MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 miếng “thịt giả” của Beyond Burger. Từ khi ra thị trường sản phẩm này, cổ phiếu của hãng Beyond Meat (sở hữu thương hiệu này) đã tăng 450% và giá trị thị trường của hãng đạt trên 8 tỉ USD. Ảnh: Getty Images

“Thịt giả” - tương lai của thức ăn?

Bảo Hân (dịch từ báo chí nước ngoài) LDO | 23/11/2019 07:39

Thịt có nguồn gốc từ thực vật hoặc được "nuôi trồng" từ tế bào động vật trong các phòng thí nghiệm đang hiển hiện. Người ta gọi chung đây là “thịt giả” (fake meat) để phân biệt với thịt thật truyền thống. Thậm chí, có người còn gọi đây chính là tương lai của thức ăn.

Xu hướng mới

Một trong những hãng đang đầu tư mạnh mẽ nhất vào “thịt giả” có nguồn gốc từ thực vật là Burger King. Vào tháng 8.2019, hãng này đã bắt đầu bán loại burger Impossible Whopper (với nhân thịt giả nguồn gốc thực vật) trên toàn nước Mỹ.

“Canh bạc” này đã thành công rực rỡ. Impossible Whopper đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thành công nhất trong lịch sử của thương hiệu này. Việc ra mắt thương hiệu này đã giúp tăng doanh số bán hàng trên toàn nước Mỹ tăng nhanh.

Vào đầu năm nay, Burger King còn cho ra mắt một phiên bản khác của Impossible Whopper mang tên Rebel Whopper tại thị trường Thụy Điển. Và mới đây, hãng đồ ăn nhanh này bắt đầu “lên kệ” sản phẩm mới này ở 20 thị trường với 2.400 nhà hàng trên toàn Châu Âu. Hãng này cũng đang thử nghiệm nhiều sản phẩm thịt có nguồn gốc thực vật khác, trong đó có Impossible Whopper Jr. và Impossible Burger mới trên thị trường Mỹ.

Các nhà hàng rất hào hứng thêm sản phẩm này vào thực đơn để hút thêm thực khách - những người muốn giảm lượng đồ ăn của mình vì mục đích sức khỏe và bảo vệ môi trường. Hãng Barclay dự đoán, thịt giả có thể đạt mức 140 tỉ USD doanh số bán vào thập kỷ tiếp theo, chiếm khoảng 10% lĩnh vực cung cấp thịt trên toàn thế giới. Các dấu hiệu cho thấy một làn sóng mới của “thịt không có thịt” đang tiếp cận đến vị thế vững chắc từ trước đến nay của thịt truyền thống.

Có tốt hơn cho môi trường?

Theo ước tính, vào năm 2050, nhu cầu đối với thịt trên thế giới sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi động vật để lấy thịt như hiện nay đang gây hại cho môi trường ở góc độ toàn cầu. Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc cho rằng, ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm tới 14,5% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới, với 65% trong đó đến từ chăn nuôi bò và gia súc cho sữa. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, trừ khi con người thay đổi cách họ sản xuất thịt và sử dụng đất đai. Câu hỏi đặt ra là “thịt giả” liệu có tốt đối với môi trường? Câu trả lời là "thịt giả" có thể giúp cho môi trường tốt hơn.

Trên website của Impossible có đưa ra đánh giá của hãng Quantis cho biết, tác động về mặt môi trường ít hơn của sản phẩm Impossible Burger. Theo đó, sản phẩm này sử dụng ít hơn 96% lượng đất, 87% nước và thải ra ít hơn 89% lượng khí thải nhà kính. Rachel Konrad - Trưởng Bộ phận Truyền thông của Impossible - cho rằng, với những con số trên, sản phẩm “thịt giả” của hãng mang lại những lợi ích về sức khỏe cho cộng đồng, vì dùng ít tài nguyên đất, nước, năng lượng hơn.

Sản phẩm Beyond Burger cũng tạo ra ít lượng khí thải nhà kính ít hơn 90%; cần ít hơn 46% năng lượng, 99% nước và 93% đất so với sản phẩm từ thịt bò truyền thống.

Trong khi các hãng sản xuất "thịt giả" liên tục nói về lợi ích về môi trường, thì các nhà môi trường bày tỏ sự hoài nghi. Một vài nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đối với những người muốn giảm bền vững lượng thải carbon, chế độ ăn dựa trên thực vật không qua chế biến thay vì ăn "thịt giả" là tốt cho sức khỏe của con người cũng như “sức khỏe” của hành tinh.

Nhiều người đưa ra so sánh: Trong khi các sản phẩm "thịt giả" có nguồn thực vật của các công ty này chỉ thải ra một nửa lượng carbon mà chăn nuôi gà thải ra, chúng lại có lượng thải carbon gấp 5 lần để có 1 đĩa đậu xanh. Vì vậy, việc Beyond và Impossible đang đi theo hướng giảm lượng khí thải carbon là điều đó tốt cho môi trường, nhưng nếu nói rằng đây là cách thức sản xuất thân thiện nhất đối với khí hậu, thì kết luận này là chưa đúng.

Có tốt cho sức khỏe hơn so với thịt thật?

Nếu chỉ tính riêng lượng calories, protein lấy từ thực vật tốt cho sức khỏe hơn “thịt giả” từ động vật. Loại burger Impossible Whopper của hãng Burger King có ít lượng calories, chất béo và cholesterol hơn loại Whopper thường. "Thịt giả" dựa trên tế bào động vật có tiềm năng để tốt cho sức khỏe hơn là thịt thật vì nó được “thiết kế” để chứa nhiều protein, các loại acid amin thiết yếu, vitamin hơn trong khi giảm được lượng chất béo bão hòa và giảm khả năng nhiễm các loại bệnh do các loại vi khuẩn như salmonella và E. coli gây ra do thịt bị nhiễm khuẩn.  

Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi thịt truyền thống, việc sử dụng quá mức kháng sinh trong ngành này đã dẫn đến hậu quả là hàng triệu người bị kháng kháng sinh sau khi tiêu thụ những loại thịt này. Vào năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã phải ra tuyên bố rằng, kháng kháng sinh là một mối nguy hại khẩn cấp đối với sức khỏe con người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến dân số nhân loại có lẽ gần bằng với tác động của tình trạng trái đất ấm lên. Cùng với đó, quá trình giết mổ cũng dễ khiến thịt thật dễ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là “thịt giả” hoàn toàn tốt cho sức khỏe con người so với thịt thật. Đối với loại “thịt giả” từ thực vật, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, tuy có nguồn gốc từ thực vật, nhưng những gì bạn ăn không giống như bạn đang ăn rau. Đây là loại thức ăn được chế biến quá mức - với hàng tá nguyên liệu không được nuôi trồng theo cách truyền thống - mà được sản xuất ở trong nhà máy. Theo các nhà dinh dưỡng, việc ăn các thực phẩm bị chế biến quá mức có thể khiến người ăn bị tăng cân. "Thịt giả" nguồn gốc thực vật còn chứa chất sodium (một chất gây hại cho sức khỏe nếu dư thừa) nhiều hơn so với thịt thật. Nhiều người còn lo ngại các loại “thịt giả” này còn lấy từ nguồn thực vật bị biến đổi gen.

Còn trên CNN, chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer đưa ra ví dụ, Impossible Burger (có nhân “thịt giả” nguồn gốc thực vật) chứa 240 calories, và có 8gr chất béo không bão hòa từ dầu dừa. Những thông số này không khác biệt lắm so với burger có nhân thịt bò thật: 280 calories và 9gr chất béo không bão hòa. Loại burger nhân thịt gà (thật) lại chỉ có 4-5gr chất béo không bão hòa, với 220-240 calories. Trong khi đó, loại burger chay dựa hoàn toàn trên ngũ cốc chỉ chứa 150 -160 calories, và 1gr chất béo không bão hòa. Do đó, theo chuyên gia này, đây mới là loại burger tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, những loại burger này còn có những nguyên liệu thực vật thực sự, như hành, nấm, hạt tiêu, cà rốt...  Chuyên gia này cho rằng, nếu bạn chọn ăn những loại burger nhân “thịt giả” chỉ vì lý do môi trường, đó là một quyết định “win - win”, bởi vì bạn vừa được thưởng thức đồ ăn, lại vừa đóng góp vào “sức khỏe” của hành tinh. Nhưng nếu mục đích của bạn đơn thuần chỉ là muốn tiêu thụ ít hơn năng lượng, hoặc chất sodium, chất béo không bão hòa... bạn cần suy nghĩ lại quyết định của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn