MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh luận đến tận cùng…

Luật sư Phan Trung Hoài LDO | 09/09/2016 11:21
Đồng hồ đã chỉ sang 19 giờ tối mà nữ kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan vẫn cố gắng đưa ra quan điểm với từng luật sư về những ý kiến bào chữa đã nêu trong phần đối đáp diễn ra hai ngày qua. 

Cơn mưa kéo dài từ cuối giờ chiều chưa tạnh, tôi thấy ông giám thị làm nhiệm vụ dẫn giải các bị cáo bước vào phòng xử, tỏ ra sốt ruột, lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của các bị cáo liệu có chịu dựng được không. Ông chủ tọa và Hội đồng xét xử vẫn kiên trì lắng nghe, không hạn chế thời gian, để các luật sư và kiểm sát viên đối đáp đến lần thứ ba, cho đến khi không ai phát biểu gì thêm thì mới kết thúc phần tranh luận…

Nếu tính từ ngày 16.8.2016 bắt đầu phần phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, cuộc tranh luận và đối đáp tại phiên Tòa xét xử vụ “đại án” kéo dài gần hai tuần, với nhiều đổi mới về tinh thần và phong cách tranh tụng, trong đó pháp đình là nơi thể hiện sâu sắc văn hoá trong ứng xử nghề nghiệp giữa bên buộc tội và gỡ tội mà bấy lâu nay mọi người kỳ vọng. Chúng tôi lắng nghe lời đối đáp của Viện kiểm sát, không còn điệp khúc “giữ nguyên quan điểm buộc tội” vẫn thường được bên công tố nêu lên khi không tranh luận lại được với các luật sư trước đây. Dường như có một bước chuyển về mặt nhận thức và ứng xử của hai vị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trước Tòa khi dành một thời lượng thích đáng để phân tích, đưa ra các lý lẽ, căn cứ nhằm đồng thuận hoặc bác bỏ các yêu cầu, kiến nghị của luật sư.

Tại phần đối đáp, Kiểm sát viên Trần Ngọc Quang cũng đã thẳng thắn ghi nhận những đóng góp của nhiều luật sư trong việc giúp Hội đồng xét xử làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tôn trọng những người tham gia phiên Tòa, đồng thời góp ý với một số luật sư về phát ngôn thiếu thận trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng. Xuất phát từ những ý kiến nêu trên, các luật sư tham gia phiên Tòa cũng chia sẻ niềm tin, với thái độ ứng xử nghiêm túc, chuẩn mực, trên tinh thần xây dựng của bên buộc tội, bản chất dân chủ trong hoạt động tố tụng ở nước ta có điều kiện thể hiện trên thực tế. Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, hy vọng phán quyết công bằng của Hội đồng xét xử sẽ dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên Tòa những ngày qua.

Ngồi trên xe di chuyển chậm chạp trên phố đông người, nhìn thành phố đã lên đèn qua cửa kính bị che mờ bởi những hạt mưa rơi, tôi miên man suy nghĩ về những gì đang diễn ra và bao điều chờ đợi mình phía trước. Vị đại diện Viện kiểm sát nhắc chúng tôi về chức phận nghề nghiệp của luật sư không phải với mục đích rao giảng, mà chính là khơi gợi chân thành về những cảm xúc tận bên trong, dù ở đâu trên trái đất này thì bản chất nghề luật sư vẫn là một nghề cao quý. Chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Người dân hy vọng vào tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp như là nền tảng cơ bản của nghề luật sư, theo đó mỗi luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, có thái độ tôn trọng, chấp hành pháp luật, tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Trong các quy tắc ứng xử nêu trên, có thể nói việc tuân thủ quy tắc ứng xử của luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng. Quy tắc 23 có nhắc đến việc luật sư cần có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa, không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức. Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền lợi, luật sư phải chỉ ra những chứng cứ pháp lý và căn cứ có ý nghĩa quan trọng giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật, đồng thời kiên quyết bảo vệ ý kiến, luận cứ chính đáng và hợp pháp của mình.

Người ta vẫn hình dung các phiên Tòa hình sự qua biểu tượng của vành móng ngựa, chiếc còng tay và những tiếng còi hụ nhức nhối vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều mỗi buổi xử án. Đôi khi, hình ảnh vị thần công lý bị bịt mắt đứng ngay cạnh phòng xử, để tỏ rõ như một trọng tài công minh và khách quan, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố tình cảm hay tác động bên ngoài, dễ dẫn đến sự hoài nghi về các giá trị văn hóa trong con người Thẩm phán, Kiểm sát viên. Người ta cũng thấy rõ dụng ý của nhà kiến trúc thời Pháp thuộc khi thiết kế trụ sở Tòa án, hướng cảm giác con người khi bước vào phòng xử với tâm trạng run sợ, bị đè nén khi nhìn thấy sự nặng nề của cấu trúc, màu xám của tường và trần nhà, những hành lang tối và cao, sâu hun hút… Có ai hiểu ở bên trong không gian pháp đình ấy, khi tranh luận đến tận cùng, biết bao sự kiện, thân phận, những nỗi đau, tấm lòng chia sẻ được bộc lộ, sự hiển hiện của một hệ thống pháp luật nhân nghĩa được hiểu là một đại lượng cho sự công bằng. Đó cũng là cơ sở đạo đức của văn hóa và pháp luật, với hy vọng mong muốn hướng đến một nền tư pháp mang đậm tính nhân bản, các giá trị về quyền con người được tôn vinh và là đích đến của toàn bộ hệ thống tư pháp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn