MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gà đàn, tranh Đông Hồ.

Triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”: Có đánh thức giấc mơ “Ông đồ”?

Hải An LDO | 10/09/2016 14:18
Khoảng 200 hiện vật bao gồm tranh, ván khắc của 12 dòng tranh dân gian Việt Nam (trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa và Bảo tàng Hà Nội) đã ra mắt công chúng ngày 18.8.2016 vừa qua tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm được đánh giá có cả bề rộng lẫn chiều sâu - với nhiều dòng tranh sẽ kéo dài đến Tết âm lịch.

12 dòng tranh dân gian tiêu biểu được giới thiệu trong triển lãm gắn với địa danh làng nghề hoặc dựa trên chất liệu sử dụng, gồm: Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Thập vật, tranh làng Sình (Huế), tranh đồ thế Nam Bộ, tranh kính Nam Bộ, tranh kính Huế, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng và tranh vải. Dựa vào mục đích sử dụng, có thể chia các dòng tranh dân gian nói trên theo ba nhóm chính: Tranh thờ, tranh đồ thế, tranh Tết/trang trí. Nếu như tranh thờ phản ánh nhu cầu về đời sống tâm linh như lễ tang, lễ cúng chay, lễ cấp sắc, phong sắc… thì tranh đồ thế là loại tranh người dân cúng xong để đốt giải hạn nhằm xua đi những điều xui xẻo, không may trong cuộc sống; còn tranh Tết/ trang trí lại là loại tranh lấy đề tài các tích truyện, cảnh vật hay sinh hoạt… để thể hiện tình cảm, ước mơ của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, thanh bình…

Các nhà nghiên cứu xếp tranh dân gian vào bộ phận tranh đồ họa, với bản chất chung là dùng ván khắc gỗ (mộc bản) để in tranh, sau đó tô màu. Khi nghệ thuật khắc ván in đạt đến đỉnh cao cũng là lúc các dòng tranh dân gian khắc gỗ ra đời. Sớm nhất có thể kể đến là dòng tranh Đông Hồ (thế kỷ 16 - 17); tranh Hàng Trống, Kim Hoàng ra đời vào khoảng thế kỷ 18; các dòng tranh Nam Bộ như đồ thế Nam Bộ, tranh kính (kiếng), tranh gói vải, tranh vải ra đời muộn hơn, vào khoảng thế kỷ 19. Sự trải dài của thời gian và phân bổ khắp các vùng miền đã đem lại cho tranh dân gian Việt Nam một đời sống ẩn chứa trong lòng nó nhiều điều hấp dẫn.

Chính đời sống này đã tạo cho tranh dân gian Việt Nam một vẻ đẹp: Nơi mà đạo lý, tín ngưỡng được coi trọng (thờ Phật, kính thần linh, tận hiếu với ông bà, tổ tiên, cầu may mắn tốt lành); nơi cả người chết lẫn người sống đều có phúc “phần”; thiên nhiên, cây cỏ, cảnh vật, con người luôn gần gũi, gắn bó với nhau. Vì là tranh in từ bản khắc gỗ cho nên đường nét trong tranh dân gian không quá rườm rà, kỹ lưỡng. Màu sắc tranh dân gian dày, xốp mà không bóng vì đều được chế từ những màu có trong tự nhiên như: đá, cỏ, cây, hoa lá…

Tùy theo cách thức làm tranh riêng biệt, mỗi dòng tranh lại có đặc điểm nổi bật khác nhau. Với tranh làng Đông Hồ, người ta in từng mảng màu theo thứ tự (mảng màu đỏ, xanh, vàng…) trước, cuối cùng mới in nét đen. Trong khi tranh Hàng Trống hay Kim Hoàng lại in nét đen trước rồi nghệ nhân mới vờn tỉa vẽ màu lên tranh. Tranh đồ thế làng Sình vì dùng để đốt nên giấy in mỏng, màu nâu đậm, tranh chủ yếu gồm các nét hết sức tối giản, thanh thoát. Tranh kiếng Nam Bộ có điểm lạ là người ta vẽ sau mặt kiếng, cho nên quá trình vẽ những chi tiết tiền cảnh được vẽ trước, hậu cảnh vẽ sau, cuối cùng mới phủ màu nền cho toàn bức tranh…

Thông thường tranh dân gian được bày bán nhiều vào dịp Tết, nên ngoài tên riêng nhiều người cũng gọi chúng là tranh Tết. Xưa cứ đến tháng chạp, vào ngày mùng 6, 11, 16, 21, 26 người làm tranh Đông Hồ lại đem tranh ra bán ở đình làng, thuyền bè tấp nập các nơi từ Nghệ An, Thanh Hóa và nhiều nơi khác đến mua. Tranh Hàng Trống, làng Sình, tranh kính… có lẽ cũng một thời hưởng sự sầm uất ấy khi Tết đến, xuân về.

Cùng với thời gian, chiến tranh loạn lạc, đói nghèo rồi khấm khá…, thời thế đã đổi thay, cảnh xưa, lòng người cũng khác đi nhiều. Người ta không phải chờ một năm có mấy ngày Tết để mua về một vài bức tranh ưng ý treo trong nhà, hay thay cho tấm tranh năm cũ sắc đã kém tươi dán trên vách tường, phên liếp. Người chơi tranh dân gian ít đi, nghề làm tranh cũng dần mai một. Làng Đông Hồ chỉ còn hai gia đình nghệ nhân là Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam, tranh Hàng Trống chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên theo đuổi, tranh làng Sình chỉ còn 5 gia đình làm trong đó chỉ có một nghệ nhân Kỳ Hữu Phước biết làm mộc bản…; người trẻ dường như không mấy thiết tha với nghề truyền thống này.

Trong bối cảnh đó, tham vọng làm sống lại một thời hưng thịnh của những dòng tranh dân gian xưa nay đã mai một thậm chí thất truyền thông qua một vài cuộc triển lãm, lễ hội là điều quá sức. Nhưng ít nhất, qua những triển lãm như “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”, “Nét xuân” hay “Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba” trước đây, sẽ có nhiều người biết đến di sản vật thể chứa đầy giá trị phi vật thể tốt đẹp của cha ông, dân tộc mình hơn. Và cùng với nó, những việc làm thầm lặng của các nghệ nhân như cụ Chế, cụ Sam, cụ Nghiên, cụ Phước cũng đánh thức giấc mơ “Ông đồ” (nhà thơ Vũ Đình Liên từng nhắc) trong những người đang sống, về một quá khứ - cần được sống đời sống của nó, với một tương lai không bị đứt kết nối và quên lãng.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn