MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hằng tuần, đội Fas Angle đều tập hợp để chia sẻ, học hỏi cũng như nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu. Ảnh: Lan Nhi

Theo chân FAS Angle - đội hỗ trợ sơ cứu từng giúp đỡ hơn 2.000 người

Lan Nhi - Thanh Huyền LDO | 19/07/2020 08:18
Ban ngày đi chạy xe ôm, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc đội cứu hộ Fas Angel (do các thành viên làm nghề chạy Grab thành lập) lại mò mẫm trong đêm tối để làm những công việc tình nguyện như: Cứu giúp người gặp tai nạn giao thông, băng bó, sơ cứu vết thương, những người chẳng may gặp sự cố trên đường phố...

Những đêm trắng “không ngủ”

21h30, theo chân anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - người sáng lập đội FAS Angle - đi tuần dọc theo tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội (bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Xiển đổ về hướng đường Ngọc Hồi), khu vực Cầu Trắng (quận Hà Đông)... chúng tôi mới phần nào thấu hiểu những công việc mà đội anh đang làm. Khi Thủ đô sắp sửa chìm vào giấc ngủ, người người mệt nhoài trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả cũng là khi anh em trong đội lại lọc cọc dắt xe máy, khoác chiếc túi sơ cứu gồm nhiều bông băng, dụng cụ sơ cứu y tế... nặng hơn 7kg trên vai để bắt đầu công việc thiện nguyện.

Được biết, FAS Angel (First Aid Support Angel) là đội tình nguyện do những người tài xế lái xe ôm công nghệ sáng lập từ tháng 9.2019. Với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, đội “Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angle” có ba hoạt động chính đó là: Sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin của nạn nhân và gia đình...

Nói về lý do thành lập đội Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angle, anh Phạm Quốc Việt chia sẻ: “Từ lâu, tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người. Có thể bạn không tin nhưng tôi từng là người bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng diễn ra nhiều năm trước tại tỉnh Tuyên Quang. Đó là những phút giây không thể nào quên, toàn thân tôi chới với, bất lực trước dòng người, xe cộ hối hả đi trên đường nhưng không một ai chịu dừng lại cứu giúp. May mắn thay, cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn”.

Theo anh Việt, do sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm ngành y nên anh đã quyết định từ bỏ công việc văn phòng để dành thời gian thành lập đội tình nguyện FAS Angle. Đội thành lập với mục đích trực tiếp sơ cứu, cứu giúp những người chẳng may gặp tai nạn giao thông, bất trắc trên đường phố Hà Nội. Hiện nay, đội có khoảng 54 người, trong đó có 20 thành viên nòng cốt có thể sơ cứu thành thạo tại hiện trường.

Bên cạnh đó, đội cũng tham gia dạy sơ cấp cứu miễn phí cho học sinh, sinh viên, công chức... về kỹ năng đào tạo sơ cấp cứu. Để củng cố kiến thức, nhiều lần đội FAS Angle thường xuyên có buổi tập hợp để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức chuyên về kỹ năng sơ cứu như Survival Skills Vietnam (SSVN) cũng như rút ra kinh nghiệm trong quá trình thiện nguyện.

Đội Fas Angle sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông trên trục đường Láng (TP.Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi

“Không bỏ rơi ai cả”

Với thu nhập ít ỏi nhưng hàng tháng, các anh em chạy xe ôm thuộc đội FAS Angle vẫn sẵn sàng trích ra từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày để mua băng gạc, các dụng cụ y tế phục vụ cho công việc thiện nguyện mỗi đêm của mình. Để các thành viên có thể hỗ trợ nhau một cách tốt nhất, đội đã linh hoạt ứng dụng công nghệ hiển thị các cung đường, định vị nơi đi tuần của thành viên để dễ dàng quản lý. Khi nhận tin báo, căn cứ định vị, đội trưởng Phạm Quốc Việt sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó trực tiếp điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng trong trường hợp xe cứu thương 115 không kịp đến.

Đó còn là những đêm thao thức đặc biệt, các thành viên trong đội tưởng như không thể chợp mắt. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã nhận tới 4 vụ va chạm, nhiều người bị thương trên toàn TP.Hà Nội. Có giây phút ai nấy đều nghẹn lòng, xúc động, cảm giác bất lực khi chứng kiến những nạn nhân xấu số phải ra đi mãi mãi: “Với tinh thần không bỏ rơi ai cả, mỗi lần chứng kiến những khoảnh khắc đau lòng, tôi chỉ muốn ở bên cạnh họ lâu hơn, trao cho họ chút hy vọng, niềm tin. Có nhiều nạn nhân trước khi nhắm mắt, họ đã nắm chặt lấy tay tôi, đôi mắt trực trào khao khát được giúp đỡ, được cứu sống” - anh Việt cho hay.

Thành thông lệ, đều đặn mỗi ngày từ 21h30 đến 1h sáng hôm sau, những “thiên thần” áo xanh lại thức trắng đêm tỏa ra các cung đường Thủ đô để làm thiện nguyện. Trung bình mỗi ngày, đội có thể hỗ trợ từ 3 - 9 ca tai nạn giao thông, va quệt trên đường phố. Tính đến nay, đội đã sơ cứu cho hơn 2.000 người. Với mục đích tốt đẹp, đã có không ít trường hợp nạn nhân được đội hỗ trợ, giúp đỡ đã tình nguyện quay trở lại gia nhập sau khi sức khỏe đã ổn định, từ đó cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.

Anh Phan Nhật Quang (sinh năm 1990, quê ở Hà Tĩnh) tâm sự: “Tôi từng bị tai nạn giao thông vào cuối năm ngoái. Đúng lúc lo sợ nhất, các tình nguyện viên của đội FAS Angle đã xuất hiện giúp đỡ, sơ cứu rất chuyên nghiệp. Nhận thấy đây là một công việc rất ý nghĩa nên tôi đã tình nguyện xin tham gia hoạt động. Trong đội cũng có rất nhiều bạn trẻ tham gia rất sôi nổi và nhiệt tình như em Lê Đặng Tùng (sinh năm 1999, đang là đầu bếp tại CCCP Cafe & Restaurant Ngọc Khánh) cũng đã chọn cách cho đi, giúp đỡ mọi người bị nạn như các thành viên trong đội”.

Trao đổi với Lao Động, chị Nguyễn Trang (sinh năm 1979, quê ở Lâm Đồng) - người đồng sáng lập tổ chức Sơ cấp cứu cộng đồng Survival Skills Vietnam (SSVN) - cho hay, thông qua công việc thiện nguyện của đội FAS Angel đã thực hiện trong thời gian qua, chị nhận thấy việc sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn, va chạm giao thông thật sự rất quan trọng. Đa số những người bị nạn thường rất hoảng sợ, lo lắng, nên công tác sơ cứu ban đầu là rất cần thiết để ổn định tâm lý trước khi chuyển nạn nhân lên đến tuyến trên. Do đó, khi người dân gặp nạn trên đường, từ những vết thương dù nhỏ nhất cũng cần được hỗ trợ, trợ giúp ngay lập tức.

Theo chị Trang, có những người chỉ vì chậm một vài giây, sơ cấp cứu không đúng cách mà mang trên mình những thương tật suốt đời hoặc đã ra đi mãi mãi. Tổ chức SSVN cũng như đội FAS Angel mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục cống hiến, cho đi những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Được phối hợp với xe cứu thương 115, đoàn thanh niên chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm sơ cấp cứu miễn phí cho các bạn trẻ Việt Nam, thậm chí là những người dân ở các tỉnh thành xa xôi trên cả nước. Từ đó, họ lan tỏa tinh thần cứu người bị nạn, để bất cứ đâu có người cần giúp đỡ là những “thiên thần” áo xanh sẽ có mặt kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn