MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Ảnh: Mi Lan

Thơ Hoàng Việt Hằng gánh những đau khổ lớn hơn cả đau khổ

Mi Lan LDO | 26/11/2023 06:21

Mở đầu tập thơ “Hoàng Việt Hằng thơ tuyển” có 3 câu thơ chỉ cần đọc lên là day dứt khôn nguôi. Đó chính là Hoàng Việt Hằng. Nỗi đau khổ đã lớn đến mức bình thản. Chị ngụy trang mình dưới dáng vẻ bình thản, sau khi đi qua hành trình đau khổ, “Tôi sống cuộc đời vất vả/Có đau khổ lớn hơn cả đau khổ/Nỗi buồn sao không thể khác đi...”.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng sinh năm 1953 tại Hà Nội. Chị từng kể: “Thanh xuân của chúng tôi là chạy bom, là lao động, đan len thêu thùa, học nữ công gia chánh. Thời gian rỗi, thì lên thư viện Hà Nội đọc sách. Thuở đó tôi làm thợ cơ khí ở nhà máy Cơ Khí Trần Hưng Đạo...”.

Trong 20 năm tuổi trẻ, Hoàng Việt Hằng cùng với những người bạn thợ của mình đã lao động ở hàng loạt công trường, tham gia xây dựng các công trình lớn của Hà Nội như Bệnh viện Nhi Trung Ương, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Rạp xiếc Trung ương, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Trung Tự...

Hoàng Việt Hằng đã đi qua những năm tháng vất vả nhất, nghèo khó, điêu đứng nhất ở Hà Nội những năm 1980 - 1981.

“Chúng tôi thời ấy đói khổ vô cùng. Vợ chồng tôi (chồng nhà thơ Hoàng Việt Hằng là nhà văn Triệu Bôn) chỉ mong có được một bữa cơm đủ no, chiếc áo ấm đủ mặc. Tôi đã chứng kiến những số phận thảm khốc của bạn bè tôi vì đói, vì nghèo... Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian lao đến không thể tưởng tượng”.

Sau thời gian đau ốm, chồng của Hoàng Việt Hằng ra đi năm 2003, suốt 20 năm qua, nhà thơ phải đối diện với sự đơn độc, trống vắng. Thơ ca trở thành điểm tựa để Hoàng Việt Hằng vịn vào và đứng dậy, tiếp tục cuộc sống. Thơ với Hoàng Việt Hằng là sự giãi bày, chia sẻ, là cuộc giằng xé day dứt của nỗi nhớ, là cuộc đối diện không khoan nhượng với nỗi buồn trong chính tâm hồn mình.

Thơ của Hoàng Việt Hằng không khiến người ta choáng ngợp trước câu chữ, hình ảnh, nhưng trĩu nặng tâm tư, cảm xúc. Bất cứ ai vừa gặp thoáng qua, bất cứ cuộc đời, số phận buồn thương nào, bất cứ ký ức, kỷ vật nào, cũng có thể chạm đến những day dứt trong tâm can tác giả.

... ở cuối cánh đồng trẻ chăn trâu vẫn hát
lúa vẫn vàng như vậy thật sao?
day dứt mãi trong tôi
nhìn xuống đất sâu
đời ông già có nghề liệm xác
ông ơi ông chỉ sống có một mình với chai rượu trắng?...

(trích Day dứt).

Sự đơn độc của ông già làm nghề liệm xác khiến nhà thơ nặng lòng. Dường như, chị nhìn thấy chính sự đơn độc của mình trong nỗi cô độc của ông già liệm xác. Phải gánh trên vai nỗi đau nhân thế, phải tận mắt chứng kiến mỗi ngày sự chia lìa sinh tử, thấm nhuần nỗi đau thời cuộc và tính hữu hạn của đời người, nhưng ông già làm nghề liệm xác hoàn toàn cô đơn, chỉ biết trút mọi nỗi đau buồn với chai rượu trắng.

Thơ của Hoàng Việt Hằng nhạy cảm với mỗi nỗi đau của nhân thế, phận người. Bởi chính chị, đã đi qua những nỗi đau khổ lớn hơn cả đau khổ, đã tắm mình trong đơn độc, đã thấm đẫm trong chia ly sinh tử, mất mát, nên chị thấu cảm và thấu hiểu đến tận cùng những nỗi đau dù chỉ vụt thoáng đi qua.

Hoàng Việt Hằng miêu tả nỗi đau của người khác và của chính mình dưới những con chữ tưởng như bình thản, nhưng trĩu nặng. Ẩn ức về tình mẫu tử, ẩn ức về một gia đình nhiều tổn thương, ẩn ức về một quá vãng xa xôi đau buồn, trở đi trở lại trong thơ.

... “bố nuôi tôi đã mất
Chớp mắt năm thu rồi
Bố đẻ không biết mặt
Xương tàn nơi phương trời
...Mẹ đẻ ráng chiều nào
Nhìn tôi như là khách
Phải cắn răng thật chặt
Đừng run rẩy bàn tay...”

(trích bài thơ Sao kết thúc lại thế này)

Vượt lên trên tất thảy những nỗi buồn thương là tình yêu sâu nặng, nỗi nhớ nhung không nguôi ngoai theo thời gian của nhà thơ dành cho chồng. Đề tài về tình yêu, nỗi nhớ, sự thủy chung, không gian tĩnh lặng của khoảng cách sinh - tử, giới hạn của trần gian và cõi chết, thấm đẫm trên những trang viết của Hoàng Việt Hằng.

“có những đêm viết khuya
Rồi không sao ngủ được
Chợp mắt
Chiêm bao thấy anh về
Anh vẫn ngồi pha trà chỗ cũ
Vẫn cắm cúi bên trang giấy ngả vàng
Nhưng em không sao lại gần
Không gian như ai vừa rắc tro...”

(trích bài Chiêm bao)

Trong thế giới thơ của Hoàng Việt Hằng, chồng chị đã rời cõi tạm, đã đi rất xa, nhưng luôn gần gụi, luôn hiện diện, luôn trở về bên chị. Mỗi ký ức, mỗi kỷ vật đều nhắc nhớ đến anh, cả những người chị gặp trên chặng đường đơn độc sau này cũng khiến chị nhớ về anh. Chính tình yêu, sự thủy chung, nặng lòng với chồng đã giúp Hoàng Việt Hằng có thêm sức mạnh trong cuộc độc hành và bước tiếp với thơ ca.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng từng 3 lần tham gia cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn do báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam. Cuộc thi tổ chức trong giai đoạn từ 1990 - 1995, nhà thơ Hoàng Việt Hằng đoạt giải Nhì với tập thơ Những dấu lặng.

Đến giai đoạn 2000-2014, nhà thơ Hoàng Việt Hằng tiếp tục đoạt giải Nhất với tập thơ Xóa đi và không xóa. Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2021-2023, nhà thơ Hoàng Việt Hằng tham gia ở thể loại tiểu thuyết với tác phẩm “Thời gian trong cõi tạm”. Tác phẩm được đánh giá cao, gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn