MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim “Trò chơi mô phỏng”

Thiểu số và yếu thế

NGUYỄN BỈNH QUÂN LDO | 04/04/2017 11:00
Trong thập niên gần đây xã hội ta có những tiến bộ âm thầm mà thực sự là vượt bậc dẫn tới những thay đổi quan điểm cộng đồng, hiệu chỉnh ứng xử của người dân và chính quyền, thậm chí cả những thay đổi về pháp luật. 

Ai không xúc động gai người khi xem bộ phim “Trò chơi mô phỏng” về cuộc đời của Turing, cha đẻ của máy Turing ngày nay được gọi là computer, người anh hùng thế chiến II đã giải được bộ mật mã của quân phát xít Đức mà theo các nhà nghiên cứu ước tính đã giúp rút ngắn cuộc chiến đến 2 năm và “tiết kiệm được sinh mạng của 14 triệu người”. Mặc dù vậy, sau chiến thắng ông bị phát hiện là người đồng tính, bị ép dùng thuốc hoặc bị bỏ tù và Turing đã tự sát để nước Anh và thế giới mất đi một thiên tài. Tuần này nước Đức sẽ thông qua luật bồi thường cho 50.000 người đồng tính từng bị kết án từ sau thế chiến II tới năm 1994.

Cũng thật khó tin rằng, cho đến năm đó người ta mới công nhận đồng tính không phải tội ác, cũng không phải một căn bệnh. Có lẽ đó là một trong những sự lầm lẫn y học, luật pháp và đạo đức dai dẳng nhất trong lịch sử. Ở ta chuyện bình đẳng giới, việc đấu tranh thuyết phục để nhận thức đúng và thực hành bình đẳng giới đã sôi nổi và đạt những kết quả đáng khích lệ (nhiều chuyên gia nhân quyền còn coi là tích cực đến bất ngờ). Vấn đề chống kỳ thị, công nhận nhiều giới tính, công khai bàn luận về chuyển giới và hôn nhân đồng giới, sáng tác phim, truyện, kịch, tranh… về đồng tính khiến cho cộng đồng thay đổi thái độ đánh giá và ứng xử với thiểu số này.

Trong chỉ số hạnh phúc quốc gia nên có tiêu chí về sự được tôn trọng, được yêu thương, được bảo vệ và được bình đẳng của những thiểu số và những “kẻ yếu thế”. Dư luận ngày càng nhạy bén và tư pháp vào cuộc ngày càng nhanh chóng thực việc đối với các hiện tượng xâm hại quyền lợi của những thiểu số và người yếu thế. Việc bạo hành trẻ em gây nhức nhối từ việc bạo lực học đường, bảo mẫu đánh trẻ tới nạn ấu dâm. Pháp luật đòi phải xử nghiêm những kẻ xâm hại, ngược đãi trẻ dưới mọi hình thức.

Các nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, chuyên gia tâm lý, chuyên gia luật… đều hăng hái tư vấn, đưa ra các lý giải, lời khuyên và những giải pháp cụ thể. Là cha mẹ thì chính bạn là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc con bạn bị xâm hại tình dục. Bạn cần có kỹ năng và dạy con bạn có kỹ năng chống lại việc xâm hại. Bạn nên biết rằng, 93% kẻ xâm hại là nhũng người quen của bạn và gia đình. Nghe thật hoảng hốt và đau lòng nhưng đó là sự thực “khách quan”! Một cán bộ trẻ bị sa thải vì ngược đãi, xúc phạm một cụ già 75 tuổi trên đường phố.

Dư luận rất hoan nghênh quyết định đó của “quý cơ quan”. Đó là đạo đức và pháp luật. Ngược đãi người già cũng nóng như ngược đãi trẻ con. Người già đang yếu thế vì cơ cấu gia đình “cổ điển” truyền thống đang tan rã. Sự cô độc của họ cũng tệ hại không kém sự thiếu thốn vật chất. Người khuyết tật là những thiểu số yếu thế rõ rệt nhất. Việc truyền thông và chính quyền ca tụng vinh danh, quảng bá hình ảnh người khuyết tật thành công trong hoạt động cộng đồng, trong khoa học công nghệ, nghệ thuật và thể thao khiến quần chúng nhân dân thấy ấm lòng vì sự tôn trọng và bình thường hóa những năng lực ấy hơn là việc tâng bốc “kỳ tích” của các cá nhân xuất sắc. Việc các không gian công cộng phải có đường cho xe lăn là một tiến bộ.

Một tài xế xe buýt đã mất việc vì từ chối phục vụ một người đi xe lăn không phải vì anh ta không giúp đỡ một kẻ thiểu số yếu thế mà vì đã vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi bình thường của người khuyết tật. Việc làm các ba-ri-e ngăn xe máy trèo lên vỉa hè cũng bị phê phán vì nó gây khó cho rất ít người đi xe lăn!

Các đô thị đang “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ. Ở ta người đi bộ là đa số hay thiểu số khi chủ yếu là khách du lịch mà thôi? Nhưng một thiểu số (rất đông đảo) là người nhập cư nghèo mưu sinh trên vỉa hè (và làm giàu cho chủ nhà mặt tiền!) thì sao. Nói cho khoa học và đúng lịch sử đô thị thì thành phố nào chả là thành phố của người nhập cư. Nhập cư sớm mấy thế hệ trước thì thành “ma cũ”. Mới xuống bến xe tìm nhà trọ thì là “ma mới”. Bắt nạt nhau đâu phải là giải pháp!

Năm 1940 Sài Gòn chỉ có 300.000 dân. Nay 13 triệu thì chẳng phải 12,7 triệu tức X% là dân nhập cư sao. Nhập cư là quy luật hiển nhiên của phát triển đô thị. Giả tạo ra đối lập, kỳ thị nhập cư là ngược quy luật và luôn thất bại. Chào đón, ưu đãi, hỗ trợ thiểu số yếu thế này mới là khôn ngoan và thành công. Thế nên thành phố tôi dẹp vỉa hè được hoan nghênh một thì việc ổn định chỗ kiếm sống cho hàng rong, cho người bán báo, bán nước, bán ổi, bán bánh mỳ và đủ thứ linh tinh khác được hoan nghênh mười. Chương trình nhà ở xã hội, nhà giá rẻ và siêu rẻ cho thiểu số yếu thế nhập cư cũng được hoan nghênh như vậy.

Nước ta người Kinh chiếm khoảng 90% dân số, hơn năm chục sắc dân khác là thiểu số và họ thực sự yếu thế về kinh tế văn hóa xã hội ở các vùng sâu và xa. Khoảng cách giàu nghèo, sướng khổ không hề nhỏ. Tất nhiên phát triển thì không thể ảo tưởng đồng đều, dàn hàng ngang cùng kéo nhau lại mà phải có các đầu tàu bứt phá. Song quốc sách phải là đầu tàu bứt nhanh kéo theo các toa tàu, không để một toa thiểu số yếu thế nào bị bỏ rớt lại sau (mà không biết!).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn