MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thung lũng Silicon sẽ rất khác sau đại dịch COVID-19

Huyền Anh LDO | 13/06/2021 21:30
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) thay đổi chính sách, cách thức làm việc để phù hợp với tình hình mới. Và mô hình làm việc hybrid dần phổ biến.

Cuộc di cư lớn đã bắt đầu

Sau bốn tháng làm việc tại nhà vì đại dịch COVID-19, Reeba Akram quyết định thay đổi nơi ở.

Reeba Akram, làm việc cho Google, đã cùng chồng và hai con nhỏ chuyển từ Los Altos - cách trụ sở chính của công ty ở Thung lũng Silicon (khu vực Vịnh San Francisco, bang California) 15 phút lái xe - đến Dallas, bang Texas (Mỹ). Lý do lớn nhất cho việc chuyển nhà, theo cô, là giá cả sinh hoạt. "Chúng tôi đã trả gấp ba lần số tiền thế chấp căn nhà mà chúng tôi có ở Texas, nhưng diện tích chỉ bằng 1/3" - cô cho biết.

Reeba Akram nói rằng, lựa chọn nơi sinh sống hiện là "câu hỏi của năm" khi thời hạn cuối cùng của Google đang đến gần - tháng 9 này - để nhân viên quyết định rời văn phòng, trở lại hay làm việc từ xa.

Reeba Akram là một phần của cuộc di cư công nghệ khá lớn khỏi khu vực Vịnh San Francisco, với các công ty lớn nhất của trung tâm công nghệ bao gồm Twitter, Facebook, Google và Apple. Các ông lớn này là những công ty đầu tiên chuyển sang chế độ làm việc từ xa vào năm ngoái khi đại dịch COVID-19 hoành hành dữ mạnh ở Mỹ. Một số nhân viên đã chuyển đến những nơi hoàn toàn khác của đất nước, trong khi những người khác - đại đa số - chỉ đơn giản là chuyển đến nơi khác trong tiểu bang hoặc đến vùng ngoại ô cách đó vài giờ.

Các công ty và người lao động bắt đầu tính đến loại văn phòng họ muốn sau hơn một năm làm việc tại nhà. Ngành công nghiệp công nghệ và các công ty lớn nhất của nó đang nổi lên như những người đi trước trên "mặt trận" đó, đã đi tiên phong trong một số khía cạnh của văn hóa công sở hiện đại trong nhiều năm trước khi thiết lập chuyển sang chế độ làm việc từ xa khi đại dịch bắt đầu.

Nhưng tài năng công nghệ mà các công ty ở Thung lũng Silicon cạnh tranh nhau đã rải ra khắp đất nước trong năm qua và đại dịch cũng cho thấy rõ ràng rằng, phần lớn công việc của họ trên thực tế có thể được thực hiện từ xa ra sao. Với hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và việc mở cửa trở lại với phạm vi ngày càng rộng hơn, nhiều công ty trong số này đang tìm kiếm giải pháp xem họ sẽ tiếp tục cho phép làm việc từ xa đến mức nào và nhân viên đang suy nghĩ nhiều hơn về mức độ họ muốn.

Kết quả có thể có tác động lớn đến các công ty ở Thung lũng Silicon vốn đã chi hàng tỉ USD cho các khu ký túc xá cùng đặc quyền để giữ chân nhân lực làm việc lâu nhất có thể. Chưa kể cả các thành phố lớn khác cũng đang cạnh tranh để thu hút nhân tài từ trung tâm này của ngành công nghệ.

Ưu và nhược điểm

Cũng giống như ngành công nghiệp công nghệ dẫn đầu trong việc chuyển đổi sang làm việc từ xa, các công ty hàng đầu của nó đang sớm cung cấp các biểu mẫu để đưa nhân viên trở lại văn phòng (hoặc không).

"(Nhân viên của) chúng tôi thực sự có nhận thức rất khác nhau về chuyện làm việc tại nhà. Một số cảm thấy dễ dàng trong tách biệt cuộc sống với công việc hơn nếu họ ở văn phòng, một số người khác thực sự cảm thấy dễ dàng hơn nếu ở nhà" - Nikki Krishnamurthy, Giám đốc nhân sự Uber, nói với CNN Business trong một cuộc phỏng vấn.

Uber bắt đầu đưa công nhân trở lại trụ sở hoàn toàn mới của mình tại khu Mission Bay ở San Francisco lần đầu tiên vào cuối tháng 3. Họ được cho làm từ xa đến tháng 9 rồi quay trở lại chỗ ngồi ở văn phòng như trước đại dịch, sau đó họ sẽ được yêu cầu ở văn phòng ít nhất ba ngày một tuần.

Krishnamurthy cho biết, công ty đã chọn cách này sau khi cân nhắc các lựa chọn để cân bằng giữa năng suất, tính tương tác, tinh thần đồng đội và tính linh hoạt, đồng thời vẫn giữ được văn hóa phát triển nhanh của mình. Một cuộc khảo sát đối với nhân viên Uber vào tháng 9 năm ngoái cho thấy, 75% sẽ thích một mô hình hybrid - hình thức làm việc là chỉ đến văn phòng vài ngày trong tuần.

Facebook cho hay, nhân viên nói chung sẽ được yêu cầu trở lại văn phòng hiện tại mặc dù họ có thể chuyển đổi các vai trò ở địa điểm khác. “Ngoài ra, còn có một lựa chọn cho nhân viên ở các vai trò đủ điều kiện đăng ký làm việc từ xa dài hạn” - Facebook cho biết thêm trong một tuyên bố. "Chúng tôi không coi các văn phòng sôi động và làm việc từ xa như một sự đánh đổi. Chúng tôi tin rằng, những điều này có thể cùng tồn tại và được thống nhất bởi một trải nghiệm gắn kết của nhân viên".

Twitter đã nói với nhân viên rằng, họ có thể làm việc từ xa "mãi mãi" nếu họ chọn như vậy và vai trò của họ cho phép.

Nhân viên của Google trên khắp thế giới sẽ tiếp tục làm việc từ xa cho đến tháng 9, sau đó họ có thể lựa chọn trở lại văn phòng như trước đại dịch, làm việc tại văn phòng Google ở một thành phố khác hoặc làm việc từ xa vĩnh viễn từ bất kỳ đâu nếu vai trò của họ cho phép, CEO Sundar Pichai cho biết trong một lưu ý cho nhân viên vào đầu tháng này.

Pichai nói rằng, ông hy vọng 60% lực lượng lao động toàn cầu của công ty sẽ quay lại văn phòng như trước đại dịch vài ngày trong tuần, trong khi 20% sẽ chuyển đến một văn phòng khác và 20% còn lại sẽ làm việc tại nhà. Đó là một sự khác biệt nhỏ so với kế hoạch trước đây của Google, trong đó tất cả nhân viên sẽ đến văn phòng ba ngày một tuần - tương tự như của Uber.

Ngành công nghệ có vẻ có vị trí tốt cho công việc từ xa vô thời hạn nhưng nó cũng đã dành nhiều năm để xây dựng văn hóa hợp tác và đổi mới đến mức sẽ không thể từ bỏ khi chi hàng tỉ USD cho các văn phòng và đặc quyền khổng lồ như đồ ăn miễn phí, phòng tập thể dục và khoang ngủ để thuyết phục nhân viên dành nhiều thời gian ở đó hơn là ở nhà.

Theo Nicholas Bloom - một giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, người có nghiên cứu tập trung nhiều vào công việc từ xa, một mô hình kết hợp như Uber đang áp dụng sẽ có khả năng trở thành chuẩn mực hơn. “Thật khó để nảy ra những ý tưởng mới và những sản phẩm khi làm việc hoàn toàn từ xa. Hậu đại dịch, điều đó sẽ không thay đổi vì nhân viên (công nghệ) có xu hướng làm việc tốt khi ít nhất một phần trong tuần họ làm việc cùng nhau" - ông nói.

"Trận chiến" của các trung tâm công nghệ

Không chỉ nhân viên mới có những động thái lớn. Trước đó trong đại dịch, đã có một cuộc di cư nhỏ của các công ty công nghệ và giám đốc điều hành từ Vùng Vịnh đến các thành phố khác, với Florida và Texas nổi lên như những điểm đến đặc biệt phổ biến.

Hewlett Packard Enterprise (HPE) được ghi nhận là người khởi xướng ở Thung lũng Silicon, đã thông báo vào tháng 12 năm ngoái rằng họ sẽ chuyển trụ sở chính đến Houston. Oracle - một công ty lâu năm khác của Thung lũng Silicon - thông báo chuyển đến Austin vào cuối tháng 12 đó.

Các cá nhân nổi tiếng trong khu vực bao gồm Giám đốc Điều hành Tesla (TSLA) Elon Musk, Giám đốc Điều hành Dropbox (DBX) Drew Houston và nhà đầu tư nổi tiếng ở Thung lũng Silicon Jim Breyer đều đã chuyển đến thủ phủ bang Texas trong những tháng gần đây.

Thị trưởng Miami - Francis Suarez - đã dành nhiều tháng để "tán tỉnh" các doanh nhân, nhà đầu tư công nghệ và đạt được một số thành công. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy, cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon có thể hơi bị phóng đại. Đầu năm nay, Google đã cam kết hơn 1 tỉ USD để mở rộng văn phòng tại California, trong khi Apple được cho là đã thuê sáu tòa nhà mới ở thành phố Sunnyvale thuộc khu vực Vịnh có sức chứa lên đến 3.000 nhân viên.

Một báo cáo vào tháng 3 của công ty đầu tư Telstra Ventures cho biết, 96,9% công ty khởi nghiệp ở lại khu vực Vịnh và đầu tư tăng 4% so với năm 2019. "Khu vực vịnh sẽ tiếp tục là tâm điểm của công nghệ trong nhiều năm tới" - Mark Sherman, đối tác chung tại Telstra Ventures, đã viết trong báo cáo.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy, khu vực này bắt đầu phục hồi trở lại. Một báo cáo tháng trước của công ty bất động sản CBRE cho biết, giá thuê tại các trung tâm công nghệ lớn của Mỹ bao gồm San Francisco, San Jose, Cupertino (quê hương của Apple) và Mountain View (quê hương của Google) dường như đã chạm đáy và bắt đầu tăng trở lại trong năm nay.

Tuy nhiên, cũng không rõ các quyết định được đưa ra trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch có thể diễn ra như thế nào khi nền kinh tế và cuộc sống của người dân mở cửa trở lại.

Jasmine Shah chuyển đến Los Angeles, nơi cô lớn lên, vào tháng 10 năm ngoái. Trước khi đại dịch xảy ra, Shah - người làm việc cho công ty phần mềm VMWare - sẽ lái xe từ nhà cô ở San Francisco đến văn phòng của công ty ở Palo Alto, một chặng đường đi làm mà cô mô tả là "rất vất vả". Song Shah nói rằng, việc rời khỏi Thung lũng Silicon của cô luôn chỉ là tạm thời. Cô vẫn cho rằng, nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thì khu vực Vịnh là nơi có cơ hội nghề nghiệp tốt nhất. Nhưng cô ấy không chắc về việc sống ở đó lâu dài vì mức sống rất đắt đỏ.

Theo Krishnamurthy, Uber đã cân nhắc tất cả lựa chọn khả thi trước khi quyết định mô hình làm việc hybrid. Bà lo ngại, quyết định làm việc hoàn toàn từ xa sẽ gây bất lợi cho các công ty ở Thung lũng Silicon, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn. “Tôi lo lắng rằng, đến một lúc nào đó, họ sẽ mất năng suất vì chưa xây dựng được những mối quan hệ kiểu đó" - bà Krishnamurthy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn