MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Khánh Vân vẽ và bán tranh ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19. Ảnh: NVCC

Tiếng nói của hội họa trong cuộc chiến chống COVID-19

ĐÌNH DY LDO | 11/09/2021 19:00
Các tác phẩm tranh thể hiện những thông điệp khúc triết, rõ ràng, gần gũi, được các họa sĩ chuyển tải đến công chúng với mong muốn chung tay, góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19 tạo được hiệu ứng mạnh mẽ không thua kém loại hình nghệ thuật nào.

Những ngày qua, tranh vẽ về phận đời bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lực lượng tuyến đầu, những hộp cơm, thùng mì chia sẻ để cùng nhau đi qua ngày giãn cách xã hội hay những lời động viên, cổ động phòng chống dịch COVID-19 đã chạm đến trái tim nhiều khán giả. Sau mỗi bức tranh là một câu chuyện, mà ở đó, tình người ấm áp luôn hiện hữu.

Những bức tranh chứa đựng thông điệp nhân văn

Giữa những thông tin tràn ngập về COVID-19, có lẽ mọi người cũng cần một chút gì đó để động viên nhau về mặt tinh thần trong những ngày căng mình chống dịch. Theo đó, bộ tranh "Sài Gòn thời giãn cách" được họa sĩ Lê Sa Long thực hiện đã thu hút sự quan tâm của công chúng.

"Sài Gòn thời giãn" cách gồm gần 40 bức tranh với chất liệu arcylic - pastel và màu nước, chỉ đơn giản là những tranh vẽ ghi lại nhịp sống của TPHCM trong những ngày giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19... Nhưng ở đó, người xem có thể bắt gặp khung cảnh rất đời bởi ánh mắt nhọc nhằn của những người lao động lam lũ; con đường vắng hoe vì giãn cách; những công viên, ghế đá không người lui tới; khu dân cư chịu cảnh giăng dây để nâng cao biện pháp phòng chống dịch...

Trong những khó khăn và có chút đượm buồn đó, mọi thứ lại mang một hơi ấm đến kỳ lạ - hơi ấm tình người qua những gian hàng 0 đồng, ATM lướt ống, những phần cơm miễn phí gửi đến bà con lao động khó khăn cùng vượt qua mùa dịch. Đời thường mà nhân ái có lẽ là yếu tố chạm đến cảm xúc người xem của bộ tranh. Qua các bức tranh, TPHCM hiện lên quá đỗi dễ thương, vừa chống dịch vừa chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.

Là một người từng trải, họa sĩ Lê Sa Long đặc biệt xúc động với những nghĩa tình, từ tình đồng đội, tình nhân ái, tình bao dung, nghĩa hiệp mà anh cảm nhận từ những con người bình thường ở Sài Gòn - thành phố anh đã sống bao năm nay. Mọi người sống vì mình và sống vì nhau. Tại đó, hình ảnh TPHCM mang truyền thống lá lành đùm lá rách hiện lên. Bên cạnh đó là các bức ký họa về các quán 0 đồng, siêu thị 0 đồng hoặc tủ lạnh cộng đồng... cùng hành động của những cá nhân, tổ chức góp phần san sẻ yêu thương, giúp những người yếu thế cùng vượt qua dịch bệnh.

Các đây không bao lâu, họa sĩ Lê Sa Long tổ chức triển lãm bộ tranh "Khẩu trang và người nổi tiếng" và tập sách ảnh cùng tên cổ vũ và nêu cao tinh thần phòng dịch. Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh và trích ra 80 triệu đóng góp cho Quỹ người nghèo, Quỹ phòng chống COVID-19.

Trong đợt giãn cách xã hội mới nhất tại TPHCM, khi nghe tin có bộ đội vào phối hợp cùng các lực lượng khác kể từ ngày 23.8 để lo cho dân, nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ tranh cổ động về sự kiện này. Tranh cổ động của Huỳnh Dũng Nhân có màu sắc tươi mới, đó là nét vẽ cảm động về các y bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít, là hình ảnh các y bác sĩ trong lực lượng tình nguyện của Bệnh viện Bạch Mai vào tăng cường cho Sài Gòn chống dịch, là hình ảnh những người lính Cụ Hồ ở những chốt gác kiểm soát dịch hay ở khắp các nẻo đường, góc phố hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho người dân. Đó còn là chân dung những người mẹ khuôn mặt hằn nét chân chim vẫn tiễn con vào Nam giúp dân quyết đẩy lùi COVID-19... 

Các tác phẩm hội họa của nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: NVCC

Mới đây, Hoa hậu Khánh Vân và ba của mình cùng vẽ bức tranh “Những trái tim yêu thương” với mong muốn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẽ đấu giá ủng hộ tiền cho quỹ phòng chống dịch COVID-19. Bức tranh “Những trái tim yêu thương” được hoàn thành trong 5 ngày, có hình ảnh chính là hoa hậu Khánh Vân với tà áo dài trắng thể hiện sự tri ân, cảm ơn của cô đến với các y bác sĩ, chiến sĩ...

Ngoài ra, còn có hình ảnh bác sĩ tận tâm chăm sóc cho em bé, chiến sĩ công an đã không quản ngày đêm chiến đấu với đại dịch COVID-19. Cuối cùng là hình ảnh người bà, người mẹ Việt Nam giữ vai trò “hậu phương” ủng hộ tiền tuyến chống dịch. Bao quát bức tranh là hình ảnh quả địa cầu tỏa sáng, hy vọng cả thế giới cùng chung tay, đoàn kết chiến thắng đại dịch.

Sau thời gian đấu giá, bức tranh của hoa hậu Khánh Vân được Đôi Dép và Touch Music ủng hộ 150 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được cô gửi đến quỹ phòng chống dịch COVID-19 và giúp đỡ các trẻ em, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngoài những bức tranh do người lớn vẽ ra, các em thiếu nhi cũng tham gia vẽ tranh cổ động cổ vũ tinh thần chống COVID-19. Mới đây, hơn 70.000 tác phẩm của các em thiếu nhi trên cả nước đã gửi về cuộc thi vẽ tranh "Vững tin Việt Nam". Qua cuộc thi, các em thiếu nhi đã đóng góp đợt 1 vào Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19 của Chính phủ số tiền 110 triệu đồng.

Theo đó, mỗi bức tranh mà các em gửi đến chương trình sẽ đóng góp 2.000 đồng vào Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19 của Chính phủ. Hoạt động đóng góp cho quỹ vắc xin được xem là một điểm nhấn khác biệt so với 3 mùa giải trước đây của chương trình “Ngày hội sắc màu”. Ban tổ chức cho biết, hiểu được giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc thi năm nay, thiếu nhi cả nước tham gia rất đông đảo, với hàng ngàn tác phẩm độc đáo mỗi tuần.

Ở hội họa quốc tế, 200 tác phẩm điêu khắc, hội họa vừa được trưng bày từ ngày 1.8 trong triển lãm nghệ thuật chống COVID-19 diễn ra tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh tạo hiệu ứng mạnh mẽ.

Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong triển lãm nghệ thuật chống COVID-19 này được thực hiện bằng nhiều chất liệu: Sơn dầu, màu nước, điêu khắc... với các hình thức đa dạng như tranh thư pháp, tranh cổ động, cụm tượng... của nhiều nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng. Trong đó, nhiều bức tranh sơn dầu khổ lớn miêu tả về sự hi sinh, kiệt sức vì mệt mỏi và gồng mình chống chọi dịch bệnh của các y, bác sĩ gây xúc động mạnh.

Hội họa mang hơi thở thời đại

Hội họa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nó không chỉ phản ánh chân  thật cuộc sống mà còn có sự mệnh cổ vũ, cổ động tinh thần con người. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện tại, những bức tranh được vẽ ra mang đến cho người xem cái nhìn tổng quát về dịch bệnh. Thậm chí, nó góp phần không nhỏ giúp người ta vững tin vào cuộc sống của mình.

Tác phẩm 'Cửa hàng không đồng - nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh' của Lê Sa Long. Ảnh: NVCC
Tác phẩm 'Chú bán vé số ơi, nhận giùm thùng mì này' của Lê Sa Long. Ảnh: NVCC

Họa sĩ Lê Sa Long bày tỏ: “Với tôi, nghệ thuật chính là tấm gương phản ánh chân thật cuộc sống. Hiện thực là đề tài vô tận cho các họa sĩ từ xưa đến nay và tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Dù là với cách diễn đạt gì thì họa sĩ vẫn phải chuyển tải được hơi thở cuộc sống của thời đại mình, mới gọi là thành công”.

 Với các họa sĩ, họ xem việc vẽ tranh của mình trong thời dịch bệnh căng thẳng hiện nay như một cách để thể hiện nỗi đồng cảm với những khó khăn vì dịch bệnh của những người lao động ở thành phố, là sự khâm phục tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn, như bữa cơm không đồng, ATM gạo...

Qua việc vẽ tranh, các họa sĩ cũng hướng đến thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, yêu người lao động nghèo... Với họ, trách nhiệm truyền cảm hứng cho người trẻ hướng tới chân - thiện - mỹ cũng là trách nhiệm quan trọng hàng đầu mà hội họa mang lại.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn