MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại tâm dịch Bắc Giang, hơn 11.000 mẫu bệnh phẩm đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí lấy xuyên đêm. Để người dân có thể bình yên, các bác sĩ đã chạy đua hối hả thần tốc, thần tốc hơn nữa. Nguồn: Bộ Y tế

Tinh thần thép của nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch

Lệ Hà LDO | 13/06/2021 07:40
Dưới cái nắng chói chang của ngày hè, có những lúc nền nhiệt độ tới 39-40 độ C, hàng nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 phải làm việc xuyên ngày đêm trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt dưới tiết trời nóng bức... Không ít người trong số họ lả đi vì kiệt sức.

1. Hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế được huy động để truy vết thần tốc, xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan ra cộng đồng. Lực lượng nhân viên y tế từ khắp các cơ sở điều trị trên toàn quốc xung phong về với điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thời điểm căng mình chống dịch COVID-19, làm việc căng thẳng liên tục nhiều ngày đến 1 - 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi, các nhân viên y tế nơi tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn phải "giam" mình trong những bộ đồ bảo hộ kín mít để làm việc suốt nhiều tiếng đồng hồ. Để đảm bảo an toàn chống dịch, các y bác sĩ phải chấp nhận làm việc trong những "lò xông hơi" đó khiến cho nhiều nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương kiệt sức, thậm chí có người đã bị ngất đi.

Bác sĩ kiệt sức tại Núi Hiểu, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nguồn: Bộ Y tế
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, các y bác sĩ và người dân, công nhân đã có nhiều đêm trắng để chạy đua với thời gian trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều trị. Từng đôi mắt thâm quầng vì những đêm thiếu ngủ của các nhân viên y tế, tình nguyện viên mà tôi gặp đã nói lên sự nhọc nhằn nơi “trận chiến” dịch bệnh.

Ngày 26.5, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin, hình ảnh cùng clip cho thấy một nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu khi đang lấy mẫu test COVID-19 cho người dân. Chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin kèm chia sẻ: “Bác sĩ kiệt sức tại Núi Hiểu, Quang Châu. Các bạn đang được ở nhà hãy cảm thấy hạnh phúc và tuân thủ các quy định phòng dịch của chính quyền địa phương. Đừng nghĩ ngoài kia là sung sướng, thực sự thương các bác sĩ tuyến đầu”.

Lãnh đạo UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xác nhận, một nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu khi đang test kháng nguyên nhanh, sàng lọc COVID-19 cho người dân và công nhân đang sinh sống tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên. Được biết, đây là sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cùng đoàn công tác có mặt tại Bắc Giang từ ngày 16.5.

Theo giảng viên Hoàng Thị Hằng - Khoa xét nghiệm, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, thành viên phụ trách đoàn tình nguyện, do yêu cầu công việc gấp nên có thời điểm, các tình nguyện viên phải làm việc liên tục nhiều giờ, có khi 1 - 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi.

2. Là một trong sáu điều dưỡng nữ của Bệnh viện Đà Nẵng đến chi viện “điểm nóng” Bắc Giang lần này, chị Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi - Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng) khiến nhiều người cảm phục khi tâm sự chị nhất quyết xung phong đi chống dịch dù nhà chỉ có 2 mẹ con, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo.

Chị Võ Thị Hoài Thương (Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng) 2 lần xung phong vào vùng dịch. Ảnh: Mai Ngọc

Chị kể: “Thời điểm dịch ở Đà Nẵng, tôi hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang 1 tháng. Rồi đến 28-29 Tết, khi Gia Lai cần chi viện, tôi cũng xung phong đăng ký và đã chuẩn bị tâm lý, hành trang để lên đường. Nhưng sau đó, lại nhận được thông báo không cần không đi nữa. Chính vì thế, lần này khi nhận được lệnh Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, tôi nhất quyết nói: “Lần trước em đăng ký mà không được nên lần này em nhất định phải đi”.

Tuy nhiên, lần này đến Bắc Giang, cảm nhận của chị rất khác so với lần dịch ở Đà Nẵng. Chị bày tỏ: “Khi làm việc ở Bắc Giang, điều khác nhất chắc phải kể đến khí hậu nắng nóng và khó chịu hơn Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sĩ”.

Thế nhưng, theo nữ điều dưỡng Hoài Thương, nói như thế để biết rằng “trận chiến” này có thể còn dài và còn nhiều thử thách. Riêng với cá nhân, chị không có sự lo lắng vì đã được trang bị kiến thức chống nhiễm khuẩn, các phương tiện bảo hộ và đã làm đến thành thạo nên không lo ngại sẽ bị lây nhiễm cho bản thân.

“Ở trong tâm dịch, một ngày chúng tôi hoạt động liên tục, hiếm khi có thời gian được nghỉ ngơi trọn vẹn lắm. Mỗi ngày êkíp đều phải ở lỳ suốt trong phòng bệnh để theo dõi điều trị tất cả bệnh nhân. Dù mệt mỏi thật nhưng tất cả y, bác sĩ đều cảm thấy được an ủi mỗi khi nhìn thấy diễn tiến tốt của các ca bệnh nặng. Có thể không giúp được nhiều nhưng phần nào góp công sức để hỗ trợ Bắc Giang lúc này. Như lúc lên đường tôi đã hứa, khi nào hết dịch mới quay về, đi 1 tháng 2 tháng cũng được, xong nhiệm vụ, dịch ổn thì về!”, điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ.

3. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, trong ngày đầu tiên đoàn hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân KCN Quang Châu và Vân Trung. Khi KCN đóng cửa, cả đội chuyển sang hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng. Chị kể: “Thời điểm dập dịch ở Quảng Ninh là dịp Tết, thời tiết hợp lý nên khi đội ngũ y bác sĩ mặc bộ phòng hộ cấp 4, cấp 6 cảm thấy rất vừa. Còn hiện tại, dưới cái nóng 37-38 độ C, thậm chí có ngày lên 40 độ C tại Bắc Giang, khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít và chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt. Thế nhưng cái nắng cái nóng của Bắc Giang cũng không làm khó được tinh thần cả đội. Đội bố trí thời gian triển khai công việc từ sáng sớm đến trưa nắng nóng sẽ nghỉ và chiều tối tiếp tục, có khi làm đến đêm. Thêm vào đó là sự động viên từ các cấp lãnh đạo, từ những người dân. Những chiếc bánh mì, những cốc nước mát do người dân tự chuẩn bị hay với sự chung tay của các đơn vị, tổ chức nơi đây dành cho nhân viên y tế cũng đủ làm lấy động lực để người chiến sĩ áo trắng tiếp tục chiến đấu.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang tâm sự: “Hồi ở Đà Nẵng, bệnh nhân nặng chủ yếu đều lớn tuổi và có nhiều bệnh nền, còn những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi căng thẳng hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá”.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy (tại Bắc Giang). Ảnh: Mai Ngọc

“Trước khi đến Bắc Giang, với kinh nghiệm trải qua từ những trận dịch khốc liệt trước đó cũng như nghiên cứu về chủng mới, tôi đã tiên lượng được các nguy cơ và số lượng bệnh nhân có thể diễn tiến. Tuy nhiên, mỗi đợt dịch lại có đặc thù khác nhau. Và đặc thù của đợt dịch ở Bắc Giang là gây tổn thương phổi rất nhanh so với những đợt trước. Vì thế, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nên nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. Thành ra đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn hồi ở Đà Nẵng. Nhưng chính vì những điều này mà chúng tôi quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân, bệnh nhân trẻ nên thầy thuốc phải cố gắng cứu được. Phải kiên quyết không để tử vong”, bác sĩ Trần Thanh Linh nói.

4. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bộ Y tế đã chỉ đạo yêu cầu tất cả các đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe bằng việc tăng cường bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, thời gian lấy mẫu bố trí hợp lý để ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt (buổi sáng từ sáng sớm tới 9h và buổi tối từ 19h tới 23h đêm hằng ngày). Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu phải được bố trí ở vùng râm mát, có quạt, đầy đủ ánh sáng để các nhân viên y tế làm việc hiệu quả nhất.

Hiện Bộ Y tế đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào giúp giảm nhiệt cơ thể, nếu thành công sẽ cho triển khai nhân rộng trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. "Sự an toàn, sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Y tế", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748

Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

2. Chuyển tiền qua tài khoản:

Tên tài khoản: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng

• STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

• STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.

• STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

• STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.

• Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn