MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trống đồng Thục.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi LDO | 07/11/2021 08:21
Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” cho thấy ý nghĩa của trống đồng trong việc hiệu lệnh chư hầu trước các nước lân bang. Chỉ một tiếng trống vang lên cũng đã làm các chúa mường phải thuần phục. Thục Phán nhờ có trống đồng đã trở thành vua chủ của 9 tộc người. Trống đồng là vật gì mà lại có quyền uy như vậy?

1. Bất ngờ lớn nhất là những thông tin về công dụng của trống đồng lại được ghi trong cuốn kỳ thư cổ đại là Kinh Dịch. Trong 64 quẻ Dịch, quẻ Dự có lời tượng như sau: “Dự - sấm vang rền mặt đất, tiên vương dùng tạo nhạc đề cao đạo đức, long trọng dâng lên thượng đế cùng với tiên tổ”. 

Trống đồng còn gọi là trống sấm, là loại trống duy nhất khi đánh để úp xuống đất, nên lời tượng quẻ Dự nói: “Sấm vang rền mặt đất”. Quẻ Dự như vậy có hình tượng là trống đồng. Chữ “tác nhạc” cho thấy rõ ràng trống đồng là một nhạc cụ dùng trong các buổi lễ tế. Nó chính là tổ tiên của văn hóa cồng chiêng ngày nay.

Cổng đá đền Đồng Cổ ở Đan Nê.

Nói đến vua Thục Phán không thể không nói tới thành Cổ Loa, tương truyền do An Dương Vương xây dựng. Cũng ở Cổ Loa, đã phát hiện được một chiếc trống đồng lớn cùng với những vũ khí hình như lưỡi cày đồng. Ở mặt trong vành chân đế của trống đồng Cổ Loa có khắc một dòng chữ triện, có thể đọc được như sau: “Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”. Nghĩa là: “Trống tế thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”. Chữ đầu tiên trong dòng chữ này đọc là Vu, có nghĩa là tế lễ, cầu mưa. Đây là một bằng chứng về công dụng sử dụng của trống đồng trong các buổi lễ tế trời và tổ tiên người Việt.

2. Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là nơi có đền thờ thần Trống Đồng, gọi là đền Đồng Cổ, nằm ở làng Đan Nê. Sách “Linh tích Tam Thai sơn” có đoạn viết về trống đồng ở Đan Nê như sau: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc (0,6m), cao hai thước (0,8m), rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”. 

Theo Địa chí huyện Yên Định thì tại làng Đan Nê còn lưu truyền đôi câu đối: “Vật lưu Bách Việt tổ. Kiến ấp Trịnh Lưu Hà”. Di vật còn lưu lại ở Đan Nê là chiếc trống đồng như được mô tả trong sách Linh tích Tam Thai sơn. Trên chiếc trống này còn có chữ dạng triện (sách Đại Nam nhất thống chí chép là dạng chữ khoa đẩu), là loại chữ tượng hình sớm, trước thời nhà Tần. Câu đối ở Đan Nê cho biết trống đồng gắn liền với thời Hùng Vương, là tổ của Bách Việt và dùng trong việc phong ấp cho 3 dòng họ ở đây là họ Trịnh, họ Lưu và họ Hà.

Mặt trống đồng Cổ Loa.

Công dụng của trống đồng dùng trong phong ấp lập họ cũng khớp với lời của quẻ Dự, nói: “Lợi kiến hầu, hành sư”. Theo lời quẻ, trống đồng được sử dụng để “kiến hầu”, tức là dùng để phong tước phong hầu, và “hành sư”, nghĩa là dùng để điều khiển quân đội.

Trong cuốn cổ thư “Trúc thư kỷ niên” có chép khi Tần đánh bại và thu phục được các tiểu quốc Tây Nhung, vua Chu Tương Vương đã ban cho Tần Mục Công những chiếc trống đồng. Đây là tư liệu sớm nhất nhắc đến trống đồng trong lịch sử. Việc vua Chu ban trống đồng có ý nghĩa như là phong vùng đất Tây Nhung mới thu phục được cho Tần Mục Công. Nói cách khác, trống đồng đã được sử dụng làm vật ban phong đất và phong tước.

3. Trống đồng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn được biết gặp nhiều nhất tại Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Phạm vi phân bố của trống đồng tương ứng với cương thổ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, có phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc giáp Hồ Nam, phía Nam giáp Hồ Tôn. Vùng đất Quý Châu là đất Ba Thục, cũng là nơi được ghi nhận là xuất xứ của Thục An Dương Vương.

Một chiếc trống đồng có nguồn gốc từ đất Thục ở Quý Châu với những họa tiết tạo hình và chữ viết rất độc đáo. Chiếc trống Thục này có dạng đặc trưng Heger II, cao 24cm, đường kính mặt trống 35 cm, đường kính đáy 29 cm. Ở giữa chiếc trống đồng là hình mặt trời có 16 tia, nhưng hết sức khác lạ là bên trong mặt trời lại có hình tròn với 5 vòng xoắn. Hình tròn 5 xoáy vừa là biểu tượng cho mặt trời, cũng là biểu tượng của Ngũ hành, xưa có tên là “Nhật nguyệt tinh thần”, gồm 4 tượng của các vì tinh tú và 1 hình tròn ở trung tâm. Đây là biểu tượng của nguyên thần, của những gì căn cơ nhất trong trời đất, tương tự như khái niệm Thái cực đồ âm dương sau này. 

Ở vòng tròn bên trong gần mặt trời là hình 16 con chim cổ dài như cổ cò, đứng thành từng 8 cặp quay vào nhau. Mỗi con chim đứng trên một con rắn dài nhỏ. Hình Chim - Rắn khá giống cảnh đôi Hạc đứng trên lưng Rùa để chầu. Chim - Rắn cũng như Hạc - Rùa là thể hiện không gian, trên trời có chim, dưới đất có rắn rùa. Tương tự trên trống đồng Ngọc Lũ là chim bay trên trời, hươu chạy dưới đất. Rắn cũng có thể coi là tượng hình của Rồng, nên biểu tượng Chim - Rắn là dẫn chứng nữa về sự hòa hợp biểu tượng của 2 dòng Tiên - Rồng trên mặt trống đồng.

Mặt trống đồng Thục.

Vòng ngoài trên mặt trống gồm 4 đoạn giống nhau, phân tách bởi 4 tượng cóc. Mỗi đoạn gồm 3 cụm hoạt cảnh. Mỗi hoạt cảnh thể hiện hình một người có tóc búi đuôi sam dài, đang dương cung bắn vào một con thú, hình như con cáo. Đối diện là một hình người chim, có phần đầu như đầu chim, mỏ lớn, có 2 cánh. Tổng cộng có 12 hoạt cảnh giống nhau lặp lại ở vòng ngoài của mặt trống. Tóc đuôi sam, hình người chim đều là những biểu tượng đặc trưng có trong văn hóa Thục. Người chim được thể hiện trên cây vũ trụ tìm thấy ở Tam Tinh Đôi trên đất Thục cổ. Sử dụng nỏ thành thạo là sự liên hệ đến câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết Việt.

Trên mặt trống có 4 tượng cóc cõng nhau. Khác với hình cóc thường gặp trên trống đồng Đông Sơn, mỗi tượng cóc ở đây được thể hiện thành khối dày chắc chắn, ngẩng đầu, có các xoáy âm dương ở hai bên thân. 4 tượng cóc nằm ở 4 góc, thể hiện tính vuông của Đất. Trong khi mặt trống hình Tròn, chỉ tính chất của Trời. 4 góc là nơi Trời tròn - Đất vuông giao hòa mà sinh ra vạn vật. Cho nên mới có cóc đực cái giao hợp, sinh sôi nảy nở không ngừng.

Trống Thục có 4 chiếc quai, khá đặc biệt, không giống kiểu quai hình văn thừng như các trống đồng Đông Sơn. Quai trống Thục có hình đầu rồng có tai lớn, ngậm quai. Hình này có thể gọi là hình Tiêu đồ, đặc trưng của các đồ đồng dòng đỉnh vạc thời Thương Chu. Sự kết hợp các chi tiết biểu tượng của 2 dòng đồ đồng Trung Hoa trên cùng một hiện vật, đánh dấu sự thống nhất 2 dòng văn hóa của thiên hạ. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Rồng là dòng theo cha Lạc Long Quân, thể hiện trên các đồ vật có chân như đỉnh, vạc thời Thương Chu. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Chim là dòng theo mẹ Âu Cơ, thể hiện trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn.

Ở vành ngoài trên mặt trống có 57 ký tự lớn ở dạng Đại triện. Niên đại của lối chữ này ước đoán vào khoảng thời Chiến Quốc, trước khi Tần thống nhất chữ viết toàn Trung Hoa thành chữ Tiểu triện. Sự kết hợp giữa trống đồng và chữ Triện là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất rằng văn hóa trống đồng thuộc chung nền văn hóa chữ tượng hình phương Đông, tức là nằm trong cùng một thiên hạ Trung Hoa thời nhà Chu.

Dòng chữ ngoài cùng được đúc sâu, khá rõ nét. Lối viết Đại triện này có nhiều khác biệt nên hiện không thể đọc hết được số chữ này. Tuy nhiên trong bài minh văn của chiếc trống Thục có nói tới việc phong tước và hành sư, như đoạn câu “Vương tứ Bá” - Vua ban thưởng cho Bá, và đoạn “nội sơn tác sư” - trong núi lập ra quân đội. Dựa vào nội dung chữ đọc được trên trống, có thể thấy đây là một chiếc trống được ban cho một vị tướng tước Bá để dùng làm hiệu lệnh, xây dựng quân đội.

4. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về đền Đồng Cổ ở Yên Định như sau: “Xưa Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thấy thần báo mộng, bảo vua rằng: Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này. Đến khi ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống, tiếng kiếm kích, rồi quả nhiên vua được toàn thắng”.

Như vậy, trong thần tích về thần Đồng Cổ, trống đồng được dùng trong việc đánh trận, điều khiển quân đội. Ở chiếc trống Thục trên, công dụng về việc hiệu lệnh quân đội thể hiện ở phần thân trống. Thân trống chia làm 3 phần. Phần tang trống có 16 hoạt cảnh người đi săn - người chim như trên mặt trống. Còn 2 phần lưng và chân trống là vòng tròn các chiến binh, gồm cụm 3 người một. Một người chống tay cầm kiếm, một người đang dương cung và một ngươi vung 2 tay như đang dùng dùi đục. Tổng cộng cả phần mặt trống và thân trống có tất cả 156 hình người. Có thể thấy đây là trống quân dùng trong quân ngũ, chứ không phải trống dùng trong tế lễ.

Chiếc trống đồng có chữ Đại triện là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa vùng Bắc Việt và đất Thục ở Tứ Xuyên, Quý Châu. Những cặp đôi: Mặt trời - Ngũ hành, Chim - Rồng, Trống đồng - Chữ đại triện cho thấy thực chất cả 2 dòng Tiên - Rồng của truyền thuyết Việt đều thuộc một nền văn minh phương Đông cổ đại. Trống đồng thật sự là vật lưu truyền của tổ Bách Việt, từ cha Rồng mẹ Tiên hợp nhất trong vòng quay trường cửu quanh mặt trời ở trung tâm vũ trụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn