MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiêm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Thử nghiệm vaccine chống COVID-19 của Việt Nam và dùng cho người Việt Nam

Bài và ảnh Thùy Linh - Hải Nguyễn LDO | 20/12/2020 11:41
Tại Học viện Quân Y, những người Việt Nam đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 có tên Nano Covax, được nghiên cứu và sản xuất bởi chính các nhà khoa học Việt Nam. Việc khởi động tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax đã mở ra những hy vọng mới về một loại vũ khí có khả năng khống chế đại dịch COVID-19 đang gây hoang mang trên toàn cầu.

Những người Việt Nam đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19

Họ là những người khỏe mạnh trong độ tuổi 18-50, hoàn toàn được giữ bí mật về các thông tin cá nhân, được kiểm tra sức khỏe và sàng lọc hết sức cẩn thận trước khi được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19.

Trong giai đoạn thử nghiệm lần này, Học viện Quân y chỉ chọn khoảng 60 tình nguyện viên, sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Ngày 17.12, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi thứ nhất tại Viện Nghiên cứu Y được học Quân sự, Học viện Quân Y. Sau 72h theo dõi, nếu họ không có các bất thường, 57 người còn lại sẽ được tiêm vaccine này.

Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine - cho biết, ngày 17.12, tình nguyện viên được tiêm mũi tiêm đầu tiên của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất. Dự kiến, giai đoạn 1 diễn ra trong 4 tháng, giai đoạn 2 là 4 tháng tiếp theo và giai đoạn cuối cùng là 8 tháng. Trong đó, giai đoạn 1 không dùng nhóm đối chứng (dùng giả dược). Theo ông Quang, với tiến độ này, dự kiến cuối năm 2021, chúng ta sẽ có dữ liệu lâm sàng để đánh giá vaccine Nano Covax.

Đại diện Bộ Y tế cho hay, tiêu chí tuyển tình nguyện viên theo 3 giai đoạn sẽ có các tiêu chí khác nhau. Trong đó, quan trọng là họ phải có sự hiểu biết, được tư vấn và tự đưa ra quyết định của mình. Họ hoàn toàn không bị ép buộc. Khi tham gia, họ được theo dõi trước, trong và sau khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Về quy trình, đại diện Học viện Quân Y nói rằng, những tình nguyện viên sẽ đến phòng đón tiếp. Sau khi được tư vấn, nếu đồng ý, họ sẽ được khám sàng lọc và xét nghiệm. Các xét nghiệm, chụp X-quang, điện tim... được thực hiện tại viện. Người đủ điều kiện sẽ được chọn để tiêm vaccine. Sau khi tiêm, họ được nghỉ ngơi tại Viện Nghiên cứu Y được học Quân sự, Học viện Quân Y, trong 3 ngày. Đơn vị bố trí các phòng khép kín, đầy đủ tiện nghi cho nam, nữ riêng biệt. Ngoài ra, còn có nhà ăn tại chỗ. Ông Quyết cho hay, các quy trình được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự giám sát của hội đồng đạo đức gồm các chuyên gia khắp cả nước.

Một trong 3 tình nguyện viên được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Phải thắng lợi để có vaccine cho người Việt Nam

Nói về những mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y - khẳng định: "Mục tiêu cao nhất là phải an toàn cho các tình nguyện viên, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất có thể được về mọi mặt, trong đó có cả hồi sức. Đối với thử nghiệm vaccine thông thường, sẽ tiêm bắp và theo dõi nhưng trong trường hợp đặc biệt như thế này, sẽ đặt ven tĩnh mạch để tiêm. Chúng tôi đã phải xây dựng một quy trình cho trường hợp có tác dụng không mong muốn thể nhẹ, vừa và thậm chí nặng nhất là nguy kịch đến tính mạng, chúng tôi cũng đã lường trước tất cả nguy cơ. Những trường hợp tiêm thử nghiệm đầu tiên đã được khám lâm sàng thật kỹ, hỏi tiền sử gia đình, bệnh tật, tiền sử liên quan đến dị ứng, điện tim, Xquang... Sau khi hội đồng thông qua, mới có thể tiêm thử nghiệm".

Theo GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị cho công tác thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 giai đoạn 1, học viện đã tối ưu về cơ sở vật chất, phòng ốc, giường, điện nước, kể cả những tiểu tiết như điều hòa không khí để đảm bảo nhiệt độ ấm, tránh cảm giác đau khi tiêm vaccine cho tình nguyện viên...

"Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia - 2 đơn vị thực hành và các phòng ban của chúng tôi - đều đã sẵn sàng "ứng chiến", đối phó với mọi tình huống. Chúng tôi chuẩn bị như tham gia vào một chiến dịch khi chúng ta quan niệm COVID-19 là "giặc", như trong trạng thái của đội quân chiến đấu, thật cẩn thận và phải thắng lợi" - GS Đỗ Quyết khẳng định.

Công tác theo dõi sau tiêm được triển khai nghiêm ngặt.

Giám đốc Học viện Quân y cũng cho biết, hiện những trường hợp gặp biến chứng sau khi tiêm vaccine trên thế giới không nhiều. Hy vọng Nano Covax cũng như vậy. Dù nguy cơ rất thấp nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên, Học viện Quân y đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện kể cả khi xảy ra tai biến sẽ xử lý được.

GS.TS Đỗ Quyết cho hay, hiện các vaccine COVID-19 đang nghiên cứu trên thế giới gây những tai biến không mong muốn không nhiều. Vaccine của Việt Nam cũng được kỳ vọng như vậy. Tuy nhiên, Học viện Quân Y đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi và an toàn.

Mũi vaccine Nano Covax đầu tiên được tiêm thử nghiệm trên người Việt Nam.

“Hôm qua (16.12), chúng tôi đã diễn tập nhiều lần, dự phòng tình huống. Bất cứ tác dụng phụ không mong muốn nào xảy ra, Học viện Quân y cũng phải xử lý được. Hiện công tác hồi sức cấp cứu rất sẵn sàng. Dù rất ít nguy cơ song, khi xảy ra, chúng tôi cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêm” - GS Quyết nói.

“Hiện nay, vaccine COVID-19 thế giới chỉ đáp ứng được 1/5 dân số thế giới và cũng chỉ ưu tiên những nước phát triển. Vaccine này của chúng ta là sản phẩm của Việt Nam và dùng cho người Việt Nam” - ông Quyết khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn