MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh về cuộc tổng khởi nghĩa tại các địa phương năm 1945.

Tìm về không khí ngày Quốc khánh

KHÁNH AN LDO | 01/09/2023 20:16

Đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam một chiều thu cuối tháng 8, tôi nán lại lâu hơn ở gian phòng thứ 2, nằm trên tầng 2 của bảo tàng. Trong gian phòng này, các hình ảnh chỉ có 2 màu đen trắng, nhiều hiện vật đã nhuốm màu thời gian... thế nhưng tất cả vẫn in hằn mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc cách đây 78 năm.

Mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện

Qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật ấy, tôi được cảm nhận phần nào không khí của ngày Quốc khánh 2.9.1945, trong nắng vàng ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu trữ hơn số hơn 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám và buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945.

Có lẽ bất kỳ du khách nào khi bước vào gian phòng này cũng sẽ cảm thấy ấn tượng với dòng chữ vàng in trên nền đỏ, được đặt tại vị trí trang trọng.

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" - dòng chữ được trích từ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên trên dòng chữ là tấm ảnh đen trắng phóng to với dòng chú thích: "Lễ đài tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2.9.1945”.

Du khách đến tham quan tại bảo tàng nhân dịp 2.9.

Nằm kế bên là bức tượng chân dung nhạc sĩ Văn Cao - kèm theo dòng giới thiệu về vị nhạc sĩ tài ba này - tác giả của bài "Tiến Quân ca" (Quốc ca Việt Nam). Cùng với đó là là bản nhạc Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca) do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

Bộ kèn đồng mà Đoàn nhạc binh Quân đội Quốc gia Việt Nam sử dụng vào ngày 2.9.1945 cũng được trưng bày tại đây. Thời điểm đó, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, giai điệu trầm hùng, hào sảng của các ca khúc: "Diệt phát xít", "Giải phóng quân", "Chiến sĩ Việt Nam"... được ban nhạc xướng lên trong niềm tự hào bất tận, khiến không khí buổi lễ thêm rộn ràng, trang trọng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng vạn người đứng im lặng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trên nền giai điệu bài hát “Tiến quân ca”.

Một trong những hiện vật quý giá về giai đoạn lịch sử trọng đại này có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như Báo Khởi nghĩa số 4,6 - Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Ba Đình, năm 1945; Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12.3.1945; Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ từ ngày 15 đến ngày 20.4.1945; Bức thư của Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng gửi các đồng chí Đại đội thứ 7 Giải phóng quân ngày 13.6.1945.

Ở một góc khác trong gian phòng là bộ sưu tập vũ khí thô sơ như giáo, mác, kiếm, mã tấu,... của nhân dân sử dụng trong ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Băng khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật, Việt Nam độc lập, tổng bộ vạn tuế chuẩn bị võ trang khởi nghĩa” của nhân dân xã Bảo Cường, Định Hóa, Thái Nguyên đi biểu tình tuần hành cướp chính quyền tại Thái Nguyên vào tháng 8.1945 cũng là một trong những hiện vật đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách.

Thông điệp phía sau tủ kính

Tư liệu lịch sử tại bảo tàng ghi lại, đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ 2 đang bước vào giai đoạn kết thúc, trên bán đảo Đông Dương mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày càng gay gắt. Đêm 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương.

Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước” làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa và sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện, đồng thời phát động phong trào “phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói”.

Cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi ở các tỉnh có nạn đói, làm sóng khởi nghĩa từng phần dâng cao, nhiều nơi đã giành được chính quyền cách mạng.

Ngày 12.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Đảng Cộng sản Đông Dương nắm lấy thời cơ cách mạng, phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội quyết định thành lập Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quy định về Quốc ca, Quốc kỳ. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước diễn ra từ ngày 16 đến 28.8.1945.

Bức tượng chân dung nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca).

Ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Các hiện vật, tư liệu về giai đoạn lịch sử này đang được trưng bày trang trọng tại nhiều bảo tàng. Những di sản ký ức này không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp cho hiện tại và tương lai, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn