MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làm thế nào để trẻ không sa đà, trở nên nghiện game là bài toán đang được đặt ra. Ảnh:cuocthi.cpvm.vn

Trò chơi trực tuyến có mang tính giáo dục?

KHẢ HÂN LDO | 21/12/2016 07:10
Những ngày qua, nhiều phụ huynh có những phản ứng gay gắt khi cuộc thi online “Chinh phục vũ môn” (CPVM) được đưa vào trong hoạt động của trường học. Điều này tiếp tục gây nên cuộc tranh cãi trò chơi trực tuyến liệu có mang tính giáo dục? Làm thế nào để trẻ không sa đà, trở nên nghiện game? TS. tâm lý Bùi Hồng Quân - cố vấn Khoa học Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt đã có những trao đổi với chúng tôi.

Ông có những đánh giá như thế nào về việc đưa game online vào trong trường học?

- Chúng ta đang thấy một thực tế là giới trẻ, nhất là HSSV đang thiếu rất nhiều sân chơi, đặc biệt là các sân chơi trí tuệ. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội có thể tạo ra các sân chơi cho giới trẻ, nhất là sân chơi học thuật thì đó là một điều rất đáng quý và cần khuyến khích. Những kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, khoa học... có vai trò rất quan trọng trong hành trang tri thức của người học mà không phải học sinh nào cũng sẽ đọc sách để tìm hiểu điều đó. Bởi vậy, thông qua các trò chơi trí tuệ, người học có thể tiếp thu được kiến thức đó. Rõ ràng việc đưa kiến thức vào các hình thức gameshow đã tác động đến tâm lý của học sinh. Lúc này, các em sẽ không chỉ sử dụng trí tuệ mà lúc đó còn tác động đến yếu tố thị giác, thính giác và đặc biệt là cảm xúc của các em nữa. Khi mà tham gia các trò chơi trực tuyến như vậy các em sẽ có một sự hào hứng trong việc chinh phục được kiến thức mà trong trò chơi đó đưa ra. Khi đạt được một thứ hạng nào đó thì các em sẽ nghĩ là giá trị của mình được nâng lên, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng mà các trò chơi trực tuyến nói chung và trò chơi CPVM chúng ta đang bàn tới có sự thu hút hơn so với các trò chơi khác. Trò chơi trực tuyến hứng thú nữa bởi các em có thể chơi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và khi tham gia như vậy các em cũng có thể mở rộng các mối quan hệ và cơ hội của các em cũng nhiều hơn, các em thể hiện được bản thân nhiều hơn. Đó là lý do mà gameshow luôn thu hút được giới trẻ. Tuy nhiên, ngược lại với các lợi ích đó thì luôn còn những điều chúng ta cần lưu ý. Đôi khi yếu tố xếp hạng, mang nặng tính thắng thua hay yêu cầu người chơi phải nạp tiền thì lúc đó nó không còn đúng bản chất của trò chơi trí tuệ nữa. Kích thích sự cố gắng, nỗ lực, thi đua của các bạn trẻ là tốt nhưng không phải là một trò chơi thắng thua hay một cuộc đỏ đen. Như vậy, kích thích ở mức độ nào và làm cho các em nhận định được giá trị bản thân ở mức độ nào thì cái điều đó phụ thuộc vào cách thiết kế trò chơi. Làm sao để cho học sinh hào hứng và mong muốn được tham gia nhưng cũng không sẵn sàng bỏ hết tất cả thời gian và công việc khác để có thể tham gia vào trò chơi này là những điều mà đơn vị tổ chức cần tính tới.

TS cho rằng nên dừng hay tiếp tục game online trong trường học?

- Không phải tự nhiên mà CPVM ra đời và thu hút được sự quan tâm đến như vậy. Chứng tỏ, game đó phải có giá trị và các em phải tìm được một lợi ích hay một điều gì đó ngoài giờ học khi mà tham gia một trò chơi như vậy. Chính vì thế, trước khi quyết định dừng hay không dừng thì chúng ta nên thực hiện một cuộc khảo sát trên chính đối tượng là các em học sinh và cả với phụ huynh để tìm ra những lợi ích mà trò chơi đem lại và đâu là những hạn chế. Nếu game có giá trị tích cực nhiều hơn thì chúng ta nên tiếp tục giữ và phát huy, những khía cạnh tiêu cực cần được điều chỉnh. Để đưa ra quyết định dừng hay không dừng thì chúng ta cần đưa ra những cơ sở, lý lẽ khoa học hoặc thực tiễn từ đó mới có thể quyết định được. Bởi rõ ràng một sân chơi trí tuệ như thế là một điều rất đáng quý.

Thưa TS, làm sao để chúng ta có những sân chơi trí tuệ phù hợp với giới trẻ?

- Hãy bắt đầu từ người trẻ trước khi chúng ta có ý định hay muốn làm bất cứ điều gì đó liên quan đến họ. Hãy tìm hiểu sự mong đợi và đặc điểm của người trẻ để thiết kế lên những sân chơi phù hợp. Khi đã thực hiện rồi thì hãy thí điểm thật kỹ trên chính đối tượng này và có sự giám sát của các cơ quan chức năng để chúng ta đảm bảo rằng, những tác động gây nên của trò chơi đó sẽ không gây hại cho các em mà nó sẽ đem đến giá trị tích cực. Cộng với đó là sự quản lý đồng bộ của các cơ quan, không chỉ là vai trò của đoàn thể mà là vai trò của cơ quan giám sát trong quá trình tổ chức một trò chơi hay hoạt động. Đó chính là biện pháp để giúp cho các trò chơi của chúng ta ra đời đáp ứng đúng và gần với tâm lý của các bạn trẻ và tránh được các hệ quả mà chúng ta không mong muốn.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn