MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: QH

Thúc đẩy KHCN làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội

đặng tiến LDO | 13/11/2022 07:01
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Chú trọng đầu tư phát triển KHCN

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho KHCN. Mặc dù chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho KHCN có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước (NSNN) còn khó khăn, chi thường xuyên cho KHCN vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi NSNN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, mặc dù hoạt động KHCN là hoạt động có nhiều tính đặc thù (bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro và có độ trễ; các nghiên cứu được triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn lực NSNN hoặc nguồn lực xã hội để phát huy trong thực tế), nhưng thời gian vừa qua Bộ KHCN cũng đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để qua đó phản ảnh được tình hình và kết quả hoạt động KHCN chủ yếu của đất nước; làm cơ sở trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ.

Cụ thể, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15.5.2018 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KHCN và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về KHCN. Trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của KHCN vào phát triển KTXH có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp của TFP vào tăng trưởng; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII); Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam; Cơ cấu đầu tư cho KHCN từ NSNN và từ doanh nghiệp; Số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu này đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN & ĐMST

Từ năm 2013 đến nay, Bộ KHCN đã thực hiện xây dựng và công bố sách trắng hằng năm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN cũng đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam, qua đó có thể đánh giá được mối tác động giữa các hoạt động KHCN & ĐMST với phát triển KTXH ở từng vùng, miền.

Tuy nhiên KHCN & ĐMST còn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển KTXH, tình trạng nhiệm vụ KHCN chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; các chương trình và nhiệm vụ KHCN chưa góp phần hình thành các lĩnh vực công nghệ hay ngành hàng mũi nhọn; nhiều kết quả KHCN từ các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn do các vướng mắc về quản lý tài sản công; hệ thống thông tin, thống kê về KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính hệ thống, độ tin cậy. Bộ KHCN sẽ tiếp tục tổ chức và thực hiện các giải pháp để giải quyết các tồn tại này trong thời gian tới.

Việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN & ĐMST luôn là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KHCN chủ yếu dựa vào NSNN (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KHCN), đến nay đầu tư cho KHCN từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỉ lệ tương ứng là 52% và 48%. Trong giai đoạn đến 2030, cần phấn đấu tỉ trọng này đạt mức 70/30 như trung bình của các nước có nền KHCN tiên tiến.

Về Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, theo số liệu thống kê của Tổng cục thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ với tổng số tiền trên 23.895 tỉ đồng, trong đó số sử dụng trên 14.411 tỉ đồng, chiếm khoảng 60,3%. Có thể thấy rằng số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Chỉ một số doanh nghiệp lớn như Viettel, PVN, VNPT... có khả năng trích lập Quỹ với số tiền tương đối lớn.

Việc trích lập và sử dụng quỹ hiện nay có vướng mắc, khó khăn, cụ thể như: Tỉ lệ trích lập quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam trong đó một phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; Gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập quỹ cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ chưa đủ hấp dẫn; Quy định hiện nay không cho phép sử dụng quỹ để mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động SXKD; Các quy định về quản lý quỹ không phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc triển khai các hoạt động chi của quỹ; Thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của quỹ; Thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ KHCN sử dụng quỹ thực hiện theo thủ tục của dự án đầu tư chưa phù hợp với đặc thù tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KHCN.

Để khuyến khích hơn nữa việc doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN trong giai đoạn tới, Bộ KHCN sẽ đề xuất Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT và các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KHCN 2013, Nghị định 95/2014/NĐ-CP về cơ chế tài chính và đầu tư cho KHCN để nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp tăng tính hấp dẫn đối với DN trong việc trích lập và sử dụng quỹ, đồng thời nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn của quỹ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo báo cáo số 2273 của Bộ KHCN ngày 26.9.2022 gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong cả giai đoạn 2016-2021 có 86 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, chiếm 4% tổng số nhiệm vụ được xử lý dừng thực hiện theo quy định, vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Bộ cũng đã báo cáo thông tin chi tiết về việc xử lý đối với từng nhiệm vụ. “Nghiên cứu khoa học là hoạt động dấn thân, thám hiểm của các nhà khoa học vào các vấn đề, lĩnh vực có tính mới, do đó ngay cả một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị cho việc phát triển KHCN”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn