MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu lạc bộ Thể Công xưa. Ảnh: Thể Công Viettel cung cấp

Thể Công Viettel - Sự trở lại của một tượng đài bóng đá

PHƯƠNG TRANG LDO | 12/02/2024 05:30

Huyền thoại Thể Công trở lại như một cơn gió mát lành thổi vào tâm hồn của bao thế hệ người hâm mộ trót yêu màu áo lính.

Ngày 21.11.2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã công bố quyết định đổi tên Câu lạc bộ bóng đá Viettel thành Câu lạc bộ Thể Công - Viettel từ mùa giải 2023 - 2024. Sau 13 năm, người hâm mộ đội bóng ngành Quân đội đã chào đón sự trở lại một cái tên từng là tượng đài của bóng đá Việt Nam.

Lá quân kỳ của Thể Công

Ngày 23.9.1954, Đoàn công tác Thể dục thể thao Quân đội (Thể Công) được thành lập theo chỉ thị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 23 cán bộ, chiến sĩ của trường Sĩ quan Lục quân được điều động, chia thành 3 đội bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền. Đội bóng đá Thể Công bắt đầu hành trình của mình từ đây.

"Thể Công là gì nhỉ? Hồi nhỏ tôi từng đặt ra câu hỏi như vậy đấy! Tôi đến sân Cột Cờ xem trận đấu đầu tiên của Thể Công vào năm 1956, lúc mới 10 tuổi. Tôi chưa có khái niệm về cầu thủ, khái niệm bóng đá nhưng tôi thấy bóng đá là một cái gì đó rất hấp dẫn, hết sức tự nhiên không cần giải thích gì cả, xem là thấy thích" - nhà báo Vũ Công Lập - một cổ động viên có 67 năm theo dõi Thể Công - hồi tưởng.

Trong mắt cậu bé Vũ Công Lập của hàng chục năm về trước, Thể Công cũng là những chú bộ đội. Ngày ấy, bộ đội trở về Thủ đô sau kháng chiến chống Pháp. Quân nhân được người dân yêu quý, Thể Công được thành lập như một sợi dây kết nối giữa người lính và nhân dân, nhưng bằng một phương thức khác.

Nhưng đến những năm tiếp theo, khi người dân Hà Nội phải sơ tán và không thể đến sân Cột Cờ xem bóng đá, Thể Công vẫn hiện lên trong mắt cổ động viên như biểu tượng của chiến thắng. Cậu sinh viên Đại học Tổng hợp - Vũ Công Lập phải sơ tán ở Thái Nguyên, nhưng vẫn tìm mọi cách để biết xem "Thể Công đang ra sao". Quả thật, Thể Công với cái tên câu lạc bộ Quân đội liên tục vô địch các giải hạng A miền Bắc và toàn quốc. Cầu thủ cũng là anh bộ đội Cụ Hồ và nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu luôn được đề cao.

Trong thời chiến, Thể Công được chuyển thành một đơn vị của trường Sĩ quan Lục quân để tăng tính chiến đấu. Nhiều cầu thủ Thể Công đều biên chế cho Lữ đoàn 144 - đơn vị bảo vệ, tuần tra, canh gác thành phố và các cơ quan quan trọng của Bộ Quốc phòng.

"Tôi gặp các anh cầu thủ đang mặc quân phục, đeo băng đỏ đi tuần quanh khu Lý Nam Đế, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... Tôi nói thật, xem mặt các anh ấy là mê rồi, cần gì phải xem đá bóng. Cầu thủ Thể Công cũng như bộ đội. Bây giờ, người ta gọi đó là "Idol", như một thần tượng. Hồi đó, tôi cảm giác thần tượng không si mê, điên cuồng như bây giờ, nhưng vẫn yêu lắm! Con gái chắc còn mê hơn cánh đàn ông chúng tôi" - nhà báo Vũ Công Lập cho biết.

Bóng đá luôn có một quy luật bất biến: Muốn được hâm mộ, muốn được yêu mến thì phải có thành tích. Thể Công làm được điều này. Thế hệ của các danh thủ như: Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Thế Anh, Cao Cường, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp được tập huấn tại Hungary, Triều Tiên.

Chính tinh thần quyết tâm khi tập luyện ở nước bạn xa xôi đã hun đúc nên một Thể Công hùng mạnh, "bách chiến, bách thắng" như hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Rất nhiều cột mốc đáng chú ý được thiết lập.

Thể Công có một lá quân kỳ riêng. Chính lá quân kỳ này đã khơi dậy mạch cảm xúc tự hào, hy vọng và cũng có buồn bã, thất vọng nơi con tim của cổ động viên Vũ Công Lập. Bởi, ông là một quân nhân và hiểu rõ nhất giá trị của quân kỳ.

"Khi Thể Công được trao quân kỳ quyết thắng trước khi tham dự Giải vô địch quốc gia giai đoạn 1996 - 1998, tôi dự buổi lễ ấy và cảm thấy xúc động lắm! Khoảnh khắc thủ trưởng đơn vị mang quân kỳ ra cho đoàn Thể Công, lòng tôi nao nức. Nhưng đến khi giải tán Thể Công, tôi mới tự nhủ, một đơn vị quân đội mà phiên hiệu và lá cờ không còn thì lòng tôi như tan nát" - ông Lập buồn bã.

Câu lạc bộ Viettel vô địch V.League 2020. Ảnh: Thanh Vũ

Giấc mơ của lính trẻ

Năm 2009, Bộ Quốc phòng thu hồi phiên hiệu Thể Công sau thời gian dài thành tích của đội bóng không được cải thiện. Vài tháng sau, suất chơi V.League của Thể Công được chuyển giao cho đội Thanh Hóa. Hành trình của Thể Công hào hùng ngày nào tạm khép lại.

Lúc ấy, đồng chí Hà Hữu Tám - Phó giám đốc điều hành từng phải lên tiếng khẳng định, "không có chuyện xoá tên Thể Công". Mặt khác, Quyền giám đốc Nguyễn Thanh Hải đã phải làm cam kết duy trì thành tích cho các đội trẻ trong 1 năm để chứng minh rằng, Trung tâm bóng đá Viettel vẫn mang đến hiệu quả.

Câu lạc bộ Viettel được thành lập để chơi ở giải hạng Ba và lãnh đạo tập đoàn liên tục dành sự quan tâm cho bóng đá. "Thể Công" thực sự vẫn ở trong tim nhiều thế hệ quân nhân. Họ âm thầm xây dựng, vực dậy một thương hiệu.

Câu lạc bộ Viettel giành quyền thăng hạng V.League 2019 và chỉ cần thêm 1 năm để lên ngôi vô địch V.League. Trong hành trình nhiều thăng trầm ấy, trung vệ - Đảng viên Bùi Tiến Dũng chính là "sản phẩm" ưu tú nhất, mang chất lính đậm đặc nhất với biệt danh Dũng "quân khu".

Đó là một hành trình đặc biệt của Bùi Tiến Dũng. Anh vừa trúng tuyển vào Trung tâm bóng đá Viettel thì đội Thể Công được bàn giao cho Thanh Hóa. Tiến Dũng cũng là đội trưởng của lứa cầu thủ "cây nhà, lá vườn", đưa đội bóng thăng hạng. Tiến Dũng cùng Viettel vô địch V.League, chứng kiến trọn vẹn quãng thời gian 13 năm thăng trầm.

"Với tôi cũng như anh em toàn đội, sau khi cái tên Thể Công trở lại, chúng tôi luôn có suy nghĩ phải làm thế nào để nối tiếp truyền thống của các bác, các chú ngày xưa. Mỗi trận ra sân, mỗi cầu thủ đều mang trong mình trách nhiệm to lớn để thi đấu từng trận, làm tốt nhất, mang lại niềm vui cho người hâm mộ. Khi tên Thể Công trở lại, cảm xúc của tôi rất hạnh phúc và tự hào, bởi đây là điều cao cả với đội bóng, gắn bó một thời với bóng đá Việt Nam cùng nhiều ký ức đẹp" - Bùi Tiến Dũng xúc động nói.

Trước đây, nhiều học viên của Trung tâm bóng đá Viettel bắt buộc học quân sự như một người lính. Với Bùi Tiến Dũng, điều này giúp anh hình thành tính cách mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm và sự tận hiến. Đặc biệt, kỷ luật quân đội là điều mà Tiến Dũng và nhiều đồng đội hiểu rõ.

Từ góc nhìn của nhà báo Vũ Công Lập - một "người Thể Công" thì: "Thể Công - Viettel bây giờ không phải là Thể Công ngày xưa, mà là Thể Công trong giai đoạn mới, cũng như quân đội bây giờ có nhiều nhiệm vụ khác nhau. Cái tên bây giờ là sự kết hợp rất hay. Thể Công đầy truyền thống, Viettel đầy biểu tượng cho sự vươn lên. Viettel là tập đoàn công nghệ cao, có nhiều đóng góp cho quân đội trong khoa học kỹ thuật, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biển đảo. Hai cái tên này gắn với nhau có ý nghĩa mới của nó, sâu sắc của nó. Tôi tin đến một lúc nào đó, đội bóng này sẽ có những thành tích xứng đáng. Tôi hoàn toàn tin cậy vào sự trưởng thành, ý thức của các cầu thủ".

Cái tên Thể Công được xây dựng, hun đúc bằng truyền thống, chiến công, mồ hôi, nước mắt và máu. Thể Công sẽ cần thời gian để trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất. Năm 2023, hành trình ấy bắt đầu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn