MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm gì

HÀ QUANG MINH LDO | 12/08/2016 18:24
Giữa tháng 6 vừa rồi, tôi được mời tham dự một Liên hoan kỹ thuật số ở Bali (Indonesia), một liên hoan hội tụ rất nhiều gương mặt giải trí có tiếng của ASEAN cũng như Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Và có một sự việc đã khiến tôi ngỡ ngàng (bất chấp tôi đã đoán trước về một kết cục như thế), trong lúc đang cùng những khách mời thưởng thức những tiết mục giải trí trên sân khấu. Đó là việc một thành viên trẻ trong đoàn, trong lúc rút điện thoại di động ra định quay phim lại những gì đang diễn ra, đã mừng rỡ hô lên: “Mọi người ơi, ở đây có Pokemon”. Và thế là ngay lập tức, phần lớn những khách mời trẻ trong đoàn Việt Nam cùng rút smart phone ra và săn tìm một Pokemon đã được định vị. Họ, mới đó vừa hào hứng với âm nhạc trên sân khấu, đã lãng quên ngay chỉ để kiếm tìm Pokemon, cho đến khi một người reo lên mừng rỡ khi mình là kẻ nhanh chân nhất.

Con Pokemon ấy chính là một con thú ảo trong trò chơi Pokemon Go, ra mắt trong tháng 6.2016 và chỉ một tuần sau, trò chơi đó đã mang lại cho đơn vị sản xuất và phát hành - Niantic - doanh thu khổng lồ trị giá hơn 17 tỉ USD. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta đã quen với pokemon bởi nó là thứ đồ chơi thân thuộc với lũ trẻ trong nhà mình. Nhưng từ con thú nhỏ được làm bằng nhựa tổng hợp; trong phim hoạt hình và truyện tranh, nó đã bước vào đời thực (mà đúng ra là hiện thực ảo) thông qua một trò chơi điện tử trực tuyến. Sự thân thuộc của Pokemon với những lớp người thuộc thế hệ trẻ (từ cuối 8X cho tới nay) đã biến nó thành một trò chơi gây sốt. Ở Việt Nam vẫn chưa thể tải trò chơi này về (tính đến hôm nay) nhưng nhiều game thủ trẻ tuổi đã tìm mọi cách, từ bẻ khoá cho tới đổi địa chỉ gian hàng trực tuyến (qua quốc gia khác), để được nằm trong đội ngũ những người chơi sớm nhất.

Khi Pokemon ra đời, nhiều người đã cảnh bảo về tác hại của nó bởi để kiếm tìm một Pokemon được nhà phát triển game tung ra ở đâu đó, người chơi phải lần mò theo bản đồ, di chuyển tới đúng địa điểm ấy (theo định vị GPS) thì mới có thể bắt được thú cưng. Và cảnh báo đã không còn là ảo tưởng. Đã có những tai nạn xảy ra thực sự, như vụ một chàng trai 18 tuổi ở Chiquimula, Guatemala, đã bị bắn chết hồi cuối tháng 6 vừa rồi vì đột nhập vào nhà người khác để… bắt Pokemon. Đó sẽ không phải là cái chết cuối cùng và duy nhất của trò chơi này, không chỉ vì chuyện nhà phát hành game sẽ đặt Pokemon ở bất kỳ đâu và không quan tâm tới mức độ nguy hiểm của địa điểm họ đặt đối với người chơi mà còn vì lý do khác. Hãy thử tưởng tượng, Pokemon bị tranh giành giữa hai đám “trẻ trâu” và tất nhiên sẽ có được thua ảo. Nhưng từ cái được thua ảo ấy sẽ có thể tạo ra cái gì? Đụng độ? Dễ lắm. Bạo lực? Càng dễ hơn. Vô vàn lý do để giới trẻ phải chết, dù có nhiều người có thể lý thuyết một cách bi quan rằng, ở thời đại tiêu thụ và kỹ nghệ kỹ thuật số này, tâm hồn giới trẻ đã chết từ rất sớm rồi.

Điều đó hình như đặt ra một câu hỏi đối với số phận của loài người. Đó là chúng ta kiếm tìm gì ngày hôm nay, khi đa số bắt đầu cắm mặt vào màn hình và quên đi ngoài đời kia còn bao nhiêu thứ rất đáng để sống, để thưởng lãm và để tìm kiếm. Hơn thế nữa, ở vào lứa tuổi phát triển tri thức để trở thành một con người được trang bị đầy đủ cho đời sống, giới trẻ không còn đi tìm kiếm tri thức nữa, mà thay vào đó, họ kiếm tìm, sục sạo trong thế giới ảo, với những thành tựu ảo. Nó được nuôi dưỡng từ những sở thích bé mọn của tuổi thơ nhưng lại được kích thích bởi những bộ não muốn thống trị thế giới nhờ vào thế giới thực tại ảo ấy, như bộ não của Junichi Masuda, người đã đẻ ra trò chơi Pokemon Go, người mà có thể ngoài đời sẽ không bao giờ thực sự đi kiếm tìm một Pokemon nào cả. Masuda có thể tạo ra bất kỳ Pokemon nào, đặt nó ở bất kỳ đâu, thì việc gì phải cố gắng tìm kiếm cho mình một con thú mà anh ta chính là người đầu tiên xác định vị trí cho nó.

Trở lại với hình ảnh ngày Facebook giới thiệu công nghệ thực tại ảo, chắc chưa ai quên đoạn video Mark Zuckenberg hùng dũng bước đi trong một hội trường toàn những con người đeo kính thực tại ảo, mặt ngây ngô như những xác chết biết đi vô hồn. Anh ta hùng dũng là phải. Vì anh ta hiểu, ở đó chỉ có anh ta là thực nhất, còn tất cả sống trong thế giới thực mà anh ta tạo ra từ cái ảo, để rồi đắm chìm trong đó, say mê nó, miên man.

Chúng ta tìm kiếm gì giữa thời đại này? Đó sẽ là câu hỏi mang tính lịch sử và là câu hỏi mang tính bước ngoặt của thế giới loài người mà bản thân việc tự kiếm tìm đáp án cho nó cũng đủ giúp ta thoát ra được những kiếm tìm ảo giác, những kiếm tìm biến mình thành xác chết biết đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn