsten Osland - Trưởng Bộ phận cấp phép nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản Na Uy, cho biết: “Na Uy đã mất gần 50 năm để phát triển một ngành trưởng thành và sinh lời".

Theo bà, trong ba thập kỷ đầu phát triển, Na Uy cũng đối mặt với nhiều thách thức trong nuôi biển như: Dịch bệnh, cá chết bất ngờ, các doanh nghiệp phá sản... Và khi đó, một số giải pháp quan trọng để đảm bảo có một ngành công nghiệp lành mạnh hơn là quyết định ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, tập trung phát triển vaccine và đề ra quy định về những công việc thường ngày, báo cáo về sản xuất, bùng phát dịch bệnh, rò rỉ hoặc sử dụng hóa chất...

Trong Đạo luật Nuôi trồng Thủy sản năm 2006 của Na Uy quy định, tất cả các giấy phép đăng ký với Cơ quan Đăng ký Nuôi trồng Thủy sản đều có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, đảm bảo nguồn tài chính ổn định hơn cho các công ty nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Na Uy cũng có các quy định và tiêu chuẩn quốc gia tập trung vào công nghệ như hệ thống neo đậu, tuổi thọ của các thiết bị nuôi biển...

Đầu tư cho nhân lực chất lượng cao

Giai đoạn 2020-2025 được đánh giá là giai đoạn bản lề rất quan trọng xây dựng ngành công nghiệp nuôi biển Việt Nam, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 6 nguồn lực cơ bản cho ngành được đề cập tại đại hội toàn thể lần thứ 2 (2020-2025) của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của Na Uy, khi bắt đầu công nghiệp hóa nuôi biển, Na Uy cũng gặp những khó khăn về lao động. Do đó, từ cuối những năm 1970, nhiều chương trình giáo dục khu vực được thiết lập để đào tạo về nuôi trồng thủy sản dọc bờ biển Na Uy ở cấp trung học.

Bà Anne Brønsten Osland cho rằng, để nâng cao kỹ năng và chuyên môn của lao động Việt Nam trong ngành nuôi biển, “điều quan trọng là phải phát triển các hệ thống xây dựng năng lực (về cấp độ và năng lực), trong đó không chỉ tập trung vào cả kiến ​​thức lý thuyết mà còn các kỹ năng và kinh nghiệm thực hành thông qua công việc thực sự ở trang trại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn