MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thế giới sâu sau những bức tranh của Trần Việt Phú

HẢI AN LDO | 25/04/2021 20:06
Sau triển lãm cá nhân lần thứ 5 (tại Hà Nội, tháng 1.2015), hạn chế hiện diện trong triển lãm nhóm hoặc sự kiện, như thường lệ, Trần Việt Phú trở về với không gian của mình. Trái ngược với các triển lãm cá nhân liên tiếp thời gian đầu (1999, 2000, 2001), Phú có khoảng nghỉ chậm và sâu hơn ở triển lãm sau đó (2007 và 2015). Phú vẽ không chiều lòng bất cứ ai ngoài bản thân mình, nhưng tranh của anh gây ấn tượng mạnh mẽ về một thế giới nội tâm nhiều trăn trở.
Họa sĩ Trần Việt Phú tại xưởng họa. Ảnh Chantale Wong
1. Thật khó để liệt kê đầy đủ những thiện cảm dành cho tác phẩm của Trần Việt Phú, bạn bè hoặc đồng nghiệp thường gọi anh là “phù thủy bóng đêm”, “người lưu giữ thời gian”, tranh của Phú đẹp “hiện thực đến không ngờ”... Cũng không khó lí giải, Phú thường chọn vẽ những gì hết sức bình dị, thân quen: Chiếc ghế mây, cái ấm nhôm, đôi dép nhựa, mảng tường cũ, một góc vườn, một khoảng sân, xưởng họa..., nhưng anh đã nâng chúng bằng một mỹ cảm đặc biệt của sự trìu mến sâu sắc. Người xem cảm giác họa sĩ thích đi sâu vào thế giới quen thuộc ấy thay vì mở ra những khoảng trời mới lạ và rộng lớn hơn.

“Tôi vốn thích khai thác cái gọi là quen thuộc và nhàm chán” - câu nói này của Phú dễ làm người khác hoài nghi, bởi nó đi ngược lại với thói thường của người làm sáng tạo, nhất là họa sĩ. Những điều mới luôn có sức hấp dẫn, trong cả cảm xúc lẫn thực hành. Theo thời gian, những phác thảo ngày một nhiều lên, và dường như “chẳng bao giờ xong cả”. Vẽ tranh, với anh phải là: “Tôi muốn một thái độ. Bao giờ cũng phải là tuyệt đối chân thành trong cách tự nhìn nhận công việc của mình”.

Buổi sáng, sơn dầu, 125 x 75cm, 1999. Ảnh Manuele Mose.

2. Sinh ra ở Hưng Yên, lớn lên và học phổ thông ở Hải Dương, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, cha là giáo viên dạy văn, mẹ là giáo viên tiểu học, tuy vậy Phú đến với nghệ thuật khá sớm. Có lẽ do niềm say mê vẽ từ rất nhỏ, nên ngay từ năm học lớp 3, anh đã được theo học một thầy giáo dạy vẽ gần nhà. 6 năm theo học (từ lớp 3 đến lớp 11), điều ấn tượng nhất chính là tình yêu và lòng tự trọng nghề nghiệp của người họa sĩ: “Tranh của thầy từ những năm tám mươi đã treo kín trong nhà”.

Con đường đến với hội họa chuyên nghiệp của Phú khá dễ dàng. Năm 1990 ở tuổi 17, Phú vào học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa Hội họa. Nhưng phải 8 năm sau, tức năm 1998, anh mới ra trường, sau 3 năm bảo lưu (1993-1996). Năm 1993 Phú mới “chính thức đặt mẫu tĩnh vật để vẽ một cách hoàn toàn nghiêm túc” và “trong 3 năm nghỉ học tôi đã rèn luyện theo cái cách mà mình thấy cần, để tự tạo nền móng theo khả năng cho mình”. “Nền móng theo khả năng” chính là lối vẽ bỏ nét, chỉ sử dụng mảng. Chính lối vẽ sử dụng mảng vô hình trung, lại hoàn toàn thích hợp để Trần Việt Phú biểu đạt được chiều sâu không gian và bầu khí quyển trong tranh. Những khung cảnh hiện thực mà Phú gọi là Chủ nghĩa tự nhiên (khác với tự nhiên chủ nghĩa) hợp tạng tính của anh. Tính âm, sự bảng lảng, mờ ảo quanh trọng tâm luôn là điểm nổi bật ở các bức vẽ; bên cạnh việc tả ánh tối và bóng sáng cũng như những khoảng trong cần thiết, vốn là sở trường của họa sĩ.

Cháu gái, phấn màu, 70 x 50cm, 2002. Ảnh Ngọc Đông.

Lối vẽ sử dụng mảng cũng phù hợp trong việc cắt đặt bố cục theo chủ ý họa sĩ. Một bố cục gồm các vật thể và những thứ xung quanh đặt trên một mặt phẳng nhưng theo Phú “cần giữ được phần gọi là vật chứa” mới có thể đến được gần hơn với cái gọi là “bản chất của công việc làm tạo hình”.

Chú tâm đến bố cục, bởi bao giờ Phú cũng muốn hướng đến “cái toàn bộ”. Nghĩa là nhìn bao quát một bức tranh, nhưng nghĩa rộng là bao quát toàn bộ quá trình sáng tác, nhìn nhận bức vẽ với cách biểu đạt tại thời điểm nó ra đời cho tới những phiên bản sau đó.

3. Cũng như thái độ chân thành tuyệt đối dành cho hội họa, tinh thần Phú hướng đến ở mọi bức tranh, một cách tuyệt đối, là: “Một cái gì đấy hoàn toàn giản dị và bao giờ cũng phải trang nghiêm”. Họa sĩ không phân biệt, và trong nhìn nhận không gọi tranh chân dung là chân dung, tương tự đối với tranh tĩnh vật hay phong cảnh. Một bức chân dung, hay một bức phong cảnh, một bức tĩnh vật cũng có thể là một dạng nếu nó cùng trạng thái tinh thần, cùng cấu trúc, phương cách biểu đạt.

Chơi bài, sơn dầu, 70 x 130cm, 2007.

Rất dễ nhận ra Phú thường lặp, không chỉ các phiên bản cùng đề tài, mà ngay cả cách gọi tên: Buổi sáng, Buổi chiều, Buổi tối, Đêm... Cùng với khí quyển trong mỗi bức tranh, anh có xu hướng quy chúng về thời gian. Về mặt cảm tính “tranh nào gây cảm giác ít nhiều sảng khoái, trong sáng tôi gọi là Buổi sáng. Tranh nào có chút gì đấy ấm áp tôi gọi là Buổi chiều. Cũng ấm áp nhưng trông lại hơi ảm đạm tôi gọi là Buổi tối. Còn những bố cục rắn rỏi và trang nghiêm nhất, bao giờ cũng gọi nó là Đêm”.

Khuya xuống vườn, sơn dầu, 125 x 82cm, 2008. Ảnh Ngọc Đông.

Thế giới cổ đại làm anh say sưa, từ các nền văn minh Ai Cập, Hi Lạp, La Mã, Etruscan, Byzantine, Trung Hoa, Nhật Bản..., là cách họa sĩ mở rộng thế giới quan của mình. Đôi khi những sắc màu tươi tắn làm anh chú ý: Tím phớt hoa diên vĩ, cam đỏ của dơn lúa, hồng phấn của filipendula rubra; những giai điệu, những bài hát cộng vào... Tất cả cùng với thế giới văn học thấm đẫm từ thời niên thiếu như “Cung oán ngâm khúc” - Nguyễn Gia Thiều, thơ Đỗ Phủ, cổ tích Nghìn lẻ một đêm... đủ sức vẽ nên một chân dung Phú bằng tranh - giống nhưng khác, kín đáo và rộng mở; và người ta có thể hình dung rằng: sâu sau những bức vẽ xếp chồng trong xưởng họa chờ lần giở, không chỉ tích tụ “lạnh lẽo”, u ám, rất có thể là những sắc màu ấm áp hơn đang chờ được vẽ lên bởi bàn tay và tâm hồn người họa sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn