MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trên đường tìm kiếm

Xuân Cang LDO | 31/12/2016 16:25
Từ khi ra mắt bạn đọc, đây là bài số 418 mang tên “Góc nhìn bát quái” (GNBQ). Đã đến lúc nhường chỗ cho bạn viết trẻ có những góc nhìn tươi mới hơn. Chỉ xin bạn nhớ cho, cái nhìn âm dương của giời đất không bao giờ cũ mòn, nó đi cùng năm tháng hiện đại và soi sáng cho mọi góc cạnh cuộc đời.

Theo GS. Nguyễn Hoàng Phương tác giả của bộ sách nổi tiếng “Tích hợp đa văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai” thì Kinh Dịch không chỉ là một kỳ thư, không chỉ là di sản tinh hoa nhất của nền văn minh cổ Đông phương, Kinh Dịch còn là một khoa học phổ quát dành cho loài người, có tính khái quát cao về Vũ trụ và Con người. Kinh Dịch còn là khoa học cơ sở để khám phá những bí ẩn kỳ diệu của con người, khám phá ra “trường” sinh học của con người, con người tâm linh, phác họa một đường dẫn, biến những tiềm năng thành khả năng đi sâu khám phá vũ trụ của con người. Như những gì tôi đã trò chuyện cùng bạn đọc, tất nhiên nó vẫn là từ góc cạnh bé nhỏ của riêng tôi, hình thành một loại tản văn, nhìn cuộc sống từ góc nhìn của Dịch học, cũng đã thấy ra nhiều chuyện, được bạn đọc không bỏ qua. Trên đường tìm kiếm, cái mà tôi tâm đắc nhất là gì? Là một khái niệm có tính tổng kết, mang dấu ấn khám phá Văn chương là bản sao hành trình số phận của nhà văn. Nhờ vào cấu trúc Kinh Dịch trong số phận nhà văn (bao gồm cả các nghệ sĩ) mà nhận ra dấu ấn hành trình và hành lang văn chương của từng nhà văn. Hành trình ở đây là những bước thăng trầm, thời kỳ thăng hoa, thời kỳ xuống cấp trong lịch trình sáng tạo. Hành lang ở đây là thiên bẩm, thiên hướng, bản sắc, diện mạo, khí chất, tài năng văn chương, xu hướng tìm tòi đề tài, chủ đề, sự gắn bó với mảng thiên nhiên, cuộc sống, những đặc điểm yêu ghét, những thói quen miêu tả. Tất cả hiện ra dưới ánh sáng của chữ Thời, chữ Tượng, và hai chữ Thể, Dụng (Thể là bản thể số phận của tác giả, Dụng là sự vận dụng trên đường đời và sáng tạo). Tất cả cô đọng thành những tác phẩm mệnh của nhà văn. “Chiếu trên chiếu dưới” trong làng văn là ở những “tác phẩm mệnh” này. Chí ít trong các tản văn GNBQ tôi cũng đã cùng bạn đọc nhìn ra những “bản sao hành trình số phận” của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Vũ Trọng Phụng, Thanh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Duy, Chim Trắng, Y Phương, Dương Thuấn, Nguyễn Thị Minh Thái, Vân Long… Còn trong tác phẩm “dài hơi” “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông”, tôi đã trình bày đầy đủ hơn “bản sao văn chương” của 32 nhà văn trong đó có hai nhà văn Pháp, từ số phận mỗi người đến hành trình văn chương. Nhiều bạn đọc đã tâm đắc về những cái tạm gọi là khám phá ấy. Có bạn đọc hỏi tôi, làm sao có thể khám phá ra những cái ấy? Có thể nói vắn tắt trong mấy chữ: Cái tâm, cái bụng dạ, và cái vô thức. Về cái tâm, xin không nói nhiều. Nó là cái giời cho. Mãi đến năm 64 tuổi tôi bắt gặp sách của Ngô Tất Tố mới biết thế nào là Kinh Dịch. Tôi đọc với một niềm tin mãnh liệt và thấy bên trong những chữ mà chính cụ Ngô gọi là “chủng chẳng, rời rã, ngớ ngẩn, đột ngột” những ý tứ sâu xa, bắt nguồn từ bản chất vũ trụ, soi sáng cho nhân loại, khiến tôi không rời sách ra được nữa. Tôi biết cái tâm tôi bắt đầu từ đó. Về cái bụng dạ, dân Việt ta có hai chữ “nghĩ bụng” thật là hay. Nó chỉ rõ cái bụng là nguồn gốc sự sống của ta. Ta được nối với người mẹ bằng cái cuống rốn, chính từ đây mà nhịp đời tuôn chảy. Còn cái đầu, nó ở một góc xa nhất của đời ta, trong khi trung tâm là cái cuống rốn. Cuộc sống của ta, sự hiện hữu của ta được an trú ở đó. Nó chính là trực giác. Trí óc thì rất là giới hạn, trực giác thì vô tận. Trực giác luôn luôn đến từ cái bụng. Bất cứ lúc nào ta trực giác một chuyện gì đó sắp xảy đến - ta gọi là linh cảm - nó luôn luôn khiến cho gan ruột ta cồn cào. Tôi đã thực sự suy nghĩ các vấn đề dịch học bằng trực giác, có nghĩa bằng tâm linh. Nó liên quan đến vấn đề vô thức. Cũng từ khi nghiên cứu Dịch học, tôi, do một sự xui khiến nào đó của giời đất, bắt đầu đi học Thiền. Hàng ngày tôi đạp xe từ Hà Nội sang quê Gia Lâm học thầy Chiều và người phó của ông là bà Mai Cương (nguyên phóng viên Báo Lao Động và Thứ trưởng Bộ Tài chính). Ông dạy tôi học thiền, mà kết quả cuối cùng là biết “vô thức”. Có nghĩa trong khi ta “tĩnh tâm vô thức”, ta không nghĩ gì cả, chính là lúc những phát hiện sáng suốt nhất hiện lên trong ta. Vô thức đó là một loại thức vận động ẩn sâu trong cơ thể ta, do một sợi dây vô hình nối ta với giời đất mà sinh ra. Có thể nói từ đây tất cả những gì tôi viết ra được bạn đọc để ý bắt đầu từ cái nguồn “vô thức” không thể nói thành lời. Vâng, chính là từ ba cái đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn