MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 43% vào năm 2025. Ảnh: Trần Lâm Đồng

Trồng 1 tỉ cây xanh- chung tay để "mệnh lệnh trái tim" thành hiện thực

long Vũ LDO | 12/02/2021 06:58
Sáng 10.11.2020, phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn, đe dọa đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục trồng cây, gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa. Trong vòng 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị cả nước cùng đồng lòng trồng 1 tỉ cây xanh, bao gồm cả cây xanh đô thị.

Không đánh đổi môi trường, đổi rừng để phát triển kinh tế

Tại rất nhiều cuộc họp, sự kiện, Thủ tướng luôn thể hiện quan tâm đến “kiềng 3 chân” trong phát triển bền vững: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm... Chính vì vậy, tăng diện tích rừng, ngoài việc đẩy mạnh trồng cây, còn phải quyết liệt giữ lấy diện tích rừng hiện có.

Thực tế là cách đây gần 3 năm, từ năm 2017 (sau khi Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW) đến nay, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức rà soát hồ sơ, kết hợp với kiểm tra thực địa đối với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích đề nghị là 183.740ha, trong đó, rừng tự nhiên 39.133ha, rừng trồng 74.242ha, đất chưa có rừng 13.816ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550ha. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng các dự án đảm bảo hồ sơ đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường và các dự án phục vụ quốc phòng - an ninh là 133 dự án, chiếm 3,66% dự án đề xuất; với diện tích 3.325ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất (rừng tự nhiên 1.581ha, rừng trồng 1.582ha, đất chưa có rừng 164ha).

Bộ NNPTNT khẳng định: Trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện. Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng đã góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên. Tất cả dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đều phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Tuy vậy, Bộ NNPTNT cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn là chất lượng rừng tự nhiên thấp (15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, 50% diện tích rừng nghèo, nghèo kiệt) và còn suy giảm ở nhiều địa phương; công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn; đời sống của người làm lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, hạ tầng lâm nghiệp yếu kém... Điều này cho thấy, nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới là hết sức nặng nề trước biến đổi khí hậu, đòi hỏi thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tiếp tục quản lý chặt chẽ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhất là để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, thủy điện; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững, những dự án gây tổn hại đến rừng và môi trường.

Trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm - quyết tâm vì một Việt Nam xanh

Theo Bộ NNPTNT, kế hoạch 2021-2030, ngành Lâm nghiệp phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị bình quân 5m2/người và đến 2030 là 10m2/người.

Thực tế, cách đây 5 năm, Việt Nam đã phát động phong trào trồng 1 triệu cây xanh và các địa phương, sở, ban, ngành đã đồng hành trong chương trình phủ xanh môi trường sống. Ngoài trồng rừng, hầu hết khu đô thị lớn, hiện đại cũng đang nỗ lực làm sạch lá phổi của thành phố qua các chương trình trồng cây xanh để giảm phát thải nhà kính. Trong đó, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... là những thành phố hiện đại đi đầu trong phong trào phủ xanh đô thị.

Theo GS.TS Vương Văn Quỳnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp, 1 tỉ cây xanh nếu quy ra diện tích tương đương 300.000 - 400.000ha rừng trồng. Cần phải lưu ý khi trồng rừng là chọn cây hiệu quả kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện từng nơi. Điều quan trọng là, cần phải xác định những cách trồng rừng giống kết cấu rừng tự nhiên như trồng nhiều loại cây, nhiều tầng cây khác nhau như cây ưa sáng, cây ưa bóng, cây bụi... để “sau 2-3 thập kỷ, Việt Nam sẽ có những khu rừng không khác gì rừng tự nhiên, cho hiệu quả kinh tế và môi trường” - GS.TS Vương Văn Quỳnh nhấn mạnh.

Là thủ đô - thành phố công nghiệp hiện đại, đầu tàu của cả nước - Hà Nội đã đi đầu trong phong trào “sống xanh, sản xuất xanh” qua việc phủ xanh đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và tác hại của bê tông hóa. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.530.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ, đạt 95,6% kế hoạch thành phố giao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội đã trồng được hơn 67.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 1.637 cây đơn lẻ khóm và 1.841m2 cây mảng, thảm cỏ).

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, trong năm 2019, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên giảm đến gần 16.000ha, làm giảm 0,09% độ che phủ của khu vực. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng bị mất nhiều nhất với khoảng 11.400ha.

Trước tình trạng “mất rừng” nghiêm trọng trong thời gian gần đây tại Tây Nguyên, Bộ NNPTNT đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới cần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%.

Về bảo vệ rừng, cần bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả. Giảm căn bản diện tích rừng bị thiệt hại do các nguyên nhân khác nhau.

Thực hiện kế hoạch này, năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk trồng mới 1.770ha rừng; trong đó có 80ha rừng phòng hộ, 15ha rừng đặc dụng, 1.675ha rừng sản xuất. Hiện nay, các đơn vị đăng ký trồng rừng đã phát dọn thực bì, chuẩn bị đất và cây giống chờ thời tiết thuận lợi để xuống giống trồng rừng. Thời vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đặt mục tiêu trồng 207ha rừng gỗ lớn. Sở NNPTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời rà soát và mở rộng trồng thêm 120ha, nâng diện tích thực hiện trong năm 2020 là 327,9ha.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn 2016-2020, đối với trồng rừng tập trung, cả nước đã trồng được 1.134.000 ha, bình quân 227.000 ha/năm; đạt 110,6% nhiệm vụ của chương trình. Trong đó, trồng rừng sản xuất được 1.064,7 nghìn ha, bình quân 213.000 ha/năm; trồng rừng đặc dụng, phòng hộ được 69,2 nghìn ha, bình quân đạt 14.000 ha/năm; trồng cây phân tán: 284,2 triệu cây, bình quân đạt 57 triệu cây/năm, đạt 114% nhiệm vụ; khoanh nuôi tái sinh bình quân 287.000 ha/năm...

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh: Thủ tướng đặt ra mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh cũng là cơ hội để các ngành chức năng, các địa phương đặt ra một mục tiêu, chương trình cụ thể hơn cho phong trào Tết trồng cây hàng năm.

Để có được 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới sẽ tập trung trồng cây ở các đô thị, trồng ở khu công nghiệp, trên các hệ thống đường giao thông, những khu vực chuyên canh nông nghiệp nhưng không có bóng cây. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng trên đất lâm nghiệp.

"Trong 5 năm, chỉ cần mỗi người trồng 2 cây trong 1 năm là sẽ phủ xanh 1 tỉ cây. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào phải thiết thực, trồng có bài bản, kế hoạch, chăm sóc để cây phát triển và cho hiệu quả kinh tế, xã hội, chứ không phải cắm cây xuống là xong" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ.

Theo Bộ NNPTNT, đến năm 2019, diện tích có rừng là 14.609.220ha, chiếm trên 43% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ là 13.864.223ha, tỉ lệ che phủ là 41,89%, dự kiến đạt 42% vào năm 2020. Dự kiến năm 2025, tổng diện tích đạt tiêu chí thành rừng khoảng 14.128.329ha, tăng 227.700ha so với năm 2020; tỉ lệ che phủ đạt 42,69% và đến năm 2030 ước đạt 43%.

Thực tế từ kết quả về kiểm kê rừng từ năm 2011 đến 2019 cho thấy, diện tích rừng tăng 1.094.156ha, từ 13.515.064ha năm 2011 lên 14.609.220ha năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi năm tăng 121.684ha, tỉ lệ che phủ rừng tăng tương ứng là 2,19%, từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% vào năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,24%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn