MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tặng hoa cho chị Đỗ Thị Nhài, cán bộ y tế phường Tân Hưng (Hải Dương). Chị Nhài là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Hải Dương. Ảnh: Hải Nguyễn

Tình người thời COVID-19 ở Hải Dương

Đoàn Văn Nghệ (Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Hải Dương) LDO | 14/03/2021 12:25
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương diễn biến nguy hiểm phức tạp, từ ngày 27.01.2021, kéo dài trên 1 tháng, đã lan tỏa lây nhiễm ở 12/12 huyện, thị, thành phố. 700 ca nhiễm dương tính F0, 17 nghìn người F1, 80 nghìn người F2, đã được chữa trị tại cơ sở y tế, bệnh viện, cách ly tập trung, cách ly tại gia đình. UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định từ 0h ngày 16.2.2021, cách ly xã hội toàn tỉnh Hải Dương trong vòng 15 ngày, phong tỏa thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

Đợt dịch này lại trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân lao động và dân cư đông. Tâm điểm dịch xuất phát từ một công ty nằm ở khu công nghiệp Cộng Hòa - thành phố Chí Linh, nên tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

1. Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã huy động mọi nguồn lực; cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Được sự giúp đỡ, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn cùng với nhân dân Hải Dương quyết tâm phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Với tiền vốn, vật tư y tế, lương thực, nhu yếu phẩm được viện trợ từ Trung ương, đặc biệt là nguồn nhân lực có trách nhiệm: Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an, tình nguyện viên đến từ các thành phố, tỉnh bạn, cùng phương châm “Chống dịch như chống giặc”, nên với thời gian rất ngắn, mọi nhu cầu tương đối đầy đủ, kịp thời, đáp ứng khả năng chống dịch có hiệu quả.

Ba bệnh viện dã chiến được thành lập và phục vụ ngay. “Các binh chủng” với guồng máy khoa học, tâm huyết, đồng bộ theo phương án kế hoạch định sẵn; cắm chốt, cách ly, truy vết, sàng lọc, thành lập Tổ COVID-19 cộng đồng chống lây lan; cấp cứu, điều trị bệnh có hiệu quả.v.v...

Dù đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng trong đợt phòng chống dịch này, chúng tôi càng thấy được tính nhân văn của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Đó là tình người, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Hình ảnh và hành động của những chiến sĩ áo trắng đã xung phong, tình nguyện từ Bệnh viện Bạch Mai, Phổi, Nhiệt đới trung ương... về Hải Dương, xông vào những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất; không kể ngày, không kể đêm; ăn tết tại Bệnh viện Hải Dương; cấp cứu, theo dõi, tiếp nhận bệnh nhân, điều trị có hiệu quả để người bệnh chóng khỏi về với gia đình, đã tạo lòng tin và sự động viên rất lớn với nhân dân Hải Dương.

Những anh bộ đội Cụ Hồ, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ... đã anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, nay lại kiên cường, thầm lặng chống dịch ở Hải Dương. Ngày, đêm, mưa, nắng, giá rét vẫn giữ vững trật tự, an ninh cho dân ngủ ngon; canh chốt, đảm bảo giao thông, liên lạc, hướng dẫn, tuyên truyền cho dân phòng chống dịch trong và ngoài khu cách ly. Có những nơi nhiều người đi cách ly, thậm chí cả gia đình cách ly, thì chi bộ, thôn xóm, khu dân cư, Tổ COVID-19 cộng đồng đã giúp đỡ các gia đình đó cấy hái, thu hoạch nông sản, trông nom nhà cửa, nuôi dạy các cháu nhỏ. Rất đáng khâm phục.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Hải Dương, sau một tháng chống dịch, chúng tôi thấy ông gầy rộc đi, bởi người đứng đầu tỉnh luôn lo lắng đêm ngày. Ông đi xuống ổ dịch, bám trụ, bám địa bàn, sát sao cơ sở, kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo chống dịch; có nhiều giải pháp hữu hiệu, động viên cán bộ, chiến sĩ kịp thời và thẳng thắn nhắc nhở những nơi còn chủ quan, lơ là. Thời gian dịch ông chẳng mấy khi về nhà mà ở cơ quan cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh bàn mưu, tính kế dập dịch và thắng dịch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế Hải Dương, quan tâm đến đời sống nhân dân, trong vùng có dịch cũng như ngoài vùng dịch.

Các huyện, thị xã, thành phố cũng không kém phần vất vả, lo cho dân từ cái kim, sợi chỉ đến tư tưởng nhân dân. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, nếu không năng động, sáng tạo làm thật tốt thì hậu quả rất khó lường.

2. Ngay từ ngày đầu có dịch, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm, đã gửi thư thăm hỏi, động viên cán bộ đảng viên và nhân dân Hải Dương đang gồng mình chống dịch COVID-19, mong cho dịch bệnh ở Hải Dương sớm được đẩy lùi. Đồng thời, đã ủng hộ Hải Dương 2 tỉ đồng và vật tư y tế, khẩu trang. Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương tiếp nhận trong tâm trạng rất vui mừng, phấn khởi và xúc động. Nghĩa cử cao đẹp của cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội như một luồng gió mới, đã tăng thêm sức mạnh, thúc đẩy quyết tâm chống dịch đến thắng lợi hoàn toàn của người Hải Dương.

Tâm huyết của những người bạn láng giềng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình cũng như ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam; các Hội liên hiệp, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân cả nước đã chia ngọt xẻ bùi “Một nắm khi đói, một gói khi no”, khi gặp hoạn nạn có nhau, đã hỗ trợ, ủng hộ Hải Dương tiền và vật chất cùng chung tay chống dịch. Cùng thời gian này, Hải Dương đang mùa thu hoạch nông sản, thực phẩm; một nắng hai sương bà con nông dân làm ra cải bắp, su hào, cà chua, cà rốt, gà, cá... mà không tiêu thụ được vì dịch, bởi các chốt giao thông kiểm soát, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng sau thời gian ngắn thương thảo giữa các tỉnh, thành phố được cởi mở thanh thoát, giao thông đi lại thông thoáng hơn, nông sản, vật nuôi được tiêu thụ nhanh, xuất khẩu tốt, các tỉnh thành thu mua nông sản cho Hải Dương đỡ ứ đọng, chính là sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, đã tháo nút thắt quan trọng để Hải Dương giảm bớt khó khăn.

Ngành Ngân hàng Hải Dương và các tổ chức tín dụng đã ủng hộ hàng chục tỉ đồng và các hiện vật khác; thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, rà soát dư nợ bị đình trệ vì COVID-19 của toàn bộ các doanh nghiệp và nông dân đã vay để SXKD. Thống kê toàn bộ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn nợ, giảm lãi suất cho vay mới, để tiếp vốn cho đối tượng vay vốn, giảm khó khăn, phục hồi sản xuất.

Tất cả những điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tình người thời COVID-19 ở Hải Dương.

Chọn đúng thời điểm, Hải Dương dừng cách ly xã hội toàn tỉnh, gỡ phong tỏa thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ - Hải Dương chuyển sang trạng thái mới, thực hiện Chỉ thị 15, 19 của Chính phủ. Nhân dân thở phào nhẹ nhõm, phấn khởi, vui mừng, cờ hoa rợp trời, cất cao tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hân hoan với bước đầu chống đại dịch thắng lợi. Tuy vậy, phía trước còn rất nhiều khó khăn, đại dịch bất kể khi nào cũng có thể phát sinh ở mọi thời điểm. Chúng ta vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, không được lơ là chủ quan việc phòng và chống dịch mọi lúc, mọi nơi theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Quyết tâm đẩy lùi và loại bỏ dịch COVID-19 hoàn toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - thực hiện tốt Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, không ngừng đưa Hải Dương trở thành tỉnh văn minh, giàu mạnh.

Tình người - Thời COVID-19 - ở Hải Dương đẹp như thế đó!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn