MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước vẫn đang đóng vai trò lực trụ trên thị trường chứng khoán hiện nay. Ảnh: Thế Lâm

Thị trường chứng khoán: Dòng tiền khối ngoại đang dần mất vai trò?

Thế Lâm LDO | 02/08/2020 14:53
Dòng tiền khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, các kì vọng về sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vào thị trường dường như chưa được hồi đáp.

Cuộc rút vốn dài kỷ lục...

Lịch sử TTCK Việt Nam suốt 20 năm qua ít có đợt rút vốn nào của khối ngoại lại kéo dài như hiện nay. Tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ tháng 1 khối ngoại mua ròng và tháng 6 mua ròng nhờ một thương vụ giao dịch thỏa thuận chỉ mỗi mã cổ phiếu VHM, còn lại là cả một mạch bán ròng dài của khối ngoại.

Cụ thể, tháng 1.2020, khối ngoại mua ròng khoảng 1.968 tỉ đồng trên sàn chứng khoán TPHCM (HoSE). Với tổng cộng 17 phiên giao dịch trong tháng, tính ra mỗi phiên khối ngoại mua ròng bình quân trên sàn HoSE khoảng 116 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 2 trở đi khi cao điểm dịch COVID-19 diễn ra tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, làn sóng bán ròng nhằm rút vốn của khối ngoại đã diễn ra trên diện rộng. Không chỉ tại Việt Nam, mà tại nhiều thị trường các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, khối ngoại cũng rút vốn mạnh khỏi TTCK. Riêng tại Việt Nam, trong 3 tháng từ tháng 2 kéo dài đến tháng 5, với 82 phiên giao dịch trên sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 17.154 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quãng thời gian này, khối ngoại lại mua ròng nhẹ trên các sàn còn lại. Vì thế, tính chung trên toàn thị trường khối ngoại bán ròng khoảng 16.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 715 triệu USD.

Tất nhiên trong mạch dài 3 tháng bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam, cũng có những quĩ mới tham gia hoặc một số quĩ ngoại mua ròng, song nhìn chung lực bán vẫn lấn át. Theo bà Bùi Thị Kim - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc khối ngoại thu hẹp bớt vốn có lí do từ đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn, khối ngoại bán ròng có thể trong tình thế phải cắt lỗ nhưng thu hồi vốn về cũng nhằm phòng thủ trong bối cảnh chưa biết dịch bệnh kéo dài bao lâu. Trong bối cảnh đại dịch TTCK đi xuống đáy vào thời điểm tháng 3.2020, nhà đầu tư càng chậm chân rút vốn thì càng lỗ. Phương châm “tiền mặt là vua” được phát huy trong thời điểm đó.  

... và “lỡ tàu”

Tuy nhiên, sang tháng 4.2020, TTCK Việt Nam và thế giới bắt đầu phục hồi trở lại. Thậm chí, một số thị trường như TTCK Mỹ, quá trình hồi phục diễn ra còn mạnh mẽ hơn rất nhiều thị trường khác. TTCK Việt Nam đã chứng kiến mạch hồi phục hơn 2 tháng với chỉ số VN-Index từ mức đáy khoảng 650 điểm vào cuối tháng 3 đã tăng mạnh và xác lập mức đỉnh vào phiên ngày 10.6, cán ngưỡng 900 điểm.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, trong hai tháng 4 và 5 thị trường hồi phục, chỉ số VN-Index đã tăng trở lại khoảng 30%. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục và tăng của các mã, nhóm mã cổ phiếu lại không giống nhau. Có những mã chỉ tăng từ 15-20%, nhưng nhiều mã tăng giá khoảng 30%-50%. Mạnh mẽ hơn, có những mã tăng tới 70-80% và thậm chí vượt mức 100%.

Dòng tiền trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 chảy cuồn cuộn vào thị trường giúp cho thanh khoản bùng nổ. Dòng tiền đó được cho rằng xuất phát từ các nhà đầu tư trong nước mới tham gia thị trường hay còn gọi là nhà đầu tư F0 (không có kiến thức, không có kinh nghiệm và không cả nỗi sợ). Chính dòng tiền của nhà đầu tư nội đã đóng vai trò lực trụ thị trường trong các tháng dịch vừa qua. Trong đó, theo thống kê trong 3 tháng từ tháng 3-5.2020, có hơn 100.000 tài khoản chứng khoán của các cá nhân trong nước mới được mở. Còn trong tháng 6, các cá nhân trong nước cũng mở gần 35.000 tài khoản chứng khoán.

Dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia thị trường đúng vào lúc TTCK Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Trong tháng 3.2020, những nhà đầu tư F0 đổ tiền vào bắt đáy thị trường thì sang tháng 4 và tháng 5, họ chỉ còn mỗi việc gặt hái thành quả. Tuy nhiên, với mạch hồi phục kéo dài hơn 2 tháng, nhưng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường vào tháng 4 và 5 cũng được hưởng lợi “cứ đầu tư là thắng” và việc đầu tư vào hầu như cổ phiếu nào cũng có lãi. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước gặt hái được thành quả như vậy, dòng tiền khối ngoại vẫn tiếp tục “kiên định” rút khỏi thị trường, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận “lỡ tàu” con sóng hồi phục với cơ hội kiếm lãi lớn. Tại thời điểm từ giữa tháng  5, các nhận định cho rằng, nếu dòng tiền khối ngoại trở lại sẽ còn hợp sức tạo đồng thuận mạnh hơn với dòng tiền của nhà đầu tư trong nước kích thị trường bùng nổ hơn nữa. Tuy nhiên, ngay cả dự báo dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại từ khoảng giữa tháng 6 cũng chưa thể trở thành hiện thực cho tới thời điểm này.

Mất vai trò tích cực nhưng lại gây tác động tiêu cực

Như đề cập ở trên, khối ngoại đã không thể hiện được vai trò tích cực  trong mạch hồi phục vừa qua của TTCK Việt Nam. Trong tháng 6, khối ngoại mua ròng hơn 14.947 tỉ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên, giá trị mua ròng này xuất phát từ khoản đầu tư 15.100 tỉ đồng từ một nhóm nhà đầu tư do quĩ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đứng đầu, cũng chỉ rót vào mỗi mã cổ phiếu VHM theo phương thức giao dịch thỏa thuận, cho nên không có nhiều ý nghĩa về sự “mua ròng” của khối ngoại trên thị trường. Trong trường hợp nếu loại trừ khoản mua thỏa thuận này thì khối ngoại lại rơi vào trạng thái bán ròng mạnh. Sang tháng 7, khối ngoại lại tiếp tục bán ròng. Tính từ đầu tháng đến hết phiên giao dịch ngày 21.7, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 1.186 tỉ đồng trên sàn HoSE, tính ra mỗi phiên khối ngoại bán ròng giá trị bình quân khoảng 79 tỉ đồng.

Khi thị trường bắt đầu đi vào điều chỉnh sau ngày 10.6, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng được rút dần khỏi thị trường sau khi nhiều nhà đầu tư F0 đã gặt hái được lợi nhuận không ít. Theo bà Bùi Thị Kim, trạng thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại lại tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, khiến nhà đầu tư trong nước không còn dám giải ngân mạnh tay. Bởi dù sao khối ngoại cũng là những nhà đầu tư có kiến thức chuyên môn cao, đầu tư bài bản, nắm rõ nhiều thông tin, tình hình doanh nghiệp nên thường được nhà đầu tư trong nước lấy làm tham chiếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn