MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trang thơ: Biển

Nhà thơ Vi Thùy Linh chọn và giới thiệu LDO | 09/06/2024 05:30

Có lẽ không sự vật nào trên thế giới này có thể ví/ liên tưởng nhiều như biển, những gì lớn lao sâu thẳm mênh mông nhất đến tình cảm trải từ lòng mẹ đến tình yêu lứa đôi. Biển như biểu tượng tích hợp để nói về sự sống, về đời người. Đại giao hưởng kỳ vĩ nhất và bất tận khôn cùng, không phải của nhà soạn nhạc thiên tài, mà đại dương vĩ đại. Con người từng nghĩ chinh phục được biển, vượt trùng khơi; nhưng biển vẫn là bí ẩn lớn nhất và mãi mãi không thể chế ngự, khám phá hết.
Cứ Hè - ra với biển. Cứ yêu là dâng sóng biển.

TAN TRONG HẠNH PHÚC
(tác giả: Nguyễn Hồng Vinh)

Cứ trôi vào mênh mông
Cứ chìm trong góc nghĩ
Hình một tán phượng hồng
Ta ngẩn ngơ đứng đón...

Đây dòng chữ nắn nót
Bật ra từ nhịp tim
Lưu mắt huyền đen láy
Gửi em ngày xa trường

Mặt sông sóng lăn tăn
Như tiếng lòng thầm thĩ
Trong khoang thuyền chiều ấy
Mặc ngả nghiêng gió xoay

Ta tắm trong đắm say
Tấm ni-lông che lạnh
Hơi ấm đôi bàn tay
Nhịp thời gian gõ sóng

Anh lên đường ra trận
Vượt qua nhiều dòng sông
Ánh mắt em yêu thương
Dẫn anh vào trận đánh...

Ngày trở về phượng đỏ
Anh chỉ còn một chân
Má em tuôn dòng lệ
Hạnh phúc dồn tháng năm!

Ta trôi vào mênh mông
Trong nhà tranh, vách nứa
Trăng hạ soi ô cửa
Cánh võng mãi đúng đưa...

Mùa phượng đỏ - 2024

RA BIỂN
(tác giả: Nguyễn Thành Tâm)

Một hành trình ra biển mênh mông
Sông có lúc cạn dòng nước biếc
Lúc cuộn trôi mệt nhoài cùng kiệt
Nắng sóng đùa sao cháy tận đáy sông.

5.2024

BIỂN ĐỎ CHIỀU HOÀNG HÔN
(tác giả: Lê Thanh Sơn)

Có ngọn sóng mang theo chiều biển đỏ
Như mắt em ngóng đợi anh quay về
Có con thuyền lênh đênh trong chiều mưa
Hoàng hôn về biển đỏ của riêng em

Có ngọn gió mang theo mùi của biển
Con sóng trào dâng trong trái tim em
Có cánh chim chơi vơi trời biển đỏ
Đợi anh về với biển đỏ riêng em

Anh đã đi đã xa trong một chiều hoàng hôn cùng cơn gió
Để em lẻ loi thẩn thơ biển đỏ quê em
Anh đã xa, bờ vẫn kiên nhẫn đợi
Em vẫn chờ, mắt đỏ biển hoàng hôn

Anh đi đi, anh cứ đi đi!
Em ở đây cùng biển đỏ chờ anh
Vượt tháng năm cùng những ngày giông bão
Đợi anh về biển đỏ của riêng em
Đợi anh về mắt đỏ biển hoàng hôn...

Sầm Sơn - Thanh Hóa, 1.6.2024

VIẾT TÊN ANH TRÊN CÁT
(tác giả: Nguyễn Thị Bích Liên)

Em muốn anh là biển
Để ôm em thật chặt
Em - muôn vàn con sóng
Ru anh giấc ngủ trưa
Em muốn làm nắng ấm
Để xoa biển dịu dàng
Biển lặng thầm yêu sóng
Sóng cứ xô bờ sóng cứ xô bờ
Nắng ấm lên rồi
Tìm một bờ cát trắng
Em viết tên anh, em viết tên anh
Cho đôi chúng ta mãi mãi
Biển nén ghìm không nói
Biển hờn ghen vô cớ
Cuốn sóng đi rồi
Cuốn sóng đi rồi
Đi đến nơi nào
Biển lặng thầm...

ĐÊM BIỂN
(tác giả: Trần Bá Dung)

Chiều
Ra biển một mình
Em hôn dài bãi cát

Tối nay
Ra biển cùng trăng
Trở về, môi anh đầy cát

Biển đêm
Vụng về, cô đơn
Những cánh buồm ra khơi như chàng ngốc

Biển nói giọng trầm
Chỉ đàn ông hiểu được

Tròn đầy trăng
Soi xuống biển cũng thấy mình xộc xệch!

5.2024

NGHĨ CÙNG MẸ BIỂN
(tác giả: NSND Lê Đại Chức)

Ai là người đầu tiên -
Trong tỉ người này?
Được giao việc thốt lên tiếng gọi
Về mênh mông sóng nước trùng khơi

Biển nuôi sống loài người
Từ những con thuyền độc mộc
Đẽo đục rìu đá thô sơ
Đã nguyên thủy biết gom về tôm cá
Tạo thêm nguồn sữa cho con trẻ khát thèm

Rồi những con tàu /tấm lưới / chão chằng/ dây xích/ mỏ neo...
Những ngư phủ
rúc lên tù và ốc biển

Rộng là bao nhiêu?
Sâu là bao nhiêu?
Bao nhiêu giống loài cộng sinh lòng biển mặn mòi
Để rạn san hô múa vui theo dáng hình vũ nữ

Biển khi nào ngủ?
Khi cứ rào rạt khôn nguôi
Khi cuồn cuộn dâng trào cơn giận dữ
Xóa cả những làng chài
Rồi lại êm đềm... rì rầm... sám hối!

Nghĩ thêm về bao cuộc đời - bao cuộc sinh sôi - bao ngôi mộ gió
Nếu biển vắng những anh hùng ngư phủ
Chắc sẽ chìm trong đơn thân khôn nguôi
Và nếu lại thiếu đi những vai tròn tóc mịn
Những ngực bầu bú mớm
Những ra khơi và những trở về
Những rỗng không và đầy ắp đam mê
Như thủy triều sớm tối
Vơi đầy/ triền miên/ tiếp nối...

Hoàng hôn gối bình minh sẫm nhạt đại dương
Tiếng sóng reo không bao giờ ngắt giọng
Mẹ biển bao dung cho một ngư phủ
Chèo lưới đã cạn thời
Tịnh suy... cùng mẹ biển khôn cùng!

Hà Nội, 28.5.2024

GIỜ NÀY EM Ở ĐÂU
(tác giả: Trần Gia Thái)

Có gì từ nơi ấy
Cát trối trăng
Ngậm ngùi đá cuội
Gió câm

Sao em cứ âm thầm một phía
Càng tìm càng lạc càng xa

Thơ không dịu được xót xa
Thơ không tan được khắc khoải
Những câu thơ vụng dại
Chôn ngập lòng biển sâu

Giờ này em ở đâu
Sao ác thế cánh buồm ma mị
Lạc một đời ta
Ám một đời nhau!

5.2024

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn